Thực khách ăn trưa tại một nhà hàng Đức ở Thái Thương, Trung Quốc. Ảnh: NYT
Những lá cờ Đức và Trung Quốc tung bay dọc những đại lộ rợp bóng cây. Công nhân đang bận rộn với dự án khách sạn- trung tâm thương mại mang đặc trưng kiến trúc nửa gỗ thường thấy ở vùng Bavaria của Đức. Một nhà hàng gần đó phục vụ món xúc xích nướng Thuringia và rất nhiều dưa cải bắp.
Tại tiệm bánh của anh Erwin Gerber ở gần Thái Thương (Taicang, tỉnh Giang Tô), một thành phố công nghiệp nằm cách Thượng Hải chừng hơn một giờ lái xe, những thực khách đói ngấu có thể mua một ổ bánh mì bột chua hoặc bánh quy nướng theo đúng phong cách vùng Baden-Württemberg.
“Tất cả mọi thứ bạn tìm thấy ở Đức, bạn sẽ thấy trong hiệu bánh của tôi”, anh Gerber nói.
Taicang là hình thu nhỏ của mối quan hệ sâu sắc giữa nền kinh tế lớn thứ hai và thứ tư trên thế giới. Thành phố của Trung Quốc gắn bó chặt chẽ với máy móc công nghiệp Đức đến nỗi một số người gọi nó là “Swabia nhỏ”, theo tên khu vực là quê hương của nhiều chủ nhà máy tại đây.
Tuy vậy mối quan hệ giữa hai nước cũng gây ra những lo ngại rằng Đức đã trở nên quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Đó có thể là một vấn đề gai góc với Tổng thống Biden, người đã xác định cô lập Bắc Kinh về thương mại và địa chính trị là một phần quan trọng trong chiến lược Trung Quốc tổng thể của ông.
Tháng 12 năm ngoái, Đức đã đóng vai trò chi phối trong việc đưa ra một thỏa thuận bảo hộ đầu tư của Liên minh châu Âu với Trung Quốc, bất chấp sự phản đối của chính quyền Tổng thống Biden. Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố thỏa thuận này là cần thiết nhằm giúp các công ty châu Âu đạt được nhiều lợi nhuận hơn nữa ở Trung Quốc.
Trước đó, vào tháng 1, bà Merkel đã phát đi tín hiệu không muốn Đức đứng về phía nào trong một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, khẳng định “Tôi không ủng hộ việc hình thành các khối”.
Lập trường của bà Merkel có thể gây ảnh hưởng rộng khắp châu Âu, với vị trí là người chèo lái nền kinh tế lớn nhất lục địa. Bà Theresa Fallon, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nga Âu Á tại Brussels, cho biết: “Đó là một trạng thái xoay chiều về ảnh hưởng”.
Giới phân tích cho rằng Đức sẽ phải chịu áp lực càng lớn trong những tháng tới trong lựa chọn đứng về một bên. Thỏa thuận với Trung Quốc vẫn đòi hỏi phê chuẩn của Nghị viện châu Âu, nơi có nhiều tiếng nói thù địch với Bắc Kinh.
Berlin cũng có thể phải đối mặt với áp lực tại Hội nghị thượng đỉnh đầu vào tháng 6 tới của nhóm G7.
Tổng thống Mỹ Biden muốn củng cố thể chế này sau khi người tiền nhiệm Donald Trump khiến vai trò của G7 bị thu hẹp trong 4 năm qua.
Đức đã được hưởng lợi từ mối quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch. Trung Quốc vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức và trở thành thị trường chính cho nhiều công ty của nước này. Năm ngoái, Mercedes-Benz đã bán ra tại Trung Quốc lượng xe nnhiều gấp ba lần so với ở Mỹ.
Tuy nhiên, một số người ở Đức lo sợ rằng cơ hội tại Trung Quốc sắp kết thúc. Bắc Kinh đã tăng cường nỗ lực cạnh tranh với các công ty Đức về máy móc chính xác hoặc mua lại cả công ty luôn. Các giám đốc điều hành tại một số công ty Đức ở Thái Thương cho biết các nhà quản lý địa phương mà họ được đào tạo đã rời đi và trở thành đối thủ cạnh tranh.
Các nhà máy thuộc sở hữu của Đức tạo ra các máy móc chính xác mà nhiều nhà sản xuất Trung Quốc cần để hoạt động. Một nghiên cứu gần đây của Bertelsmann Foundation cảnh báo, nếu Bắc Kinh thành công trong nỗ lực tự lực công nghiệp, thì Trung Quốc sẽ không cần Đức nữa.
“Sẽ không còn là đôi bên cùng có lợi nữa”, ông Ulrich Ackermann, giám đốc thị trường nước ngoài của Hiệp hội Công nghiệp Kỹ thuật Cơ khí Đức, cảnh báo.
Những gốc rễ đầu tiên của Đức ở Thái Thương được “trồng” vào năm 1985, khi Hans-Jochem Steim, giám đốc điều hành của một nhà sản xuất lò xo dây của Đức, đi tìm địa điểm để xây dựng nhà máy.
Thái Thương, khi đó giống như một tập hợp các ngôi làng, nằm cách sân bay thương mại duy nhất của Thượng Hải không xa về phía bắc. Bầu không khí của một thị trấn nhỏ khiến Steim nhớ đến quê hương mình ở Swabia.
Kern-Liebers, nơi ông Steim làm giám đốc, là công ty đầu tiên trong số hơn 350 doanh nghiệp Đức thiết lập hoạt động tại Thái Thương, với sức hút là bất động sản giá rẻ, một sân bay gần và giới chức địa phương hợp tác.
Người Đức đã huấn luyện cho các giám đốc địa phương tốt đến mức, ngày nay Thái Thương có mọi thứ của Đức. Các nhà đầu tư Đức đã giúp chuyển biến Thái Thương thành một đô thị gần 1 triệu dân. Các công nhân từng đi xe đạp ở đây giờ thoải mái lái ô tô.
Các công ty Đức cho biết họ vẫn nhìn thấy dư địa tăng trưởng ở Trung Quốc. Họ cho biết chính phủ không nhắm mục tiêu vào họ bởi họ sản xuất tại Trung Quốc và thuê nhân công địa phương.