Ngày 17/3, hãng sản xuất vắc-xin CanSino Biologics ở TP Thiên Tân, Trung Quốc, thông báo tìm kiếm các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng trong 6 tháng loại vắc-xin mà họ hợp tác với Viện khoa học quân y Trung Quốc điều chế.
“Vắc-xin không chứa mầm bệnh, có độ an toàn cao và ổn định, và chỉ cần tiêm một lần”, Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát bệnh tật Hồ Bắc nói trong thông báo tìm kiếm tình nguyện viên.
Thông báo được đưa ra 2 ngày sau khi những tình nguyện viên đầu tiên được tiêm vắc-xin mà Viện sức khỏe quốc gia Mỹ rót vốn cho Moderna, một hãng khởi nghiệp về công nghệ sinh học, điều chế.
Hãng này sử dụng công nghệ mRNA để sao chép mã gien của virus chứ không dùng virus SARS-CoV-2. Cho đến nay, chưa vắc-xin sử dụng công nghệ mRNA nào được cấp phép sử dụng cho con người.
Trung Quốc cũng có loại vắc-xin dùng công nghệ mRNA do Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Trung Quốc và ĐH Đồng Tế ở Thượng Hải phối hợp điều chế. Vắc-xin này đang trong giai đoạn thử nghiệm trên động vật và dự kiến thử nghiệm lâm sàng trên người vào giữa tháng 4.
Được điều chế bởi CanSino và Viện khoa học quân y Trung Quốc, vắc-xin này đang dẫn đầu trong 9 loại vắc-xin được phát triển ở Trung Quốc. Tất cả đều đang trong quá trình hoàn tất nghiên cứu thử nghiệm tiền lâm sàng và sẽ được thử nghiệm lâm sàng vào tháng 4, ông Wang Junzhi, một chuyên gia về kiểm soát chất lượng sản phẩm sinh học và là một học giả của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho biết.
“Việc nghiên cứu và phát triển vắc-xin cho virus corona mới nhìn chung đang ở mức tiến bộ nhất thế giới”, ông Wang nói tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 17/3. “Chúng ta sẽ không chậm hơn các nước khác”, ông Wang khẳng định.
Cả thế giới đang hy vọng sớm có vắc-xin, đặc biệt cho các nhóm dễ bị ảnh hưởng như người già, trong bối cảnh đại dịch chưa có thuốc chữa hay vắc-xin đang khiến cả thế giới gần tiến về mức đứng yên.
Các nhà khoa học trên khắp thế giới đang tiến hành nhiều thử nghiệm. Mỹ được cho là đã cố gắng mua một loại vắc-xin được điều chế ở Đức để sử dụng độc quyền ở Mỹ, còn chính phủ Đức được cho là đã hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp sản xuất loại vắc-xin này sẽ được bán ở thị trường Đức.
“Vắc-xin là phương tiện y tế hiệu quả nhất để ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh vì nó có thể chặn sự lây lan của virus”, ông Lei Chaozi, Giám đốc khoa học công nghệ của Bộ Giáo dục Trung Quốc, cho biết.
“Vắc-xin cũng đóng vai trò quan trọng trong ổn định nền kinh tế và giúp đưa đất nước trở lại bình thường khi công việc và sản xuất được khôi phục”, ông Lei nói.
Khi đến thăm Viện khoa học Quân y Trung Quốc cách đây 2 tuần, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi cần nhanh chóng điều chế vắc-xin và các thuốc điều trị.
Khoảng 1.000 nhà khoa học nước này đang tham gia phát triển vắc-xin, và 9 loại đã được điều chế bằng 5 phương pháp khác nhau, trong đó có loại vắc-xin bất hoạt, vắc-xin vector và vắc-xin gien.
Ông Wang nói rằng các loại vắc-xin cần đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định liên quan cũng như yêu cầu của Tổ chức Y tế thế giới trước khi được đưa vào thử nghiệm lâm sàng.
Vắc-xin của CanSino và các nhà nghiên cứu quân y Trung Quốc là loại sử dụng công nghệ gien. Virus corona gia tăng đột biến và bám vào bề mặt tế bào cơ thể con người để tấn công vào tế bào. Về lý thuyết, vắc-xin có thể tạo ra kiểu tấn công như vậy để kích hoạt cơ chế miễn dịch của cơ thể con người.
Theo Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát bệnh tật Hồ Bắc, các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm phải từ 18-60 tuổi và không có tiền sử nhiễm virus corona.