Đức xích lại gần Trung Quốc vì kinh tế

Nhật Đăng |

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình và các lãnh đạo cấp cao khác của Trung Quốc trong chuyến thăm một ngày tới Bắc Kinh hôm 4-11.

Đức xích lại gần Trung Quốc vì kinh tế - Ảnh 1.

Thủ tướng Scholz gặp Chủ tịch Tập Cận Bình ở Bắc Kinh ngày 4-11 - Ảnh: Reuters

Tại cuộc hội đàm ở Đại lễ đường Nhân dân, thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng với tư cách những nước lớn và có tầm ảnh hưởng, Trung Quốc và Đức nên phối hợp cùng nhau nhiều hơn để đóng góp hơn nữa vào việc duy trì hòa bình và phát triển, trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi và biến động.

Những lần đầu tiên

Quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Đức trở thành tâm điểm trong câu chuyện địa chính trị thế giới sau chuyến đi của Thủ tướng Scholz.

Cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước diễn ra chỉ một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Mỹ "không có quyền can thiệp" vào quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia có chủ quyền.

Trước đó, Mỹ đã cảnh báo Đức về khả năng lệ thuộc vào Trung Quốc, liên quan tới việc nội các của Thủ tướng Scholz thông qua khoản đầu tư của Công ty vận tải Trung Quốc Cosco.

Cosco được "bật đèn xanh" mua 24,9% cổ phần của một trong ba bến tàu của Công ty hậu cần HHLA ở cảng Hamburg, cảng lớn nhất nước Đức và nhộn nhịp thứ ba châu Âu.

Giới quan sát phương Tây xem khoản đầu tư trên là biểu hiện cho thấy Đức xích lại gần Trung Quốc về mặt kinh tế, đồng thời nhìn nhận chuyến đi của ông Scholz lần này là thước đo cho mức độ sẵn sàng của Đức trong việc thể hiện lập trường cứng rắn với Trung Quốc ở nhiều khác biệt hiện nay.

Báo chí phương Tây dành nhiều chữ "đầu tiên" cho chuyến đi của Thủ tướng Scholz tới Bắc Kinh. Mỗi cột mốc gắn với chữ "đầu tiên" này thể hiện một vấn đề cần giải quyết.

Ông Scholz là nhà lãnh đạo G7 đầu tiên tới thăm Trung Quốc từ sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Đại dịch không chỉ ảnh hưởng tới quan hệ thương mại và đầu tư, còn ít nhiều nhắc nhở về cuộc điều tra nguồn gốc virus gây dịch COVID-19, một câu chuyện cực kỳ nhạy cảm giữa Trung Quốc với Mỹ và đồng minh.

Thủ tướng Đức cũng là lãnh đạo nền kinh tế lớn đầu tiên của phương Tây thăm Trung Quốc sau Đại hội Đảng lần thứ 20, và là lãnh đạo châu Âu đầu tiên tới Trung Quốc từ sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Phương Tây vốn chỉ trích Nga vì chiến dịch trên, đồng thời cáo buộc Trung Quốc "đứng về phía Nga".

Một mối quan hệ hợp tác gần gũi Trung - Đức vì vậy kéo theo nhiều hoài nghi về cách Đức có thể duy trì lập trường cùng hội cùng thuyền với phương Tây hay không.

"Trong thế giới đang thay đổi hiện nay, không ai làm sân sau của một quốc gia khác", Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói.

"Vừa hợp tác, vừa đấu tranh"

Cũng như chính sách "Doanh nghiệp là trên hết" của người tiền nhiệm Angela Merkel, ông Scholz sang Trung Quốc lần này cùng phái đoàn gồm 12 lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu, trong đó có BASF SE, Volkswagen AG, Deutsche Bank AG và BioNTech SE.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng điểm mấu chốt là ông Scholz vẫn chưa thể hiện lập trường cụ thể, cách tiếp cận nhất quán đối với Trung Quốc.

Theo Hãng tin AFP, Thủ tướng Scholz nói với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng ông đang tìm cách "phát triển hơn nữa" hợp tác kinh tế giữa hai nước, dù thừa nhận cả hai có "quan điểm khác nhau" trong nhiều vấn đề.

Trước chuyến đi, ông Scholz đã cố gắng giải thích chính sách đối ngoại hiện nay qua bài báo gửi hai báo Politico và Frankfurter Allgemeine Zeitung.

Thông điệp chính của thủ tướng Đức là ông sẽ "vừa hợp tác, vừa đấu tranh", tức hợp tác về mặt kinh tế cũng như các vấn đề về khí hậu, nhưng đồng thời thẳng thắn về quan điểm đối với tình hình người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, tình hình Đài Loan, câu chuyện Nga - Ukraine, cũng như một số vấn đề về đầu tư, sở hữu trí tuệ.

Đây là cách tiếp cận không mới (thậm chí phổ biến) của các nước phải xoay xở giữa căng thẳng Mỹ - Trung, một bên là đối tác an ninh lớn nhất, một bên là đối tác thương mại và thị trường lớn nhất. Tuy nhiên, lập trường của ông Scholz có hai điểm quan trọng.

Thứ nhất, ông tuyên bố sẽ hợp tác với Trung Quốc trên tư thế "một người châu Âu", dù không thể nói sẽ đại diện cho cả châu Âu.

Đây là thông điệp nhằm đáp lại hoài nghi từ việc thủ tướng Đức được cho đã từ chối đề xuất cùng đến Trung Quốc của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Nói cách khác, ông Scholz vẫn muốn khẳng định Đức sẽ hành động vì lợi ích quốc gia và phù hợp với chiến lược của châu Âu.

Thứ hai, ông nhấn mạnh "sự đa dạng hóa" trong hợp tác và duy trì chuỗi cung ứng. Trong mắt truyền thông phương Tây, Đức đang không thể hiện thái độ mạnh mẽ trước chiến lược "tách khỏi Trung Quốc".

Nhưng theo ông Scholz, nỗ lực đa dạng hóa tức là làm việc với mọi bên, bao gồm Trung Quốc, và thực tế ông đã chọn Nhật Bản là địa điểm thăm đầu tiên ở châu Á chứ không phải Bắc Kinh.

245 tỉ euro

Trong sáu năm liên tục tính tới nay, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Đức. Năm 2021, số liệu chính thức cho thấy thương mại hai nước đạt 245 tỉ euro (242 tỉ USD).

Vì vậy, giữa giai đoạn kinh tế châu Âu gặp thách thức lớn từ lạm phát cũng như giá nhiên liệu tăng cao, có thể hiểu lý do để Đức thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại