Sau khi một phóng sự điều tra về chất lượng hoa quả mà cụ thể là quả táo được phát sóng trên truyền hình, công ty điều phối một trong số những cửa hàng hoa quả bị phỏng vấn và ghi hình lén cho rằng, phóng sự đó đã đưa tin sai sự thật, ảnh hưởng lớn đến lượng tiêu thụ sản phẩm.
Không những vậy, công ty này còn kiện đài truyền hình ra tòa vì lý do xâm phạm lợi ích, danh dự của họ và đòi bồi thường số tiền lên đến hơn 1 triệu nhân dân tệ (tương đương hơn 3,5 tỉ đồng)…
Tình tiết sự việc
Sự việc xảy ra tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Theo nội dung bản cáo trạng do công tố viên công bố tại phiên tòa sơ thẩm, vào ngày 1/12/2014, trên kênh đời sống của một đài truyền hình (giấu tên) đã phát sóng một phóng sự điều tra uy tín của các siêu thị hoa quả.
Khi thực hiện các cảnh quay và phỏng vấn không công khai, phóng viên đã mua táo lõi đường từ cửa hàng hoa quả của công ty trên và một số cửa hàng khác, sau đó tiến hành cân và so sánh hàng thật, hàng giả.
Kết quả là, sản phẩm của 4 đơn vị, trong đó có công ty trên đều "rơi vào vòng nguy hiểm" và bị kết luận "không phải táo lõi đường", buôn bán không uy tín.
Ảnh minh họa.
Không chỉ lên sóng một lần, đài truyền hình còn phát chương trình khá nhiều lần trên trang web riêng, trong đó hình ảnh cửa ra vào của công ty trên liên tục xuất hiện.
Sau khi sản phẩm điều tra này đến với khán giả truyền hình, nhiều khách hàng quen biết và người dân ở khu vực lân cận đều quay đầu với cửa hàng, hoạt động buôn bán trở nên ế ẩm, vắng khách.
Để cứu vãn tình thế khó khăn, công ty trên thậm chí đã phải đổi tên của 3 cửa hàng hoa quả trong hệ thống.
Công ty hoa quả cho rằng, sản phẩm của họ đủ cân đủ lạng, vậy mà đài truyền hình lại nói là cân không đủ. Trong phóng sự, phóng viên còn nhầm lẫn táo của họ với táo của cửa hàng khác.
Sau khi kiểm tra lại, mặc dù phóng viên kia đã thừa nhận nhầm lẫn song đài truyền hình vẫn chưa cải chính và xin lỗi, vì thế, công ty hoa quả yêu cầu đối phương phải xin lỗi và bồi thường tổn thất kinh tế lên đến 1 triệu NDT (khoảng 3,5 tỉ đồng) cùng 50.000 NDT tiền thuê luật sư.
Phản bác yêu cầu của nguyên đơn
Tại phiên tòa, phía đài truyền hình cho biết họ không đồng ý với đề nghị của công ty hoa quả vì qua điều tra, đơn vị này khẳng định việc họ làm không xâm phạm đến quyền lợi và lợi ích của đối phương.
Trước lập luận này, tòa án cũng kết luận, chương trình điều tra của đài truyền hình vì 1 sơ suất của phóng viên mà đã để lọt "hạt sạn" lớn, gây ảnh hưởng đến công ty hoa quả. Việc làm này đáng bị phê bình.
Tuy nhiên, phiên tòa cũng cho rằng đài truyền hình là một cơ quan kiểm định không chuyên, quá trình kiểm nghiệm sản phẩm và các tình tiết trong chương trình không thể yêu cầu quá cao.
Ngoài ra, nội dung chương trình cũng không đề cập thẳng đến tên công ty mà chỉ nói chung chung là "một cửa hàng hoa quả trong khu dân cư...", ngay cả phẩn cửa siêu thị cũng không quay toàn cảnh mà chỉ nhằm vào dòng chữ "cửa hàng hoa quả"...
Dù không chỉ đích danh cửa hàng song việc đài truyền hình phát sóng phóng sự "có sạn" đã khiến công ty hoa quả chịu tổn thất không hề nhỏ. Ảnh minh họa.
Với những thông tin, hình ảnh này, người xem sẽ không dễ dàng nhận ra hoa quả của cửa hàng trên không đạt tiêu chuẩn, vì thế không thể gây ra tổn thất quá lớn của cửa hàng. Hơn nữa, phóng sự này cũng đã được gỡ xuống khỏi websiter riêng của đài truyền hình.
Tổng hợp những yếu tố trên, tòa án đã bác yêu cầu của công ty hoa quả đối với đài truyền hình.
Không phục trước quyết định cuối cùng của phiên tòa sơ thẩm, công ty trên đã tiếp tục kiện lên tòa án cấp cao hơn.
Tuy nhiên, tòa án nhân dân trung cấp số 3 thành phố Bắc Kinh cũng cho rằng yêu cầu bồi thường của bên nguyên đơn còn thiếu thực tế và thiếu các căn cứ pháp luật, vì thế, yêu cầu trên tiếp tục bị bác bỏ.