Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: AFP
Trong khi nền kinh tế lớn nhất châu Âu thể hiện mình như một "ngọn hải đăng" của chủ nghĩa đa phương trong một thế giới ngày càng được thúc đẩy bởi lợi ích quốc gia, thì Berlin đang ngày càng lâm vào tình thế nguy hiểm vì đặt lợi ích của mình lên trên các đối tác và đồng minh thân cận nhất.
Đó là nhận định của ông Oliver Noyan, biên tập viên cấp cao về Đức trên trang mạng truyền thông Euractiv.de ngày 1/11. Theo ông Noyan, dấu hiệu rõ ràng nhất về sự bất mãn ngày càng tăng đối với Đức là mối quan hệ với Pháp ngày càng xấu đi.
Rạn nứt giữa Paris và Berlin ngày càng trở nên căng thẳng hơn trong những tuần gần đây liên quan đến các quan điểm khác nhau về các chủ đề như năng lượng, quốc phòng và gói 200 tỷ euro của Đức để hỗ trợ các hộ gia đình và công ty trong nước.
Những rạn nứt thậm chí còn dẫn đến việc hủy bỏ các cuộc tham vấn chính phủ chung giữa hai nước được lên kế hoạch vào tuần trước.
Ông Noyan lưu ý, thay vì dẫn đầu một phái đoàn cấp chính phủ, Thủ tướng Olaf Scholz đã đến thăm Paris một mình và sau cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, hai bên thậm chí còn không tổ chức một cuộc họp báo chung - một dấu hiệu cho thấy "mọi việc đang diễn ra không suôn sẻ giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu".
Về quốc phòng, Jean-Louis Thiériot, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc phòng của Quốc hội Pháp, cho biết Đức đang ngày càng tập trung vào phòng thủ ở Đông Âu với chi phí là các dự án chung Đức-Pháp. Ví dụ, Berlin đã ký một thỏa thuận với 13 thành viên NATO, trong đó có nhiều thành viên ở sườn phía Bắc và Đông Âu, để cùng phát triển một lá chắn phòng không và tên lửa - điều này khiến Pháp "rất khó chịu".
Tuy nhiên, trong khi hầu hết các nhà bình luận quốc tế tập trung vào sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa Paris và Berlin, thì sự không hài lòng về Đức cũng ngày càng sâu sắc hơn và lan sang cả các nước châu Âu khác.
Thủ tướng mới của Italy Giorgia Meloni đã công khai chỉ trích Đức về lập trường của nước này trong cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu ngay khi nhậm chức tại quốc gia đông dân thứ 3 của EU, khiến lập trường thân châu Âu của Berlin bị nghi ngờ.
Mặc dù một số người có thể tranh luận rằng xuất thân cực hữu của Thủ tướng Meloni không khiến bà trở thành tiếng nói đáng tin cậy nhất để chỉ trích Berlin, nhưng người tiền nhiệm kỹ trị Mario Draghi của bà Meloni cũng không ngần ngại phản ứng với kế hoạch của Đức.
Ngay cả các đồng nghiệp đảng Dân chủ Xã hội của ông Scholz ở các quốc gia thành viên khác cũng không thực sự hài lòng với Berlin. Sau khi Đức công bố gói viện trợ 200 tỷ euro, Chính phủ Tây Ban Nha do đảng Xã hội đứng đầu cũng lên tiếng chỉ trích như Pháp và Italy.
Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Sinh thái Tây Ban Nha Teresa Ribera nhận xét về dự luật gây tranh cãi của Đức: "Mặc dù Đức cần sự thông cảm của các quốc gia thành viên khác về sự phụ thuộc lớn vào khí đốt của mình, nhưng điều này không phải là: 'cái giá phải trả là gây nguy hiểm cho những nước khác'".
Lời phê bình thẳng thắn nhất đối với Chính phủ Đức là Ba Lan, nơi mà Thủ tướng Mateusz Morawiecki đã gọi Berlin là "không công bằng". “Quốc gia giàu nhất, hùng mạnh nhất EU đang tìm cách sử dụng cuộc khủng hoảng này để đạt được lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp của họ trên thị trường chung châu Âu”, ông Morawiecki cho biết trong phản hồi về gói tài chính trên của Đức.