* Đại đức Thích Tâm Nguyên sẽ chỉ cho chúng ta thấy vì sao con người luôn đau khổ; chúng ta đã "phũ phàng" với cơ thể như thế nào; và cách thực tập rất đơn giản mỗi tối để thân thể, tinh thần được nghỉ ngơi - giữa cuộc sống bộn bề, xô bồ hiện nay...
Ai cũng có một "con bò"!
Một hôm Đức Phật và các thầy tỳ kheo cùng ngồi dưới một gốc cây bồ đề, lúc Đức Phật và các thầy đang thiền thì có một người Bà-la-môn nọ chạy đến với tâm trạng rất lo âu, sợ hãi. Người này nói với Đức Phật rằng:
- Này Sa Môn Cù Đàm, nãy giờ ngài ngồi thiền với các vị đệ tử ở đây có thấy con bò nào chạy ngang không?
Đức Phật mới nói rằng: "Nãy giờ ta ngồi thiền với các thầy ở đây không thấy con bò nào chạy ngang cả!". Người Bà-la-môn nghe Đức Phật nói như vậy mới bỏ đi và tiếp tục tìm con bò của mình. Đức Phật quay sang các thầy bên cạnh hỏi rằng:
- Này các thầy, tại sao người đàn ông kia lại lo âu và sợ hãi như vậy?
Các thầy tỷ kheo trả lời: "Vì người đàn ông này vừa mới bị mất một con bò". Đức Phật lại hỏi tiếp: "Vậy các thầy có một con bò nào để mất không?". Các thầy trả lời:
- Thưa Đức Thế Tôn, chúng con không có con bò nào để mất cả!
- Đúng rồi, vì các thầy chẳng có con bò nào để mất cả, nên các thầy mới có thể ngồi an nhiên tự tại và hạnh phúc dưới gốc cây bồ đề này!
Những thứ của cải vật chất xung quanh mình đều là những "con bò" cả, và nếu mình không có tâm thái tự tại của một người học Phật, thì những "con bò" đó luôn làm mình phải lo âu sợ hãi. Vì mình có thì mình sợ mất, mất rồi thì đau khổ vô cùng!
Tâm thái không sợ mất mát thứ gì là một điều tuyệt vời của người học Phật. Đó cũng chính là mình học được cách sống chánh niệm.
Bài kệ của sư tổ:
"Thân ở chốn dạ lam
Tâm rong chơi bốn biển
Cỏ phiền mọc đầy rễ
Bao giờ mới được an"
Thân mình thì ở chốn dạ lam (tức chỉ ngôi chùa), nhưng tâm mình rong chơi trần thế, như nghĩ về công việc ngày mai, chuyện kinh doanh, buôn bán, chồng con, công việc... Như vậy thì thân mình ở đây nhưng tâm ở ngoài kia, cỏ phiền mọc đầy rễ, không biết bao giờ mới an được!
"Thân ở đâu thì tâm ở đấy" hay nói cách khác "hãy luôn mang trái tim của mình trong mọi cuộc chơi", thì mình mới thấy cuộc sống của mình ý nghĩa, không có phải lo âu sợ hãi, phiền muộn nữa.
Thực tập trước khi ngủ: Nói lời cảm ơn và xin lỗi trái tim
Tôi bỏ quên em mất rồi, vì em đã theo tôi rất là lâu, từ khi tôi sinh ra đời cho đến ngày hôm nay, em đi với tôi trong suốt cuộc đời, trong khi vui cũng như khi buồn, nhưng tôi đã bỏ quên em mất rồi mà tôi không biết!
Đó là mình bỏ quên chính mình, cái thân của mình!
Chúng ta đã bao giờ nói chuyện với trái tim của mình, đặt tay lên trái tim của mình và nói rằng: "Em" - nói một câu vậy cũng được. Nếu không thì mình là một người hết sức vô tình, vô tâm!
Trong khi đó, trái tim của mình, từ lúc sinh ra đến lúc mất đi, nhờ có trái tim mình mới được sống, nhưng mình bỏ quên (thứ bên trong) mà chạy theo thứ bên ngoài. Thậm chí hằng ngày mình đứng trước gương để make up (trang điểm), nhưng đó cũng chỉ là những thứ bên ngoài.
Ngay cả trái tim của mình mà một câu đơn giản trong suốt cuộc đời mình nói "Em", chưa cần nói gì nhiều... cũng không có nữa!
Thành ra mình bỏ quên mất trái tim của mình, bỏ quên lá gan, lá phổi... tất cả các bộ phận khác trên cơ thể của mình. Và khi chúng ta có bệnh tật: đau tim, đau gan, đau phổi, đau mắt, đau chân, đau tay... thì cái thái độ ứng xử, hành động của chúng ta là gì? Đó là oán trách!
Đau tim ta trách tim mình đau, đau gan ta trách gan mình đau... Và chúng ta còn hành động thô bạo hơn: "Mày đau, tao cho mày hết đau, tao uống thuốc cho mày hết đau luôn, tao chích cho mày hết đau, tao mổ mày cho mày hết đau, tao thay cái khác cho mày hết đau!"
Đó là chúng ta, thứ nhất là vô tình, thứ hai là ác độc, thứ ba là tàn nhẫn với chính mình, vô tâm, vô tình! Đó là điều mà rất nhiều người bây giờ quên đi điều này.
Thậm chí, có người đến chết còn oán trách trái tim của mình mà không một lời cảm ơn.
Có thể quý vị đã từng nghe ai đó nói nói rằng, cái thân này là giả tạm, nó vô thường nhưng không phải như vậy nghĩa là chúng ta không có quan tâm tới nó. Vì nhờ có cái thân này mà chúng ta có thể làm được tất cả mọi thứ trên cuộc đời này.
Nếu chúng ta biết yêu thương trái tim của mình, lá phổi của mình, tất cả các bộ phận trên cơ thể mình, thì mình mới có thể yêu được những người xung quanh.
Ngay chính trên cơ thể mình, mình còn chưa yêu thương được thì nói gì chồng mình, con mình, bà con hàng xóm... thì nói chuyện đó nghe nó có vẻ xa xỉ quá, nói hơi quá là mình giả tạo quá!
Cho nên, khi mà mình biết trở về với chính mình, mình yêu thương mình trước, mình sẽ cảm thấy có được sự nhiệm màu trong cuộc sống, cảm thấy hạnh phúc. Khi ta có một trái tim khỏe mạnh, ta hạnh phúc hơn những người đau tim.
Phép thực tập đơn giản sau mỗi tối trước khi đi ngủ
Mỗi tối, trước khi ngủ, nằm duỗi chân, duỗi tay ra thật là thẳng. Đừng có suy nghĩ gì cả, nằm thật là thoải mái và bắt đầu nói chuyện với cơ thể của mình.
Có thể đặt tay lên trái tim cũng được, không đặt cũng được. Nhưng dùng tâm của mình để nghĩ về trái tim của mình. Có hai cách để nói chuyện: cách một là nói xin lỗi và hai là xin cảm ơn.
Ví dụ, hằng ngày, tim mình đau là vì mình lo âu nhiều quá, thức khuya, dậy sớm, tăng ca, kiếm thêm công việc... thành ra nếu như tim một ngày làm việc khoảng 15 đến 20 tiếng là vừa nhưng mình lại làm quá mà đâu biết, đến khi tim mình đau thì chỉ biết trách cứ nó.
Vậy nên, khi nằm xuống, hành động đầu tiên của chúng ta là hãy nói cảm ơn. Vì nhờ có trái tim mà mình được mạnh khỏe, hạnh phúc.
Hãy trò chuyện, nói cảm ơn và xin lỗi với các bộ phận khác một cách tương tự, hãy tập hòa giải, bắt tay với cơ thể mình thay vì chống trái, đấu tranh với cơ thể (như dùng thuốc). Mình phải hiểu nguyên nhân nào dẫn tới việc một bộ phận cơ thể bị đau.
