Dưới đây là bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Nguyễn Siêu liên quan đến việc "vịt hóa thiên nga" của ca sĩ Đức Phúc sau khi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ.
Nguyễn Siêu là một cựu du học sinh Mỹ, tác giả của rất nhiều bài viết gây xôn xao cộng đồng mạng. Hiện anh đang làm Brand Marketing của MTV Networks ở New York:
Nguyễn Siêu - một cựu du học sinh Mỹ - tác giả của rất nhiều bài viết gây xôn xao cộng đồng mạng
Những ngày vừa qua, tâm điểm dư luận đổ dồn vào ca phẫu thuật thẩm mĩ thành công của Đức Phúc. Người người nhà nhà xuýt xoa, ồ à.
Xen lẫn những câu chúc mừng là những lời ao ước nửa đùa nửa thực, dạng như "ước gì mình cũng có thể đập mặt ra xây lại," "ước gì một buổi sáng thức dậy mình cũng có thể biến thành một người mới đẹp hơn".
Phẫu thuật thẫm mĩ là lựa chọn của mỗi cá nhân cần được tôn trọng. Chuyện Đức Phúc phẫu thuật thẫm mỹ thành công, đáng chúc mừng là điều đương nhiên. Sự đổi mới này sẽ mở ra một con đường sự nghiệp xán lạn hơn cho em, đưa tài năng của em đến với nhiều khán giả hơn.
Đây là một cơ hội lớn, một bước đi thông minh mà với tài năng của mình, Đức Phúc hoàn toàn xứng đáng. Điều này chắc chắn ai cũng phải công nhận.
Tuy nhiên, càng ngẫm càng thấy có gì đó rất nực cười. Hoá ra là phải đẹp, phải long lanh, thì tài năng của một người mới xứng đáng được công nhận. Hoá ra chỉ đến khi một người bỗng nhiên tái xuất trên mạng xã hội với một khuôn mặt thon gọn hơn, một chiếc mũi cao hơn, một làn da trắng hơn, thì người ta mới bắt đầu... nghe họ hát, trong khi họ đã đi hát được hai năm.
Cú lột xác ngoạn mục của Đức Phúc sau khi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ
Tôi nhìn người khác quên bẵng Đức Phúc sau khi Giọng Hát Việt 2015 kết thúc, để rồi đột nhiên một ngày dậy sóng vì em, ca tụng em, tôn vinh em, đơn giản tại em bỗng... đẹp quá, mà tôi rùng mình tới ớn lạnh.
Bao lâu nay vẫn vậy, đây là một sự xem trọng cái đẹp ngoại hình một cách quá đà, lấn lướt cả tài năng lẫn phẩm chất, một xã hội u mê vì những "trai xinh gái đẹp" mà thây kệ giá trị bên trong của mỗi con người.
Đây là một xã hội sẵn sàng bỏ cơm bỏ ăn để bình chọn Hoa hậu, bỏ học bỏ hành để truy lùng mấy thằng trai đẹp ất ơ đi xe buýt, tôn vinh cả một thế hệ "hot girls, hot boys" hữu sắc vô hương, được mỗi cái mặt mà tài năng bằng âm.
Những thứ định kiến như vậy lại khiến hàng trăm người đánh liều tính mạng và sức khoẻ để thoa kem trộn, tắm trắng nhằm biến mình thành cái đẹp phổ thông. Ờ, vì ở Việt Nam, ngoại hình là trên hết.
Tôi nghĩ một xã hội văn minh phải nhìn được cái đẹp riêng biệt ở mỗi cá nhân, thay vì áp đặt họ vào một quy chuẩn sắc đẹp cho trước. Một xã hội văn minh phải tôn vinh nét riêng của mỗi người, thay vì phán xét "thằng này đẹp, con kia xấu," đơn giản vì họ không phải "da trắng mắt xanh" hoặc đẹp kiểu Hàn Quốc.
Người ta tôn vinh khuôn mặt mới của Đức Phúc vì khuôn mặt này "hợp thời," khuôn mặt này "baby" đậm nét Hàn, vì môi mỏng, mũi cao, da trắng, cằm dày. Nhưng ai, ai là người đặt ra luật lệ môi mỏng thì mới đẹp, mũi cao thì mới xinh, da trắng mới lung linh, cằm dày mới quyến rũ?
Chẳng ai cả! Mỗi người sinh ra như thế nào, trắng – đen, cao – thấp, gầy – béo, xã hội hãy học cách chấp nhận dáng hình tự nhiên của họ thay vì ngay lập tức áp đặt một thứ quy chuẩn ở đẩu ở đâu để phân biệt xấu – đẹp.
Ngày càng có nhiều người tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi diện mạo (ảnh: internet)
Mà đã là người Việt Nam, thì đừng có mong đồng bào mình giống Hàn Quốc! Mình lùn, mình đen, mình mũi tẹt, sinh ra ở cái mảnh đất nhiệt đời gió mùa với gia đình tổ tiên như thế thì mình như thế, có gì phải xấu hổ?
Con người ở những vùng địa lý khác nhau, lịch sử khác nhau có ngoại hình khác nhau là chuyện rất bình thường, là hiện thân của sự đa dạng, chứ không phải là sự phân chia thứ bậc người nước này đẹp hơn nước khác, người Âu đẹp hơn người Á, người Hàn đẹp hơn người Việt Nam.
Sinh ra là người Việt thì hãy nâng niu và trân trọng những thứ rất tự nhiên ấy, chả có cái cớ gì mình phải tự ti rằng người Hàn Quốc trắng hơn nên đẹp hơn, người Mỹ cao hơn nên đẹp hơn mình cả. Tự kỳ thị bản thân thì bao giờ mới tiến bộ được?
Đức Phúc không có lỗi vì "xấu," mà là xã hội có lỗi khi cổ suý cho thứ văn hoá xem trọng ngoại hình một cách quá đà, xã hội có lỗi khi tự quay lưng lại với nét đẹp dân tộc để đi tôn thờ ngoại hình của một nền văn hoá khác.
Người ta thường phẫu thuật thẩm mĩ vì muốn tự tin hơn với ngoại hình của mình – đây là một lí do chính đáng, nhưng ẩn đằng sau nó chính là cái nông cạn của số đông muốn dìm những người "xấu" xuống, không thèm đoái hoài, lắng nghe và ghi nhận tài năng của họ, chỉ biết mù mắt u mê tôn thờ những cái long lanh bề mặt và rỗng tuếch bên trong.
Cách duy nhất để Đức Phúc có thể được người ta bàn tán về, lắng nghe giọng hát và công nhận tài năng của mình, là đập mặt đi xây lại, còn nếu không, em sẽ mãi mãi chìm vào quên lãng.
Vì thế, ca phẫu thuật thành công này là một điều đáng mừng cho em, nhưng cũng là điều đáng buồn cho cả một nền văn hoá, vì nó cho thấy một cách rõ nhất cái nghèo trong tri thức và cảm nhận của rất nhiều người trong cái xã hội này.
Đức Phúc sau khi phẫu thuật rất đẹp. Đức Phúc trước khi phẫu thuật cũng rất đẹp. Cái đẹp đến từ bên trong. Cái đẹp đến từ những nét riêng khác biệt. Muốn nâng dân trí của người Việt lên, thì đầu tiên hãy phá tan những cái "quy chuẩn" sắc đẹp sáo rỗng, rồi mở căng mắt ra để CHỦ ĐỘNG tìm thấy nét đẹp độc đáo ở mỗi con người.
Đừng biến Việt Nam thành nhà máy sản xuất búp bê Hàn Quốc. Nông cạn lắm!
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.