“Quan hệ Đức – Mỹ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi quyết định đó của Tổng thống Mỹ”, ông Peter Beyer nói.
Ông Beyer bình luận như vậy về các bài viết trên báo chí Đức và Mỹ rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định sẽ rút hàng ngàn binh lính khỏi Đức.
Báo Wall Street Journal ngày 5/6 đưa tin ông Trump đã chỉ đạo rút 9.500 binh lính Mỹ khỏi Đức - nước đồng minh NATO và là nơi tiếp nhận khoảng 34.500 binh lính Mỹ. Tạp chí Der Spiegel nói Mỹ sẽ rút từ 5.000-15.000 binh lính vào mùa Thu năm nay.
“Đó không chỉ là các binh lính mà còn cả gia đình họ, với ước tính khoảng 20.000 người Mỹ. Điều này sẽ phá vỡ cây cầu xuyên Đại Tây Dương”, ông Beyer nói.
Chưa có thông tin xác nhận chính thức từ cả hai chính phủ. Trả lời phỏng vấn báo Bild am Sonntag ngày 7/6, Ngoại trưởng Đức Heiko Mass nhấn mạnh rằng hai bên vẫn chú trọng hợp tác gần gũi.
“Nếu Mỹ rút một số quân, chúng tôi lưu ý điều này”, ông Mass nói. Ông nhấn mạnh Berlin đánh giá cao quan hệ hợp tác với các lực lượng vũ trang Mỹ. “Quan hệ đó vì lợi ích của cả hai nước”, ông nói thêm.
Rolf Muetzenich, chủ tịch đảng Dân chủ xã hội (SDP) trong quốc hội Đức, cảnh báo rằng kế hoạch này của Mỹ có thể dẫn đến “sự sắp xếp lại lâu dài trong chính sách an ninh ở châu Âu”.
“Trong bất kỳ trường hợp nào, hoạch định chiến lược của Mỹ là dịch chuyển sang châu Á. Trong bối cảnh đó, gắn chính sách an ninh của Đức với môi trường châu Âu càng trở nên ý nghĩa và cấp bách hơn”, ông Muetzenich nói.
Chính trị gia Juergen Trittin cáo buộc ông Trump loan tin rút quân chỉ vì cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.
Nghị sĩ Johann Wedephul nói rằng các bài báo và việc Mỹ thiếu tham vấn trước càng cho thấy châu Âu cần tự chủ hơn về quốc phòng.
“Kế hoạch này cho thấy chính quyền Trump đang phớt lớt một nhiệm vụ cơ bản khi đóng vai trò lãnh đạo: để các đối tác tham gia vào quá trình ra quyết định”, ông Wedephul nói.
“Ai cũng hưởng lợi từ sự đoàn kết của liên minh, chỉ có Nga và Trung Quốc hưởng lợi từ mâu thuẫn. Washington nên hiểu điều này”, ông nói thêm.
Thông tin về việc chính quyền Trump sẽ rút quân khỏi Đức đã xuất hiện từ lâu. Cựu đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell nói đến điều đó từ năm ngoái.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Đức, ông Grenell nói rằng thật “phản cảm” khi những người nộp thuế Mỹ phải trả tiền cho việc đưa quân đến Đức trong khi “người Đức dùng phần thặng dư cho các chương trình trong nước của mình”.