Các cuộc không kích gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ đã phá hủy hàng chục xe tăng, xe bọc thép và hệ thống phòng không của quân đội Syria, ngăn chặn hiệu quả bước tiến của lực lượng Chính phủ ở Idlib.
Được coi là động thái trả đũa vụ 34 binh sĩ thiệt mạng tháng trước, các cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria không sử dụng máy bay thông thường mà sử dụng các phi đội máy bay không người lái (UAV) đa năng.
Máy bay không người lái quân sự đã được sử dụng trong nhiều năm qua với các vai trò như tình báo, giám sát và trinh sát, thậm chí là công cụ ám sát, nhưng đợt tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ lần này mới được coi chiến dịch quy mô lớn đầu tiên mà UAV được sử dụng cuộc đối đầu giữa hai quân đội, theo Al Jazeera.
Điều gì mang lại cho máy bay không người lái lợi thế hơn so với máy bay có người lái thông thường trong một số nhiệm vụ nhất định, và tại sao Thổ Nhĩ Kỳ có màn trình diễn hiệu quả trong việc sử dụng vũ khí này?
Lợi thế của UAV
Công nghệ ngày càng phát triển, các mẫu UAV cũng ngày càng trở nên đa dạng hơn, cho phép quân đội và cơ quan tình báo trên khắp thế giới nghĩ ra nhiều phương thức mới để sử dụng chúng. Nhưng về cơ bản, hầu hết các mẫu UAV đều sở hữu một số đặc điểm chung.
Chúng thực chất là các camera quan sát trên bầu trời, được trang bị cảm biến độ phân giải cao, có khả năng truyền tải dữ liệu, radar và hệ thống dẫn đường bằng laser.
Tốc độ bay chậm của UAV có thể được coi là một lợi thế vì chúng có thể lảng vảng trên không và có thể quan sát mục tiêu từ trên cao liên tục trong nhiều giờ, thậm chí là nhiều ngày.
Đặc tính này đặc biệt hiệu quả ở những khu vực mà máy bay thông thường quá ồn ào để tiếp cận hoặc sự xuất hiện của các vật thể lạ dễ bị chú ý.
Không những vậy, vận hành máy bay không người lái từ xa cũng dễ dàng hơn khi người điều khiển có thể luân phiên thay ca khi mệt mỏi. Nhân viên quân sự, tình báo, các chính trị gia cao cấp và cố vấn pháp lý có thể tập trung trong phòng vận hành để thảo luận và quyết định có nên tiêu diệt mục tiêu hay không.
Đây là lợi thế lớn khi quá trình quyết định được bàn thảo kỹ lưỡng hơn so với việc một phi công đang bay ở tốc độ vài trăm km/h buộc phải ra quyết định nhanh chóng trong lãnh thổ kẻ địch.
Ngoài ra khả năng vũ trang trên máy bay không người lái ngày nay cũng mang lại nhiều cơ hội tức thời hơn. Thông thường, các mục tiêu được phát hiện bởi UAV giám sát sẽ mất thời gian chuyển thông tin về cơ sở, sau đó chuyển lệnh cho một vũ khí khác thực hiện tấn công. Quá trình quá lâu như vậy sẽ khiến máy bay hoặc tên lửa địch phóng đi, cơ hội vụt mất.
Năm 2000, quân đội Mỹ đã phát hiện trùm khủng bố Osama bin Laden ở Afghanistan nhưng không thể nga y lập tức ám sát vì máy bay không người lái phiên bản Predator đầu tiên không được trang bị vũ khí.
Rất nhanh sau đó, người ta nhận ra rằng một UAV vũ trang không chỉ có thể tìm kiếm kẻ thù mà còn có khả năng tiêu diệt.
Công nghệ UAV Thổ Nhĩ Kỳ
Phiến quân Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn sử dụng máy bay không người lái ở Syria.
Chứng kiến Mỹ tiến hành chiến dịch trên không hiệu quả ở Pakistan, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhận thấy công nghệ máy bay không người lái là vô cùng tiềm năng.
Tuy nhiên, Mỹ đã do dự chia sẻ hoặc bán công nghệ tiên tiến này cho các đồng minh của mình. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ được cung cấp máy bay không người lái không vũ trang cơ bản.
Ankara tìm được một cường quốc UAV khác là Israel, nhưng họ nhận ra rằng nếu muốn duy trì sự kiểm soát cả công nghệ và tình báo, cần phải tự sản xuất UAV cho riêng mình thay vì đi mua ở bên ngoài.
Trong thời điểm cần thiết, Selcuk Bayraktar xuất hiện – nhân vật sau này được coi là người khai sinh của công nghệ máy bay không người lái Thổ Nhĩ Kỳ.
Bayraktar nghiên cứu về UAV từ những năm tháng trên giảng đường đại học ở Mỹ. Ông bỏ luận án tiến sĩ ở Mỹ và trở về Thổ Nhĩ Kỳ để thành lập công ty riêng của mình mang tên Baykar Technologies, sản xuất máy bay không người lái cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Mẫu UAV Bayraktar TB2 vũ trang của công ty, với tầm hoạt động 150 km, rất phù hợp với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và nhanh chóng trở thành công cụ hữu hiệu trong các hoạt động chống khủng bố.
UAV Thổ Nhĩ Kỳ trổ tài ở Idlib
Đáp trả lại cuộc pháo kích của quân đội Syria khiến 34 binh sĩ thiệt mạng tháng trước, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai hàng chục máy bay không người lái tiến hành cuộc không kích phối hợp nhằm vào các mục tiêu của lực lượng Syria.
Không chỉ mẫu Barayktar TB-2s được sử dụng mà cả mẫu máy bay chiến đấu không người lái vũ trang (UCAV) mới hơn như ANKA-S cũng được huy động. Cả hai máy bay không người lái này đã được sử dụng linh hoạt theo nhiều cách.
Đầu tiên là nhiệm vụ chỉ điểm. UAV Thổ Nhĩ Kỳ xác định vị trí các đơn vị phòng thủ bọc thép của quân đội Syria và chuyển tiếp vị trí của chúng tới các đơn vị pháo tự hành và pháo phản lực phóng loạt để tiêu diệt.
Bên cạnh đó, bản thân máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ cũng chủ động tấn công mục tiêu kẻ thù bằng nhiều loại đạn khác nhau được sản xuất trong nước, dễ dàng tích hợp với máy bay không người lái.
Ngoài ra, UAV Thổ Nhĩ Kỳ có thể giao chiến với máy bay địch khi được trang bị vũ khí phù hợp và lần đầu tiên trên một chiến trường, chúng bay theo phi đội, dùng chiến thuật "bầy ong" để áp đảo các hệ thống phòng không Syria.
Tăng cường các mẫu UCAV giá rẻ, hiệu quả trên chiến trường là một chiến thuật đang được hoàn thiện và chứng minh sự hiệu quả bởi các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ. Đây sẽ được coi là xu hướng mới mà các quốc gia sẽ theo đuổi trong các cuộc chiến hiện đại ngày nay.