Khi bạn thực hiện được bài tập trên thì có một điều chắc chắn là các bạn sẽ có một giấc ngủ rất là ngon. Ngược lại, nếu trước khi ngủ mà chưa thể hòa giải với cơ thể thì chúng ta sẽ bị mộng mị, giấc ngủ không yên.
Bài tập trên sẽ giúp chúng ta tái cấu trúc tế bào cơ thể của mình, từ đó khiến bệnh tật giảm xuống, sắc diện tươi sáng lên. Đây là một điều cơ bản nhưng nếu thực tập hằng ngày thì đó là cả một sự nhiệm màu.
Chúng ta quay về với chính bản thân mình, yêu thương bản thân mình thật sự, thấy được sự đau khổ của chính mình, để từ đó "lấy bụng ta, suy ra bụng người". Mình biết khổ đau của mình như thế nào thì mình mới có thể cảm thông, chia sẻ, tha thứ với người khác.
Muốn sống thật sự và trọn ven, hãy... tập chết!
Đây là một bài tập khác trước khi ngủ, sau khi mình đã hòa giải hết với cơ thể của mình rồi.
Không phải tập chết để rồi mình chết, mà để cảm nhận sự đau khổ khi chết, và thấy rằng trong cuộc sống bình thường này:
"Thông minh tài trí anh hùng
Ngu si dại dột cũng chung một gò"
Cuối cùng ai rồi cũng chết: "Ai đã hơn ai trong cõi chết, giành giật nhau chi lúc sống còn"?
Cho nên, khi mình tập được điều đó, mình thấy được rằng, mỗi ngày trong cuộc sống, vì miếng cơm manh áo mà lo công việc để kiếm tiền, điều đó là đúng. Nhưng phải thấy được rằng đó là sự phù du, giả tạm mà thôi. Chỉ có một điều chắc chắn trong cuộc đời này là... mọi người sẽ chết chắc!
Khi mình biết được mình sẽ chết chắc, mình sẽ có tâm thái sẵn sàng tha thứ cho người khác, không sợ hãi nữa.
Đừng "sống để bụng, chết mang theo" mà hãy "sống không để bụng, chết khỏi mang theo". Người nào mang càng nhiều thì đi xuống, người nào ít mang thì bay lên.
Ngày xưa sư tổ thường nhắc nhở rằng, hãy dán chữ TỬ lên trán mình để tự nhắc nhở rằng: Anh coi chừng đó, rồi một ngày nào đó anh sẽ chết!
"Ta thấy người khác chết, lòng ta nóng như lửa, không phải nóng vì người, mà rồi sẽ đến lượt ta".
Học pháp là để thực tập, thực tập thì mới thấy được sự nhiệm màu trong đó, khi mình quán chiếu được như vậy, mình sẽ từ bản thân mình mà nhìn được những điều vô thường của cuộc sống, thì lúc đó mình sẽ sống rất là tự tại.
Bài học từ 3 vị vua lưu danh sử sách
Dù bạn là ai, làm nghề gì, việc cần làm trước tiên trong đời này là cho con tim mình, cho chính mình trước! Mình hạnh phúc đã, thì mới có thể làm cho người khác hạnh phúc!
Nếu để con mắt tâm của mình bị bụi bặm cuộc đời bám vào nhiều quá làm mờ đi mà mình không chùi rửa, thì mình chỉ càng đau khổ, đánh mất chính bản ngã của mình!
"Nếu bạn sinh ra tật nguyền, đó là điều bạn không mong muốn. Nhưng nếu sinh ra mà để trái tim tật nguyền, thì đó là tội lỗi của bạn". Bạn sinh ra với cơ thể tật nguyền là điều bạn không thay đổi được, nhưng điều bạn có thể thay đổi được trái tim, tâm hồn mình.
Giữa khôn ngoan và trí tuệ có giống nhau?
Trí tuệ là sống đúng với lẽ tự nhiên, thuận theo tự nhiên, còn khôn ngoan có chứa yếu tố lọc lừa, dối trá trong đó, nên không thể có được hành phúc thật sự được. Nhưng cái hạnh phúc thật sự ấy, thứ hạnh phúc khi không có gì trong tay, khôn vay mượn ai thì mấy ai có được!
Ngay cả những vị vua hay danh tướng danh tiếng tài trí lẫy lừng, đạt được địa vị, quyền lực và sự nghiệp tột đỉnh, có gần như mọi thứ trong tay, được lưu danh sử sách cũng không có được thứ hạnh phúc bình dị, đơn giản này.
Vị vua Trung Quốc vĩ đại Tần Thủy Hoàng, người có thể thống nhất cả nước Trung Quốc rộng lớn hay cả Thành Cát Tư Hãn khiến cả châu Âu khiếp sợ, tưởng như đã có cả thiên hạ, nhưng lại không có... chính mình!
Để rồi cuối đời, họ sai quan quân đi tìm thuốc trường sinh bất tử vì nhận ra rằng mình chưa bao giờ sống! Trước đó, họ chỉ sống trong gươm đao, máu lửa, la hét, những ngày kinh hoàng mà khi chiến thắng, họ vẫn nhìn thấy sự chết chốc tiếng kêu gào, máu đổ khi đi ngủ.
Và rồi họ cảm thấy tiếc nuối cho năm tháng cuộc đời, họ hy vọng tìm được thuốc kéo dài sự sống để có thể tìm thấy cuộc sống bình an, hạnh phúc thật sự. Họ đã sống khôn ngoan cả đời nhưng chỉ đến lúc sắp lìa xa cõi đời mới ngộ ra trí tuệ. Nhưng giờ đây, tất cả có lẽ đã quá muộn rồi.
"Nhất tướng công thành, vạn cốt khô", sự thành công ấy đã phải đánh đổi bằng cái giá quá đắt, là một sự thành công đau khổ. Chúng ta, những người bình thường liệu có cần tìm một liều thuốc bất tử?
Một câu chuyện khác cũng về một vị danh tướng, rồi trở thành một vị vua khiến cả châu Âu kính sợ, đó là Alexander Đại đế. Trước khi chết ông căn dặn cận thần:
Khi ta chết hãy để tất cả các ngự y giỏi nhất khiêng quan tài của ta và cho binh sĩ rải hết vàng bạc, châu báu, ngọc ngà trên đường từ hoàng cung về huyệt mộ. Trên nắp quan tài, hãy khoét 2 lỗ nhỏ để bàn tay có thể thò ra ngoài để mọi người có thể thấy được.
Ông muốn nhắn nhủ rằng: Dù bác sĩ tài giỏi đến mức nào cũng không thể cứu được cái chết, của cải vật chất nhiều thế nào cũng không thể mua được mạng sống và khi chết đi chúng đều vô nghĩa, chỉ là công cụ lót đường.
Và cuối cùng, bao nhiêu nỗ lực phấn đấu cả cuộc đời, cuối cùng cũng trắng tay, mà ra đi trắng tay cũng là một điều hạnh phúc. Có nhiều người đến với cuộc đời bằng hai bàn tay trắng nhưng ra đi với đôi bàn tay nhem nhuốc, bẩn thỉu, đen thùi lùi, quá nhiều tội lỗi.
Vì thế, hãy sống một cách an nhiên tự tại, đừng theo đuổi những thứ vật chất phù phiếm, tạm bợ bên ngoài mà bỏ quên chính những điều tốt đẹp bên trong, chính bản thân mình. Khi đó chúng ta mới có được thứ hạnh phúc không phải vay mượn, là hạnh phúc của chính ta.
* Nội dung trên đây rút từ buổi pháp thuyết của đại đức Thích Tâm Nguyên tại Hiền Như Tịnh Thất ngày 3/10/2016.