Kể từ sau trận đấu tại chảo lửa Bukit Jalil, thật khó để tìm một bài viết an ủi Hà Đức Chinh. Những cơ hội mà Chinh bỏ lỡ trước Malaysia biến em thành mục tiêu tổng tấn công của người hâm mộ.
Có người thì trách móc nhẹ nhàng. Có người chỉ trích "tiền đạo gì mà bỏ lỡ cả chục cơ hội có thể chuyển hóa thành bàn thắng kể từ giải U23 châu Á đến nay". Nhưng cũng không ít người miệt thị.
Lượn qua Facebook của Chinh mà lạnh tóc gáy vì những lời chửi bới, miệt thị. Người ta đang tranh cướp nhau có được một tấm vé vào sân để mà CỔ VŨ, động viên tinh thần cho các tuyển thủ.
Người ta tung hô một cách thái quá những cái tên ghi bàn, tạo nên những câu nói đùa kiểu "Miễn phí 100% cho những anh tên Đức, tên Lâm…". Cộng đồng mạng thậm chí phấn khích tới mức.. phong thánh cho một vài tuyển thủ.
Thế mới thấy cái sự hâm mộ của một bộ phận CĐV nước ta nó mong manh thế nào. Khi thắng thì tung hô, thần tượng một cách điên cuồng. Khi va vấp thì nhục mạ, chửi bới, tấn công dữ dội vào sự non nớt về tinh thần của một vài tuyển thủ.
Thế nhưng, có phải chỉ mỗi cổ động viên Việt Nam hành xử như thế không? Có phải chúng ta đang thiếu một bộ quy tắc ứng xử khi cổ vũ hay không? Có phải Hà Đức Chinh nên thất vọng về tình yêu mong manh của người hâm mộ hay không?
Câu trả lời là: Không!
Bóng đá là vậy các bạn ạ, Hà Đức Chinh ạ!
Lionel Messi đã đổ biết bao mồ hôi, đã bao lần cứu đội tuyển Argentina thoát khỏi tình cảnh hiểm nghèo, đã được thế giới phong thánh. Nhưng chỉ cần sút hỏng penalty trong trận chung kết Copa America với Chile, Messi cũng bị chửi tơi bời.
Fan Argentina chửi Messi đến mức khiến một cầu thủ bản lĩnh trận mạc dạn dày như anh cũng chịu không nổi mà phải thốt lên tời từ giã đội tuyển quốc gia (may mà M10 sau đó đã rút lại).
Mà chẳng riêng gì các fan chửi Messi. Đến giới truyền thông - những người được cho là công tâm nhất, cũng đưa Messi lên dàn thiêu.
Tháng 11/2016, sau khi Argentina đánh bại Colombia với tỷ số 3-0 để tạm thoát khỏi những sự dày vò, đay nghiến của báo chí, Lionel Messi đã dắt toàn đội vào phòng họp báo tuyên bố cạch mặt giới truyền thông.
Messi, với mái tóc nhuộm vàng, cánh tay chằng chịt hình xăm, hàm râu quai nón, gương mặt sắc lạnh, giọng điệu đanh thép, đứng giữa phòng họp báo với đám anh em quây xung quanh. Tờ Marca bình luận đùa rằng: Hình ảnh đó có thể trở thành poster của một bộ phim ông trùm nào đó.
Cristiano Ronaldo là anh hùng của bóng đá Bồ Đào Nha. Nhưng tại EURO 2016, Ronaldo thi đấu có phần tệ hơn một chút so với phong độ trong màu áo Real Madrid. Thế là anh cũng bị truyền thông tấn công. Họ "đánh" Ronaldo dồn dập tới mức khiến CR7 nổi nóng giật micro của phóng viên rồi ném thẳng xuống hồ.
Bóng đá là như vậy Chinh ạ. Nếu đến cả những ngôi sao đã cống hiến biết bao nhiêu cho đội tuyển như Messi hay Ronaldo cũng không thoát khỏi đòn hội đồng của người hâm mộ và cánh truyền thông thì một cầu thủ như em phải chịu đựng cũng có gì khổ sở đâu?
Đừng đổ lỗi cho sự bạc bẽo của người hâm mộ. Bản chất của nhiều fan hâm mộ cũng giống như một đứa trẻ con: Nếu có đồ chơi, đứa bé sẽ im lặng tán thành. Nhưng chỉ cần thiếu thứ nó cần trong tay là lập tức tiếng khóc, tiếng hét sẽ vang lên.
Người hâm mộ cần được thỏa mãn. Không thể đòi hỏi họ phải đặt bản thân ở vị trí của các cầu thủ nếu chính các cầu thủ cũng chưa từng ở trong vị trí của CĐV.
Chinh ơi, đừng sợ! Tại sao em không coi đây là một cơ hội để trưởng thành hơn. Cuộc đời một cầu thủ không chỉ có chuyện tập luyện, thi đấu, chịu đựng thất bại và ăn mừng khi chiến thắng. Cuộc đời cầu thủ còn là cả một quá trình rèn luyện tinh thần thép để thật sự trưởng thành nữa.