Dừng chia sẻ thông tin với bên ngoài, siêu máy tính Trung Quốc mất vị trí đứng đầu Top500 dù có hiệu năng siêu mạnh

NGUYỄN HẢI |

Một nguồn tin giấu tên cho biết, Trung Quốc e ngại việc chia sẻ thông tin sẽ dẫn đến các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của Mỹ.

Theo một nguồn tin của trang SCMP, các viện nghiên cứu siêu máy tính của Trung Quốc đã dừng gửi dữ liệu tới danh sách Top500, một cơ quan xếp hạng của Đức, trong bối cảnh mối quan hệ của nước này với Mỹ đang ngày càng xấu đi.

Thông thường, các siêu máy tính sau khi được phát triển và hoàn thành sẽ gửi dữ liệu tới Top500, bao gồm các thông tin về quá trình phát triển và hiệu năng. Cơ quan này của Đức vốn duy trì một bảng xếp hạng 500 siêu máy tính không phân tán mạnh nhất trên thế giới từ năm 1993 tới nay.

Dừng chia sẻ thông tin với bên ngoài, siêu máy tính Trung Quốc mất vị trí đứng đầu Top500 dù có hiệu năng siêu mạnh - Ảnh 1.

Siêu máy tính Sunway TaihuLight tại Trung tâm Siêu Điện toán Quốc gia ở tỉnh Giang Tô

Trung Quốc từng là một thành viên tích cực trong bảng xếp hạng này, nhưng gần đây họ đã miễn cưỡng chia sẻ các thông tin về siêu máy tính do lo ngại "các va chạm thương mại" với Mỹ. Washington đã đưa ít nhất 12 thực thể của Trung Quốc liên quan đến siêu máy tính vào danh sách cấm xuất khẩu, bao gồm Sugon và Trung tâm Siêu Điện toán Quốc gia, nhà phát triển siêu máy tính Sunway TaihuLight từng đứng đầu bảng xếp hạng hiệu năng một thời.

Trong danh sách Top500 mới được công bố trong tuần qua, hệ thống Frontier đặt tại Phòng Thí nghiệm Quốc gia Oak Ridge của Bộ Năng lượng Mỹ đã vươn lên đứng đầu. Đứng các vị trí tiếp theo là hệ thống Fugaku của Nhật Bản và hệ thống Lumi mới của Trung tâm Siêu Điện toán châu Âu ở Phần Lan.

Hệ thống Sunway TaihuLight của Trung Quốc, từng đứng đầu trong danh sách bảng xếp hạng vào năm 2016 và 2017, giờ đây đứng thứ 6 trong danh sách, trong khi đó, hệ thống Tianhe-2A, nhà vô địch trong những năm từ 2013 đến 2015, giờ đây đứng thứ 9 trong danh sách.

Frontier hay OLCF-5, là siêu máy tính hàng đầu trong danh sách Top500 ghi nhận hiệu năng 1.000 tỷ phép tính dấu phẩy động mỗi giây (1.000 FLOPS), còn gọi là điện toán exascale (các hệ thống máy tính có khả năng thực hiện 1 tỷ tỷ phép tính mỗi giây). Sunway TaihuLight từng đứng đầu thế giới với khả năng thực hiện 93 triệu tỷ phép tính, gần bằng 1/10 những gì Frontier có thể làm được.

Từ đó đến nay Trung Quốc đã hoàn tất 3 nguyên mẫu máy tính exascale, bao gồm: siêu máy tính Sunway thế hệ mới, Tianhe 3 và một siêu máy tính khác từ Sugon.

Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ chia sẻ rất ít thông tin về 3 máy tính này, ít hơn những gì danh sách Top500 yêu cầu, vì vậy rất khó biết được chính xác năng lực tính toán thật sự của những siêu máy tính này.

Dừng chia sẻ thông tin với bên ngoài, siêu máy tính Trung Quốc mất vị trí đứng đầu Top500 dù có hiệu năng siêu mạnh - Ảnh 2.

Một bài viết được đăng tải trên tờ Thời báo Hoàn cầu vào thứ Tư vừa qua cho biết, một phần nguyên nhân việc Trung Quốc miễn cưỡng cung cấp thông tin về siêu máy tính của mình là do e ngại các rủi ro liên quan đến lệnh trừng phạt của Mỹ.

"Các công ty xuất sắc của Trung Quốc trong danh sách Top500 có thể bị Mỹ đưa vào danh sách đen và gặp phải các lệnh trừng phạt khắc nghiệt." Bài viết cho biết.

Bất chấp các trở ngại, Trung Quốc đang tiến bộ trong việc phát triển hệ thống máy tính thế hệ mới. Một nhóm 14 nhà khoa học máy tính Trung Quốc đã giành được giải thưởng Gordon Bell dành cho hệ thống tính toán hiệu năng cao vào tháng 11 năm ngoái khi lấp được khoảng cách trong "ưu thế lượng tử". Hệ thống siêu máy tính exascale thế hệ mới của Sunway đã hoàn tất một tác vụ tính toán với tốc độ tương đương máy tính lượng tử Sycamore của Google ra mắt vào năm 2019.

Cho dù không còn đứng đầu bảng xếp hạng Top500, Trung Quốc vẫn là nước có nhiều hệ thống siêu máy tính nhất thế giới với 173 hệ thống. Hiện Mỹ có 126 hệ thống, giảm đi so với con số 150 hệ thống được công bố vào tháng 11 năm 2021.

Tham khảo SCMP

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại