Thủ tướng Đức nói điều này trong cuộc họp báo tại căn cứ không quân gần Kiel. Tại căn cứ quân sự nói trên, ông Scholz đã tiếp nhận 1 hệ thống IRIS-T cho quân đội Đức.
Tại đây, ông Scholz xác nhận rằng Berlin đã đặt hàng thêm 5 hệ thống IRIS-T cho nước này, cũng như 17 tổ hợp nữa dành cho Ukraine.
Thủ tướng Scholz khẳng định, việc Bundeswehr (Quân đội Đức) mua 6 tổ hợp IRIS-T sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc củng cố sáng kiến Sky Shield của Châu Âu.
Dự kiến 4 tổ hợp IRIS-T sẽ được gửi tới Ukraine vào cuối năm nay, và số còn lại sẽ được bàn giao từ năm sau, người đứng đầu chính phủ Đức hứa.
Theo ông Scholtz, Ukraine đã nhận được 7 tổ hợp IRIS-T, giúp bắn hạ hơn 250 tên lửa và máy bay không người lái của Nga.
Kế hoạch của Kyiv và Berlin đó là 4 tổ hợp IRIS-T mới sẽ hoàn tất công tác huấn luyện nhân sự và hậu cần để đưa vào sử dụng trong Lực lượng Vũ trang Ukraine vào cuối năm 2024 và phần còn lại vào năm tới.
Ukraine đã nhận được hệ thống phòng không tầm ngắn IRIS-T SLS đầu tiên từ Đức vào tháng 8 năm ngoái.
Tổ hợp này được tạo ra để đánh chặn máy bay, trực thăng và UAV của đối phương. Ở phiên bản SLS, nó có khả năng tiêu diệt các mục tiêu khí động học từ cự ly lên tới 12 km và ở độ cao lên đến 8 km.
Đối với xe phóng, khung gầm bánh xích của xe địa hình bọc thép BvS10 thường được sử dụng, nhưng cũng có thể lắp đặt trên xe tải việt dã bánh lốp.
Vũ khí chính của tổ hợp này là tên lửa không đối không IRIS-T với đầu dẫn hồng ngoại, được sửa đổi để có thể phóng đi từ mặt đất.
Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung IRIS-T SLM do Đức chế tạo.
Theo Militarnyi