Do giãn cách xã hội để hạn chế dịch bệnh lây lan nên nhiều VĐV đã chọn phương án tập tại nhà. Với một số môn thể thao tốc độ thì việc sử dụng các thiết bị giả lập sẽ giúp họ có được cảm giác tốt hơn là tập thể lực thông thường.
Một bộ vô lăng đua xe ô tô giả lập tiêu chuẩn
Với đua giả lập ô tô chúng ta có thể dễ dàng mua được những chiếc vô lăng kèm bàn đạp ga, thậm chí là cả hộp số, khung xe, ghế ngồi... để tận hưởng những cảm giác chân thật nhất. Tuy nhiên, với xe đạp thì không đơn giản như vậy.
VĐV có thể sử dụng chính chiếc xe của mình để đua giả lập
Trong tập luyện xe đạp, bên cạnh thể lực, các VĐV còn phải biết điều tiết sức của mình để có thể hoàn thành chặng đua với thời gian tốt nhất. Nếu đua ô tô giả lập, các tay đua chỉ việc nhấn ga là xe sẽ lao vun vút thì ở giả lập xe đạp, các cua rơ sẽ phải dùng chính sức của mình để đưa chiếc xe của mình tiến về phía trước, tất nhiên là chiếc xe ảo ở trong máy tính. Nếu đường leo dốc, bàn đạp sẽ nặng hơn và ngược lại khi đổ đèo.
Giả lập càng giống thật bao nhiêu, VĐV càng được lợi bấy nhiêu
Chính vì vậy, các nhà sản xuất thiết bị thể thao đã tạo ra một hệ thống ăn khớp với nhau từ phần cứng đến phần mềm. Một bộ xe đạp giả lập đơn giản sẽ có một thiết bị được gắn vào bánh sau của xe đua.
Thiết bị này với động cơ điện ở trong sẽ có nhiệm vụ tăng tốc hoặc hãm bánh xe, tạo cho tay đua cảm giác như đang chạy với những độ dốc khác nhau, thậm chí là cả độ bám đường của bánh xe trong các điều kiện thời tiết khác nhau.
Các thông số rất trực quan hiển thị ngay trước mặt tay đua
Thiết bị được kết nối với máy tính và màn hình đã cài sẵn phần mềm chuyên dụng. Phần mềm này giống như một trò chơi điện tử trên máy tính vậy.
Nó cung cấp nhiều cung đường, điều kiện thời tiết khác nhau cho các tay đua tha hồ lựa chọn, cũng như sẽ cung cấp kết quả và các chỉ số quan trọng từ cảm biến trên thiết bị ở bánh sau để giúp VĐV và HLV có những điều chỉnh cần thiết trước khi bước vào các chặng đua chính thức.
Bộ giả lập cơ bản nhất với giá đỡ và trục ru-lô điện
Phần mềm này được cho thuê với giá không quá cao, khoảng 350 nghìn đồng / tháng. Còn giá của các thiết bị sử dụng với phần mềm này lại khá đắt và cũng có nhiều loại. Rẻ nhất là loại dùng ru-lô điện tiếp xúc với lốp xe có giá gần 9 triệu đồng (chưa tính thuế và các chi phí khác).
Cao cấp hơn là loại gắn trực tiếp trục sau của bánh xe, giúp các VĐV có được cảm giác đạp thật nhất. Giá của dòng này từ 19 đến gần 30 triệu.
Nếu chuyên nghiệp hơn, các tay đua có thể mua luôn cả bộ xe đạp tập của hãng với giá khoảng 80 triệu đồng với đầy đủ các trang thiết bị và hệ thống cảm biến tiên tiến nhất.
Hiện tại, ĐT trẻ xe đạp Việt Nam cũng đang sử dụng hệ thống như vậy với dòng sản phẩm cơ bản nhất. Do kinh phí hạn hẹp nên đội mới chỉ có 2 bộ để các tay đua tập luân phiên 2 người một ngày. Nếu có điều kiện hơn, chắc chắn sẽ giúp một phần nào nâng cao thành tích của các tay đua, cũng như hạn chế những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra trên đường.