Đức liên tục chốt đơn sản vật đắt đỏ này: Việt Nam xuất khẩu bằng cả thế giới cộng lại, 120 quốc gia săn mua

Như Quỳnh |

Loại cây lấy hạt này đã đưa Việt Nam trở thành ông trùm nắm giữ 60% sản lượng xuất khẩu của thế giới.

Đức liên tục chốt đơn sản vật đắt đỏ này: Việt Nam xuất khẩu bằng cả thế giới cộng lại, 120 quốc gia săn mua - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Việt Nam sở hữu một loạt các loại nông sản tỷ đô như cà phê, hạt điều, sắn,... và một mặt hàng đang chiếm đến 60% sản lượng xuất khẩu của thế giới là hồ tiêu.

Cụ thể, nước ta đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu trong hơn 20 năm qua, chiếm 40% sản lượng thu hoạch và 60% thị phần xuất khẩu toàn cầu. Hạt tiêu và gia vị của Việt Nam hiện đã xuất khẩu đi hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm lĩnh nhiều thị trường quan trọng.

Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 9 đạt hơn 17 nghìn tấn với trị giá hơn 110 triệu USD, giảm 11,9% về lượng và giảm 5,4% về trị giá so với tháng trước đó.

Lũy kế trong 9 tháng đầu năm hạt tiêu đã mang về cho Việt Nam hơn 989 triệu USD, tương đương hơn 200 nghìn tấn, giảm nhẹ 2,8% về lượng nhưng tăng mạnh đến 45% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Đức liên tục chốt đơn sản vật đắt đỏ này: Việt Nam xuất khẩu bằng cả thế giới cộng lại, 120 quốc gia săn mua - Ảnh 2.

Xét về thị trường, Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu nhiều nhất hạt tiêu của Việt Nam với hơn 58 nghìn tấn, trị giá hơn 299 triệu USD, tăng mạnh 52,7% về lượng và tăng 96% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Giá xuất khẩu cũng chứng kiến mức tăng mạnh 30%, đạt 5.358 USD/tấn.

Đức liên tục chốt đơn sản vật đắt đỏ này: Việt Nam xuất khẩu bằng cả thế giới cộng lại, 120 quốc gia săn mua - Ảnh 3.

Đứng thứ 2 là thị trường Đức với gần 13 nghìn tấn, trị giá hơn 69,3 triệu USD, tăng 87% về lượng và tăng mạnh 143% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, trở thành thị trường chủ đạo có mức tăng trưởng mạnh nhất của Việt Nam. Giá ghi nhận xu hướng tăng mạnh 30% tương tự Mỹ, đạt 5.358 USD/tấn.

Xếp thứ 3 là thị trường UAE với khối lượng tương đương với Đức, trị giá đạt hơn 68,4 triệu USD, tăng 40% về lượng và tăng 118% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Giá tiêu đã chứng kiến đà tăng mạnh kể từ đầu năm đến nay. Đáng chú ý trong quý 2, giá hồ tiêu đen trong nước đã tăng 93% so với thời điểm đầu năm và tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Việc tăng giá hồ tiêu sẽ tiếp tục diễn ra do nhu cầu tăng, trong khi nguồn cung lại hạn chế.

Theo số liệu từ Bộ NN-PTNT, diện tích trồng tiêu tại Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 115.000ha, giảm 5.000ha so với năm 2022. Sản lượng hạt tiêu năm 2023 đạt 190.000 tấn, tăng 3,8% so với năm 2022. Do diện tích liên tục giảm nên sản lượng hồ tiêu của Việt Nam trong năm 2024 có thể sẽ ở mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Các nước sản xuất hồ tiêu khác như Ấn Độ, Indonesia, Brazil, sản lượng được dự báo cũng giảm. Điều này dẫn tới lượng hồ tiêu nhập khẩu vào Việt Nam cũng sẽ giảm trong năm 2024.

Các chuyên gia nhận định, trong dài hạn, giá hồ tiêu xuất khẩu sẽ vẫn ở mức cao bởi sản lượng của Việt Nam trong vụ mùa 2025 dự kiến giảm. Vụ hồ tiêu năm 2025 tại Việt Nam thu hoạch gần như toàn bộ vào tháng 2, một số vùng kéo dài đến tháng 3 và tháng 4, chậm hơn 1-2 tháng so với những năm trước do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài khiến nguồn cung hồ tiêu ngày càng khó khăn.

Thị trường hồ tiêu toàn cầu được định giá 5,43 tỷ USD/năm, dự báo tăng trưởng trung bình hơn 20% trong giai đoạn 2024-2032.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại