Có lẽ, cảnh tượng phố biến thành sông sau cơn mưa lịch sử tại Sài Gòn vừa qua vẫn còn in đậm trong tâm trí của mỗi người.
Trong thời tiết mưa to gió lớn ngập lụt như vậy, mọi người phải có trăm ngàn mối lo: lo kẹt xe, lo tránh vùng ngập, lo nhà cửa biến thành bể bơi, lo không may xế cưng chết máy... Tuy nhiên, còn một vấn đề khác cực kỳ đáng lo ngại mà mọi người thường không để ý đến, đó là nguy cơ cháy nổ, rò điện.
2 trụ điện được cho là tại góc Phan Văn Trị - Trần Thị Nghĩ, Quận Gò Vấp (Tp.HCM) bị chập điện cháy nổ dữ dội lúc trời mưa
Trời mưa thường sẽ đi kèm với gió mạnh, nhất là với những trận mưa kinh khủng như tại Sài Gòn vừa qua. Gió mạnh đến nỗi có thể làm đổ cây, và đương nhiên sẽ khiến các dây điện trên cao rung chuyển dữ dội, dễ đứt gãy, hoặc khiến dây cuốn vào nhau.
Nếu đã học qua vật lý, bạn sẽ hiểu được rằng khi hai dây điện chạm vào nhau như vậy mà bị hở điện, hiện tượng đoản mạch sẽ xảy ra. Lúc này, điện áp trong 2 dây sẽ tăng đột ngột, nhiệt độ tăng lên với tốc độ chóng mặt, gây ra hiện tượng cháy nổ cực kỳ nguy hiểm.
Ngoài ra hãy nhớ rằng trận mưa ở Sài Gòn vừa qua còn gây ngập lụt tại rất nhiều địa điểm, tràn cả vào các hộ gia đình. Nước thậm chí ngập qua cả ổ điện, nên nếu không cẩn thận, người dân có thể bị giật bất kỳ lúc nào.
Và xin hãy nhớ, điện giật không chừa một ai, kể cả các thợ điện lành nghề nhất cũng có lúc phải vong mạng vì điện giật đó. Ngay cả Mỹ - một quốc gia cực kỳ chú trọng về an toàn điện thì con số nạn nhân mỗi năm cũng lên tới cả ngàn người.
Phải làm gì để đảm bảo an toàn điện khi trời mưa?
Dựa trên tình hình mưa lớn trong những ngày sắp tới có khả năng khiến nhiều khu vực bị ngập lụt, Tổng cục điện lực TP. HCM (EVN HCMC) đã đưa ra một số khuyến cáo với người dân như sau:
- Rút các thiết bị điện ra khỏi ổ cắm điện
- Nếu nước dâng cao, gây ngập các ổ cắm điện gắn cố định trên tường thì cần phải cúp cầu dao điện (automat) trong nhà.
- Trường hợp xảy ra tình huống có thể gây tai nạn, nhanh chóng gọi điện số 114 của Cảnh sát PCCC để được hỗ trợ nhanh nhất.
Ngoài ra khi trời mưa lớn, chúng ta nên tuyệt đối tránh làm những hành động sau đây:
- Không đứng trú mưa ở tại chân cột điện, dưới mái hiên trạm biến áp
- Không chạm trực tiếp vào cột điện, dây nối đất, dây chằng cột điện, thùng điện kế, thùng cầu dao
- Không lên sân thượng, mái nhà (nơi có đường dây điện băng qua)
- Không tự ý sửa chữa đường dây, thiết bị điện ngoài trời. Đồng thời nên ngắt nguồn điện nếu khu vực trong nhà bị ngập nước hoặc bị mưa làm ướt sàn.
Ngoài ra, nên bố trí chỗ lắp đặt đường dây dẫn điện, ổ cắm điện, thiết bị sử dụng điện trong nhà cao hơn mức nước thường ngập lụt, ẩm ướt.
Nên cắt nguồn điện cung cấp cho các thiết bị sử dụng điện lắp đặt ngoài trời (các bảng hiệu, bảng quảng cáo…) khi trời mưa to, gió lớn.
Làm gì khi gặp người bị điện giât?
Những lúc như thế này cần cực kỳ bình tĩnh quan sát trước khi tiếp cận nạn nhân, vì có thể bạn sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo đấy.
Tuyệt đối không đi chân trần hay sử dụng gậy kim loại.
Trước tiên, phải tìm cách tách dòng điện ra khỏi nạn nhân. Nếu ở trong nhà, hãy đóng ngay cầu dao điện. Còn trong trường hợp nạn nhân vướng dây điện và bị giật, hãy dùng các vật dụng khô như cây gỗ để gỡ dây ra. Tuyệt đối tránh dùng các vật dụng bằng kim loại, tránh đi chân trần.
Sau khi đã tách nạn nhân ra khỏi dòng điện, hãy đặt nạn nhân ra một nơi thoáng mát, an toàn rồi kiểm tra nhịp thở.
Kiểm tra nhịp thở cũng như tình trạng của nạn nhân
Nếu nạn nhân đã ngừng thở, cần mau chóng thực hiện hô hấp nhân tạo (vào Đây để biết hô hấp nhân tạo là như thế nào).
Trong lúc kiểm tra, cần yêu cầu những người xung quanh gọi cấp cứu khẩn cấp, hoặc mau chóng đưa nạn nhân vào bệnh viện.
Nguồn: EVN, Wikihow