Đúng 217 năm trước, nước ta lần đầu tiên được mang tên Việt Nam

B.T sưu tầm, SGK sử 10 |

Sau khi đánh bại Vương triều Tây Sơn, năm 1802 Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Gia Long, lập ra nhà Nguyễn, đóng đô ở Phú Xuân (Huế).

TÊN GỌI "VIỆT NAM" LẦN ĐẦU XUẤT HIỆN

Xây dựng và củng cố bộ máy nhà nước - chính sách ngoại giao

Sau khi đánh bại Vương triều Tây Sơn, năm 1802 Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Gia Long, lập ra nhà Nguyễn, đóng đô ở Phú Xuân (Huế). Năm 1804, nhà Nguyễn đổi tên nước là Việt Nam, nhưng sau đó lại đổi thành Đại Nam.

Chính quyền trung ương được tổ chức theo mô hình thời Lê với sự gia tăng quyền lực của vua. Đất nước mới hợp nhất hai miền nên bước đầu vua Gia Long phải chia thành ba vùng : Bắc thành (gồm các trấn ở Bắc Bộ ngày nay), Gia Định thành (các trấn thuộc Nam Bộ ngày nay) và các Trực doanh do triều đình trực tiếp cai quản (Trung Bộ ngày nay). Chính quyền trung ương cai quản cả nước, song mỗi thành lại có một Tổng trấn trực tiếp trông coi. Các trấn, dinh vẫn giữ như cũ.

Năm 1831 - 1832, vua Minh Mạng quyết định bỏ Bắc thành và Gia Định thành, chia cả nước làm 30 tỉnh và một phủ Thừa Thiên. Mỗi tỉnh đều có Tổng đốc, Tuần phủ cai quản cùng hai ti, hoạt động theo sự điều hành của triều đình. Các phủ, huyện, châu, tổng, xã vẫn giữ như cũ.

Đúng 217 năm trước, nước ta lần đầu tiên được mang tên Việt Nam - Ảnh 1.

Lược đồ cương vực lãnh thổ Việt Nam năm 1835 (thời vua Minh Mạng)

Ban đầu, quan lại được tuyển chọn từ những người trước đây theo Nguyễn Ánh ; về sau, giáo dục, khoa cử trở thành nguồn tuyển chọn chính. Chế độ lương bổng được quy định, nhưng không có phần ruộng đất. Mặc dù có một số quan lại thanh liêm, nhưng một bộ phận đáng kể đã trở nên thoái hoá như ở thời cuối Lê.

Một bộ luật mới được ban hành - Hoàng Việt luật lệ (còn gọi là Hoàng triều luật lệ hay Luật Gia Long) - gồm gần 400 điều, quy định chặt chẽ việc bảo vệ nhà nước và các tôn ti trật tự phong kiến.

Quân đội được tổ chức quy củ với số lượng khoảng 20 vạn người, được trang bị vũ khí đầy đủ, có đại bác, súng tay, thuyền chiến.

Đối với nhà Thanh, triều đình Nguyễn chịu phục tùng, nhưng đối với Lào và Chân Lạp lại bắt họ thần phục.

Trước sự nhòm ngó của các nước phương Tây, nhà Nguyễn chủ trương "đóng cửa", không chấp nhận việc đặt quan hệ với họ.

Tình hình kinh tế và chính sách của nhà Nguyễn

Đầu thế kỉ XIX, đất nước tạm trở lại yên bình trong thống nhất. Nền kinh tế tuy có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn.

Nông nghiệp lạc hậu, không có gì đổi mới, ruộng đất hoang hoá nhiều. Ngay từ năm 1804, nhà nước đã ban hành lại chính sách quân điền nhưng ruộng đất công chỉ còn khoảng 20% tổng diện tích ruộng đất.

Hơn nữa, theo chính sách, việc chia ruộng phải ưu tiên cho quan lại, quý tộc và binh lính. Nhà nước khuyến khích khai hoang bằng nhiều hình thức hoặc cho dân tự động tổ chức hoặc nhà nước góp vốn ban đầu cho dân mua sắm nông cụ, trâu bò, mở thêm nhiều đồn điền. Ruộng đất tăng thêm nhưng không nhiều.

Hằng năm, nhà nước cố gắng bỏ tiền, thóc, huy động nhân dân sửa đắp đê điều, nạo vét kênh mương, song vẫn không khắc phục được lũ lụt.

Người nông dân ra sức tăng gia sản xuất, duy trì cuộc sống ở làng quê. Hình ảnh "chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa" và "trông trời,trông đất, trông mây, trông mưa trông nắng, trông ngày trông đêm" vẫn là hình ảnh phổ biến ở nông thôn. Người nông dân không có ruộng hoặc ít ruộng, chịu bóc lột nặng nề.

