Đức: Không thành lập được chính phủ liên hiệp, bà Merkel có nguy cơ "mất ghế"

Anh Tuấn |

Những nỗ lực của bà Angela Merkel nhằm thành lập một chính phủ liên hiệp gồm 3 chính đảng lớn nhằm giúp bà có nhiệm kỳ thứ tư làm Thủ tướng Đức đã vấp phải trở ngại lớn khi một trong ba đảng rút lui khỏi các cuộc đàm phán.

Theo hãng tin Reuters, trong bối cảnh đảng cầm quyền Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel đang suy yếu sau khi số ghế mà đảng này có được sau cuộc bầu cử toàn quốc vừa qua giảm, Thủ tướng Đức buộc phải tuyên bố rằng bà không thể thành lập một chính phủ liên hiệp sau khi đảng Dân chủ Tự do (FDP) tuyên bố rút lui.

Điều này đồng nghĩa với việc Đức đang đứng trước hai khả năng có thể xảy ra: một là đảng của bà Merkel cùng với Đảng Xanh của Đức thành lập một chính phủ thiểu số (khiến việc thông qua các chính sách quan trọng trở nên khó khăn và có thể bị Quốc hội giải tán), hai là Tổng thống Đức sẽ kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử mới do các đảng bất đồng với nhau trong việc lập chính phủ.

Trước đó, đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), một thành viên của chính phủ liên hiệp của Đức vào thời điểm hiện tại, đã tuyên bố sẽ không tham gia vào chính phủ tương lai cùng với đảng CDU.

Trả lời trước báo giới, bà Merkel cho biết: “Đây là thời điểm mà chúng tôi phải xem xét mọi phương án một cách kỹ lưỡng vì tương lai của nước Đức. Là Thủ tướng, tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo rằng đất nước vẫn vận hành hiệu quả trong những tuần khó khăn sắp tới”.

Sau khi lãnh đạo đảng FDP là ông Christian Lindner tuyên bố rằng đảng của ông đã rút lui khỏi cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên hiệp, giá đồng euro so với đồng yen đã nhanh chóng sụt giảm. Lý do ông đưa ra là bởi đảng của ông không tìm được tiếng nói chung với hai đảng còn lại.

“Hôm nay chúng tôi đã gặp những trở ngại lớn do những điều kiện được đưa ra không được thỏa mãn”, ông Lindner nói.

Trong vòng bốn tuần qua, ba đảng đã thảo luận gay gắt nhằm tìm cách xóa bỏ những bất đồng về vấn đề nhập cư, khí hậu và chi tiêu quốc gia. Một trong những đề tài được đề cập đến nhiều nhất đó là việc áp dụng mức trần đối với số người tị nạn mà Đức có thể chấp nhận mỗi năm, điều mà Đảng Xanh đã lên tiếng phản đối.

Bên cạnh việc không tìm được tiếng nói chung, ông Lindner cho biết cả ba đảng đã không thể xây dựng một niềm tin vững mạnh với nhau để đảm bảo rằng chính phủ mới sẽ có thể hoạt động ổn định trong vòng 4 năm tới.

Vị thế của bà Merkel đã giảm sút do cử tri bày tỏ sự phẫn nộ trước quyết định mở cửa biên giới để đón một triệu người tị nạn và Đức vào năm 2015. Quyết định này đã khiến nhiều người bỏ phiếu cho đảng cực hữu AFD.

Vào thời điểm này, việc tổ chức một cuộc bầu cử toàn quốc nữa là điều không ai mong muốn, bởi các đảng ở Đức đều lo ngại rằng AFD sẽ giành nhiều hơn 13% số phiếu mà họ đã có được sau cuộc bầu cử vừa qua.

Việc không thành lập được một chính phủ ở Đức sẽ tác động tiêu cực đến quốc gia này, từ việc đưa ra chính sách cải cách cho khu vực đồng tiền chung Châu Âu cho đến chính sách đối với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong thời gian qua, bà Merkel đã dùng quyền lực của mình để giúp Hy Lạp được cung cấp viện trợ tài chính, đồng thời cho phép EU áp dụng lệnh trừng phạt đối với Nga do các cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình xung đột ở miền Đông Ukraine.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại