Đức nói thẳng "mối quan ngại lớn nhất": Mục tiêu tiếp theo của Nga nếu Ukraine sụp đổ

Hữu Hiển |

Reuters đưa tin, ngày 17/9, tại Diễn đàn Đối tác Moldova, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói việc ủng hộ Ukraine sẽ đảm bảo sự tồn tại của nước láng giềng Moldova.

"Mọi việc chúng tôi làm để ủng hộ Ukraine cũng có nghĩa là thúc đẩy sự ổn định liên quan đến Moldova", bà Baerbock nói tại diễn đàn giải quyết những lo ngại về việc Nga can thiệp sâu rộng vào khu vực.

"Rõ ràng là mối quan ngại lớn nhất của người dân ở đây là: nếu Ukraine sụp đổ, Moldova sẽ là quốc gia tiếp theo phải chịu hậu quả."

Ngoại trưởng Đức Baerbock đã đến thủ đô Chisinau của Moldova để tham dự Diễn đàn Đối tác Moldova cùng với các đại diện từ Pháp, Romania, Ba Lan, Hà Lan và Litva.

Đức lo ngại Moldova trở thành Mục tiêu tiếp theo của Nga nếu Ukraine sụp đổ - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, Ngoại trưởng Moldova Mihai Popsoi và Ngoại trưởng Romania Luminita Odobescu (từ trái sang phải) chụp ảnh trong buổi họp báo sau Hội nghị Bộ trưởng của Diễn đàn Đối tác Moldova tại Chisinau, Moldova, vào ngày 17/9/2024. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, Đức - một trong những nước ủng hộ quân sự chính cho Kyiv tại châu Âu - đã khởi xướng diễn đàn này sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào năm 2022, coi đó là một phần trong những nỗ lực lớn hơn nhằm ổn định nền kinh tế Moldova và bảo vệ nước này khỏi thông tin sai lệch từ phía Nga.

Moldova – quốc gia có đa số người dân nói tiếng Rumani và một nhóm thiểu số nói tiếng Nga - đã thay đổi giữa các chính phủ thân Nga và thân phương Tây kể từ khi Liên Xô sụp đổ, và hiện có một chính quyền theo định hướng phương Tây.

Moscow cho đến nay đã duy trì khoảng 1.500 lính gìn giữ hòa bình đồn trú tại khu vực Transnistria ở phía đông Moldova. Đây là vùng lãnh thổ đơn phương ly khai khỏi Moldova sau khi Liên Xô tan rã, nằm giữa sông Dnister và biên giới Ukraine, với phần lớn cư dân nói tiếng Nga. Quốc tế công nhận Transnistria là một phần của Moldova.

Tổng thống Moldova Maia Sandu - người cáo buộc Nga cố gắng lật đổ chính phủ của bà - cho biết nước này vẫn phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng và kêu gọi các đối tác tăng cường hỗ trợ.

"Cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine, mà chúng tôi lên án ngay từ ngày đầu tiên, đã gây ra thiệt hại to lớn cho nền kinh tế của chúng tôi", Reuters dẫn lời bà Sandu.

"Sự bất ổn do chiến tranh gây ra tiếp tục cản trở nghiêm trọng sự phát triển kinh tế của chúng tôi và sẽ tiếp tục cản trở điều đó chừng nào chiến tranh còn kéo dài", bà nói thêm.

Theo cổng thông tin báo chí của chính phủ Moldova, trong khuôn khổ Diễn đàn Đối tác Moldova, các thỏa thuận đã được ký kết để cung cấp cho nước này hơn 300 triệu euro tiền vay và 80 triệu euro tiền tài trợ.

Các đồng minh phương Tây cũng hoan nghênh nỗ lực của Moldova trong việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Dưới thời Tổng thống Sandu, Moldova hy vọng sẽ gia nhập khối này vào năm 2030.

Pháp, Đức và Ba Lan đã bày tỏ "sự ủng hộ liên tục và không ngừng nghỉ đối với Moldova" trong nỗ lực gia nhập EU của nước này, theo dự thảo nghị quyết mà Reuters có được sau cuộc họp của các nhà ngoại giao hàng đầu của ba nước.

Ba nước này - được gọi là “Tam giác Weimar” - cũng đã hứa sẽ hỗ trợ lực lượng vũ trang Moldova để bảo vệ đất nước, cả về mặt song phương và với tư cách là đối tác của EU.

Theo Reuters, vào tháng 5, Moldova cũng đã ký một thỏa thuận quan hệ đối tác an ninh và quốc phòng với EU, trở thành quốc gia đầu tiên đồng ý một thỏa thuận như vậy với khối.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại