Minority Report là một bộ phim khoa học viễn tưởng rất nổi tiếng về một đơn vị cảnh sát đặc biệt có thể bắt giữ những kẻ giết người trước khi chúng phạm tội với sự giúp đỡ của ba con người có khả năng thấu thị được gọi là Precogs - có thể hình dung ra những vụ giết người sắp xảy ra.
Đó là một bộ phim tuyệt vời, nếu bạn là người yêu thích thể loại phim tội phạm khoa học viễn tưởng, hoặc bạn chỉ đơn giản là một fan hâm mộ của Tom Cruise. Nhưng lý do chúng ta đưa nó vào câu chuyện này là một nhóm các nhà nghiên cứu vừa tuyên bố họ đã tạo ra một hệ thống được hỗ trợ bởi AI cũng có thể dự đoán tội phạm với độ chính xác 90%. Và hệ thống của họ không yêu cầu sự của mặt của những Precogs như trong phim, thay vào đó, hệ thống này chỉ cần dữ liệu quá khứ và có thể dự đoán những hành động trong tương lai".
Những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo (AI) và Máy học (machine learning) thu hút sự quan tâm của các chính quyền, trong đó có việc sử dụng những công cụ này để thiết lập kế hoạch dự báo cho cảnh sát nhằm ngăn chặn tội phạm.
Các nhà khoa học xã hội và dữ liệu từ Đại học Chicago đã phát triển một thuật toán tiên tiến hoạt động bằng cách học các mẫu về thời gian và vị trí địa lý từ dữ liệu công khai về tội phạm bạo lực và tài sản. Theo Đại học Chicago, mô hình mới có thể "cô lập tội phạm bằng cách xem xét thời gian và tọa độ không gian của các sự kiện rời rạc sau đó phát hiện các mẫu để dự đoán các sự kiện trong tương lai. Nó chia thành phố thành các ô không gian có chiều ngang khoảng hơn 300 mét rồi dự đoán tội phạm trong các khu vực này thay vì dựa vào các khu vực lân cận hoặc ranh giới chính trị truyền thống, vốn cũng có thể bị thiên vị".
Báo cáo khoa học của nghiên cứu mới được xuất bản trên tạp chí Nature Human Behavior ngày 30/6/2022, cho thấy độ chính xác từ các dự đoán của thuật toán mới lên đến 90% và không chỉ hiệu quả với Chicago mà còn với dữ liệu từ bảy thành phố khác của Hoa Kỳ: Atlanta, Austin, Detroit, Los Angeles, Philadelphia, Portland và San Francisco.
"Chúng tôi đã tạo ra phiên bản kỹ thuật số của môi trường đô thị. Nếu bạn cung cấp cho nó dữ liệu từ những gì đã xảy ra trong quá khứ, nó sẽ cho bạn biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai", Ishanu Chattopadhyay, Tiến sĩ, Trợ lý Giáo sư Y khoa tại Đại học Chi Chicago và là tác giả cao cấp của nghiên cứu cho biết.
Các nhà khoa học dữ liệu và xã hội thuộc Đại học Chicago đã phát triển một thuật toán mới, dự báo tình trạng an ninh bằng phương pháp Máy học những quy luật về thời gian và vị trí địa lý từ dữ liệu công khai về tội phạm, liên quan đến tài sản và bạo lực. Thuật toán chứng tỏ sự thành công trong khả năng dự đoán các tội ác tương lai trước một tuần với độ chính xác khoảng 90%.
Mô hình này đã được thử nghiệm và xác thực bằng cách sử dụng dữ liệu lịch sử từ Chicago về hai loại tội phạm lớn: tội phạm bạo lực (giết người, hành hung, các băng đảng) và tội phạm tài sản (trộm cắp, cướp và trộm xe cơ giới). Và theo dữ liệu thu được từ nghiên cứu, mô hình được hỗ trợ bởi AI này có thể dự đoán tội phạm trong tương lai trước một tuần với độ chính xác khoảng 90%.
Có thể ở thời điểm hiện tại mô hình và thuật toán này chưa thực sự hoàn thiện, nhưng công nghệ được hỗ trợ bởi AI này chắc chắn có thể sẽ là một bước ngoặt lớn trong ngành an ninh toàn cầu.
Các mô hình dự đoán tội phạm đã từng được nhiều cơ quan thực thi pháp luật sử dụng trước đây nhưng có độ chính xác không cao vì dựa trên một nhóm yếu tố hẹp hơn, bỏ sót mối quan hệ sắc thái giữa tội phạm, môi trường xã hội phức tạp của các thành phố, và tác động của việc thực thi pháp luật của cảnh sát.
Vào năm 2012, Sở Cảnh sát Chicago cùng các nhà nghiên cứu học thuật đã triển khai "Mô hình tội phạm và nạn nhân rủi ro". Mô hình này sử dụng các yếu tố như tuổi tác và lịch sử bắt giữ để đưa ra danh sách những đối tượng được chú ý, hoặc nạn nhân và thủ phạm của các vụ xả súng tiềm năng. Bản danh sách này sau đó lọt ra ngoài đã gây ra nhiều kiện tụng. Vào năm 2017, một cuộc điều tra của báo Chicago Sun-Times đã tiết lộ: gần một nửa số người được mô hình xác định là thủ phạm tiềm năng chưa bao giờ bị buộc tội sở hữu súng trái phép, trong đó 13% chưa bao giờ bị buộc tội nghiêm trọng.
Tham khảo: Scitechdaily; Odditycentral