Việc trồng thêm các cây lương thực khác cùng diện tích trồng rau, đậu, hoa quả được mở rộng góp phần làm giảm đi cảnh đói nghèo.

Các nghề thủ công tiếp tục phát triển, đặc biệt là các nghề làm gốm sứ, kéo tơ, dệt vải lụa, nấu đường, khai mỏ.

Đúng 217 năm trước, nước ta lần đầu tiên được mang tên Việt Nam - Ảnh 2.

Đồng tiền Gia Long Thông Bảo (ghi ở mặt trước) thời Nguyễn, mặt sau ghi Thất phân.

Bộ phận thủ công nghiệp nhà nước được tổ chức với quy mô lớn, nhiều ngành nghề như đúc tiền, chế tạo vũ khí, đóng thuyền, làm đồ trang sức, gạch ngói v.v... Thợ quan xưởng đã chế tạo được một số máy móc đơn giản, đặc biệt là đóng được tàu thuỷ chạy bằng máy hơi nước.

Năm 1839, "vua đi chơi ở cầu sông Ngự Hà (Huế) xem thí nghiệm thuyền máy hơi nước, thấy máy móc linh động, chạy đi nhanh nhẹ".

(Đại Nam thực lục)

Do nhu cầu của nhà nước, do chế độ công tượng hà khắc, sự tiếp cận với công nghiệp cơ khí chỉ dừng lại ở đây.

Trong nhân dân, các làng, các phường thủ công được tiếp tục duy trì nhưng do nhu cầu thị trường không còn như trước nên không phát triển. Một số làng nghề thủ công lại chịu sự quản chế của nhà nước. Tuy vậy, vẫn xuất hiện một số nghề mới.

Việc buôn bán trong nước phát triển chậm chạp và mang tính địa phương. Thuyền buôn đi xa bị đánh thuế nhiều lần, hơn nữa, nhà nước hằng năm còn trưng dụng một số thuyền của tư nhân để chuyên chở.

Nhà nước giữ độc quyền ngoại thương. Thuyền bè các nước láng giềng phía Nam chủ yếu chỉ được vào một số cảng ở Gia Định. Thuyền buôn các nước Anh, Pháp chỉ được vào cảng Đà Nẵng, bị khám xét nghiêm ngặt. Tuy nhiên, nhà nước cũng bắt đầu cho một số thuyền của mình sang các nước láng giềng mua bán những mặt hàng cần thiết.

Các đô thị như Hội An, Phố Hiến, Thanh Hà đều tàn lụi. Thăng Long vẫn còn giữ các phố phường, nhưng buôn bán sút kém.

Tình hình văn hoá - giáo dục

Nhà Nguyễn chủ trương độc tôn Nho giáo, hạn chế hoạt động của các tôn giáo, đặc biệt là Thiên Chúa giáo. Tín ngưỡng dân gian tiếp tục phát triển. Đình làng, đền thờ mọc lên ở khắp các xóm làng.

Giáo dục Nho học được củng cố. Năm 1807, đã diễn ra khoa thi Hương đầu tiên dưới triều Nguyễn và năm 1822, khoa thi Hội đầu tiên được tổ chức. Tuy nhiên, số người đi thi và đỗ đạt không nhiều so với các thế kỉ trước.

Đúng 217 năm trước, nước ta lần đầu tiên được mang tên Việt Nam - Ảnh 3.

Lễ xướng danh trường thi Hương tại Nam Định năm Mậu Tí (1888)

Văn học chữ Hán kém phát triển. Trong lúc đó, văn học chữ Nôm ngày càng phong phú và hoàn thiện. Xuất hiện những tác phẩm văn học chữ Nôm xuất sắc như Truyện Kiều của Nguyễn Du, các bài thơ của Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan...

Quốc sử quán được thành lập, chuyên sưu tầm, lưu trữ sử sách cổ và biên soạn các bộ sử chính thống. Nhiều nhà sử học cho ra đời các bộ sử, sách chuyên khảo như Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Lịch triều tạp kì của Ngô Cao Lãng, Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức v.v... Nhiều tập địa chí địa phương được biên soạn.

Về kiến trúc, nổi bật lên quần thể cung điện nhà vua ở Huế và các lăng tẩm. Rạp hát đầu tiên được xây dựng có sân khấu và phòng khán giả. Lị sở các tỉnh đều có thành luỹ xây theo kiểu Pháp cổ ; nổi lên ở thành Hà Nội là cột cờ được xây dựng cao đẹp.

Các ngành nghệ thuật dân gian tiếp tục phát triển theo các hình thức cũ.

Bài viết nhằm giúp cho độc giả nào chưa có điều kiện tìm hiểu lịch sử nước nhà có thêm kiến thức tham khảo, theo tinh thần "Dân ta phải biết Sử ta". Nguồn: SGK Sử lớp10 , tr 125-126-127-128-129.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại