Đức, Pháp và cuộc chạy đua cứu thỏa thuận hạt nhân Iran

Vũ Anh Tuấn |

Chỉ riêng trong tuần này, Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Merkel sẽ có mặt tại Mỹ trong một nỗ lực cứu thỏa thuận hạt nhân Iran.

Chuyến thăm của hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức được cho là những nỗ lực nhằm thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump không hủy thỏa thuận về vấn đề hạt nhân của Iran.

Phát biểu trước chuyến thăm Mỹ ngày 22/4, Tổng thống Pháp Macron cho biết, ông không có "kế hoạch B" nào cho thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời khuyến cáo Mỹ không nên rút khỏi thỏa thuận này.

Trong một bài trả lời phỏng vấn, Tổng thống Macron đánh giá thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện - JCPOA) được ký kết giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Mỹ cùng với Đức), nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran, chưa hẳn là hoàn hảo.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Pháp cho rằng không có phương án nào tốt hơn và sẽ kêu gọi người đồng cấp Mỹ không rút khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện.

Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng lên tiếng bảo vệ Kế hoạch Hành động chung toàn diện, nhấn mạnh một thỏa thuận hạt nhân dù không hoàn hảo còn tốt hơn không có thỏa thuận nào.

Trong phát biểu trên kênh 10 đài truyền hình Israel, Thủ tướng Merkel nói rằng bà hiểu rõ "những lo ngại to lớn tại Israel" về tham vọng hạt nhân của Iran, song không đồng tình với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về cách kiềm chế những tham vọng này, khi ông Netanyahu phản đối thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Thủ tướng Merkel khẳng định, Đức sẽ "theo dõi sát sao" nhằm đảm bảo thỏa thuận được thực thi đầy đủ.

Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Pháp và Đức được đưa ra trong bối cảnh còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến thời hạn chót 12/5 mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ra để yêu cầu sửa đổi thỏa thuận hạt nhân, nếu không Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận và áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đối với Iran.

Trong một tuyên bố được coi là sự đáp trả lời đe dọa của Tổng thống Mỹ, Ngoại trưởng Iran Zarif nói rằng, nước này có thể quay trở lại làm giàu urani nếu Tổng thống Donald Trump bổ sung các điều kiện mới vào thỏa thuận hạt nhân lịch sử Iran, được ký kết giữa Iran và Nhóm P5+1.

Ông Zarif nêu rõ, nếu Mỹ rút lui, Iran cũng sẽ từ chối ở lại thỏa thuận cùng với các nước Châu Âu. Chưa hết, Ngoại trưởng Iran còn nói rằng, một loạt đề xuất khác đang được trình lên Quốc hội, liên quan đến nhiều biện pháp “quyết liệt” hơn, dù không nêu rõ đó là những biện pháp nào.

Một mặt, Ngoại trưởng Iran cũng thúc giục các nước Pháp và Đức cố gắng thuyết phục Mỹ ở lại thỏa thuận hạt nhân, nhưng thừa nhận rằng những nỗ lực đó sẽ rất khó. Ông Zarif nhấn mạnh, Iran kiên quyết không nhượng bộ và các nỗ lực tái đàm phán thỏa thuận hạt nhân “sẽ không có được câu trả lời tích cực” từ Iran.

Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố, Iran sẽ không thực hiện bất kỳ yêu cầu nào ngoài Kế hoạch Hành động chung toàn diện và cũng không chấp nhận thay đổi thỏa thuận này vào thời điểm hiện nay cũng như trong tương lai. Iran sẽ rút khỏi thỏa thuận nếu không nhận được các lợi ích kinh tế mà các bên đã nhất trí, đồng thời tiếp tục phát triển bất kỳ loại vũ khí nào cần có để tự bảo vệ.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói: "Chúng tôi tuyên bố với thế giới rằng, chúng tôi sẽ sản xuất bất cứ loại vũ khí nào mà chúng tôi cần, hoặc nếu cần thiết, chúng tôi có thể mua chúng từ nước ngoài. Chúng tôi sẽ không phải chờ đợi bất cứ lời nhận xét hoặc thỏa thuận nào của các nước khác”.

Theo kế hoạch, ngày 23/4, Tổng thống Pháp Macron sang thăm Mỹ và ngày 27/4 là đến lượt Thủ tướng Đức Merkel. Năm 2015, hai nước này cùng Mỹ, Anh, Nga và Trung Quốc đã ký với Iran thỏa thuận hạt nhân.

Đây được coi là một trong những thành quả chính trị ngoại giao thế giới nổi bật nhất và quan trọng nhất mà EU từng đạt được cho đến nay. Chính vì vậy, việc duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran không chỉ phục vụ cho lợi ích chiến lược trước mắt cũng như lâu dài đối với EU, mà còn liên quan trực tiếp đến vai trò quốc tế của Pháp và Đức.

EU nói chung và ông Macron cùng bà Merkel nói riêng, phải chạy đua với thời gian vì sắp tới Mỹ với Triều Tiên bước vào cuộc đàm phán mà trọng tâm cũng là vấn đề hạt nhân và tên lửa. Có thể khẳng định, Tổng thống Donald Trump sẽ không dùng thỏa thuận đã có với Iran để làm khuôn mẫu giải quyết vấn đề với Triều Tiên.

Ngược lại, ông Donald Trump sẽ dùng thỏa thuận với Triều Tiên để làm khuôn mẫu xử lý quan hệ với Iran, cụ thể là trong giải quyết lại vấn đề hạt nhân và cả tên lửa của nước này.

Như vậy, rất có thể, thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 đứng trước nguy cơ bị đàm phán lại. Chính vì thế, chuyến thăm Mỹ lần này của hai nhà lãnh đạo Pháp, Đức, được xem là cơ hội cuối cùng để bảo vệ thỏa thuận hạt nhân với Iran./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại