Những số liệu mới nhất về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức không tích cực chút nào. GDP năm 2023 thấp hơn 0,3% so với năm trước, khiến Đức trở thành nền kinh tế lớn hoạt động kém nhất thế giới.
Đức đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi chi phí năng lượng tăng cao, đặc biệt là nước này gần như phụ thuộc hoàn toàn vào năng lượng giá rẻ của Nga cho đến cuộc xung đột Nga-Ukraine xảy ra vào năm 2022. Áp lực lạm phát lớn đã tác động lên quy trình sản xuất vốn được tối ưu hóa để đạt hiệu quả của các công ty Đức.
Lãi suất tăng khiến các công ty Đức gặp khó khăn hơn trong việc đảm bảo nguồn tài chính, cũng như tăng chi phí hoạt động và làm suy yếu nhu cầu trong và ngoài nước.
Ngoài ra, kinh tế Trung Quốc cũng đã chậm lại và bắt đầu tập trung vào tự cung tự cấp, giảm sự phụ thuộc vào công nghệ và sản phẩm nước ngoài. Đây rõ ràng là một vấn đề đối với các công ty Đức vốn phụ thuộc cực kỳ lớn vào thị trường Trung Quốc trong hai thập kỷ qua.
Theo Chỉ số Hiệu suất Công nghiệp Cạnh tranh (CIP) của UNIDO, Đức vẫn là nhà sản xuất hàng đầu thế giới, duy trì vị trí dẫn đầu kể từ năm 2001. Tuy nhiên, Trung Quốc đã hoàn toàn lấp đầy khoảng trống trong những năm qua.
Kết quả xếp hạng năng lực cạnh tranh thế giới của IMD xác nhận rằng Đức đang mất dần vị thế trong số các nền kinh tế hàng đầu khi đứng thứ 15 vào năm 2022 và tụt bảy bậc vào năm 2023. Các chỉ số của Đức trên bảng xếp hạng đều giảm, từ hiệu quả kinh tế, hiệu quả kinh doanh, hiệu quả của chính phủ đến cơ sở hạ tầng.
Cây bút kinh tế Steven Vass của tờ The Conversation cho rằng Đức nên ưu tiên ba chiến lược nổi bật để đại tu nền kinh tế của mình trong bối cảnh xung đột địa chính trị và nhiều quốc gia áp dụng các hạn chế thương mại nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước.
Đa dạng hóa
Đức phải khắc phục sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc với tư cách là đối tác thương mại lớn nhất. Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức kể từ năm 2015 và thương mại giữa hai nước đã tăng lên mức kỷ lục vào năm 2022.
Berlin đã nhận ra sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc trong một thời gian, nhưng tình trạng này cần thời gian để thay đổi.
Lấy Volkswagen làm ví dụ. Hãng xe Đức vẫn là một công ty lớn ở Trung Quốc với khoảng 3 triệu xe bán ra mỗi năm. Tuy vậy, trước 2018, doanh số của ông lớn ô tô Đức là hơn 4 triệu chiếc. Điều này là do sự chuyển đổi nhanh chóng của Trung Quốc sang ô tô điện đã mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp trong nước như BYD.
Thị phần ô tô của Volkswagen tại Trung Quốc đã giảm từ 64% năm 2020 xuống còn 44% vào năm 2023. Thách thức đối với các công ty Đức như Volkswagen là biến điều này thành cơ hội để đa dạng hóa hơn nữa.
Tuy nhiên, việc đa dạng hóa trong khi vẫn duy trì thương mại và đầu tư hiện tại ở Trung Quốc sẽ khó khăn vì Trung Quốc có thể sẽ áp giá cao hơn cho các công ty nước ngoài để tiếp cận thị trường nội địa. Tuy nhiên, tại thời điểm bất ổn về địa chính trị như vậy, đa dạng hóa phải là ưu tiên chiến lược hàng đầu.
Một nghiên cứu gần đây của Viện Kinh tế Thế giới Kiel có trụ sở tại Đức cho thấy nếu ngừng giao dịch đột ngột với Trung Quốc, điều đó sẽ khiến nền kinh tế Đức giảm 5%, tương đương với mức giảm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hoặc đại dịch Covid-19.
Đi vay để đầu tư
Năm 2009, Đức đã đưa “phanh nợ” vào hiến pháp của mình. Quy tắc này hạn chế nghiêm ngặt khả năng vay và mức thâm hụt của Đức, từ đó khuyến khích chi tiêu hợp lý và đảm bảo rằng tài chính công sẽ vẫn lành mạnh.
Đây đã trở thành câu thần chú được cựu Thủ tướng Angela Merkel và các chủ nợ quốc tế của Hy Lạp (hay còn gọi là Troika) là Ủy ban Châu Âu, Ngân hàng Trung ương Châu Âu và IMF sử dụng trong những năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khi Hy Lạp và các nước khác phải vật lộn với các khoản nợ của mình.
Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã thay đổi cơ bản. Tòa án hiến pháp Đức gần đây đã chặn việc chuyển 60 tỷ euro (51 tỷ bảng Anh) từ ngân sách chưa sử dụng trong đại dịch sang quỹ khí hậu vì điều khoản “phanh nợ”. Điều này đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng ngân sách vẫn chưa được giải quyết.
Nhìn chung, việc phanh nợ đã trở thành một thách thức lớn vì Đức và toàn bộ EU đang cạnh tranh với các quốc gia khác đang đưa ra trợ cấp cho doanh nghiệp của mình. Ví dụ, Brussels gần đây đã mở một cuộc điều tra về trợ cấp của nhà nước Trung Quốc trong lĩnh vực ô tô.
Con đường duy nhất phía trước đối với Đức là đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, nghiên cứu phát triển (R&D) cũng như các hoạt động nhà nước hiệu quả hơn để giúp các công ty tự chuyển đổi và duy trì khả năng cạnh tranh trên toàn cầu. Để chi tiêu cho các việc này, việc phụ thuộc nhiều hơn vào nợ là điều không thể tránh khỏi.
Thu hút đầu tư từ nước ngoài, đặt cược vào châu Âu đổi mới
Số liệu gần đây của Bundesbank cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Đức đã là 3,5 tỷ euro trong nửa đầu năm 2023, giảm từ mức 34,1 tỷ euro cùng kỳ năm 2022 và là con số thấp nhất trong gần 20 năm. Điều này làm dấy lên sự cần thiết phải suy xét cẩn thận về việc Đức mất khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài.
Cách duy nhất để khắc phục xu hướng giảm này là đặt cược vào sự đổi mới được thúc đẩy bởi các khoản đầu tư nghiên cứu và phát triển do EU dẫn đầu. Đổi mới từ lâu đã là động lực thúc đẩy hoạt động kinh tế của Đức khi nước này một trong những quốc gia chi tiêu nhiều nhất cho R&D trong khối – ở mức hơn 3% GDP mỗi năm.
Tuy nhiên, điều đáng nói là mức đầu tư vẫn tương đương một thập kỷ trước, trong khi Mỹ và Nhật Bản hiện đầu tư gần 3,5% GDP. Đẩy mạnh R&D và bắt kịp những phát triển công nghệ mới nhất là điều bắt buộc đối với Đức.
Trong một thế giới mà các quốc gia từ Trung Quốc đến Mỹ đang ngày càng đẩy mạnh trợ cấp cho các doanh nghiệp trong nước và ban hành các chính sách để bảo vệ nền kinh tế của chính mình, Đức cần phải đầu tư dài hạn vào cơ sở hạ tầng, hiệu quả của chính phủ và khuyến khích hệ sinh thái doanh nghiệp. Điều này sẽ thu hút mạnh mẽ hơn đầu tư từ nước ngoài để Đức và các đối tác EU đổi mới và duy trì khả năng cạnh tranh trên trường toàn cầu, Steven Vass nhận định.