Một đoàn xe tăng và xe bọc thép của Thổ Nhĩ Kỳ đã được triển khai tới thị trấn Sipoli, khu vực ngã ba biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Iraq và Syria từ ngày 1-11.
Động thái này diễn ra trước thềm cuộc tấn công tổng lực của các lực lượng do quân đội Iraq dẫn đầu vào trung tâm thành phố Mosul, vốn đang bị các phần tử của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm giữ.
Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có đa số người Hồi giáo dòng Sunni, lo ngại các lực lượng dân quân thuộc dòng Shiite tham gia và cuộc tấn công từ sườn phía tây Mosul có thể kích động bất ổn sắc tộc trong khu vực.
Thêm vào đó, Ankara cũng lo ngại các tay súng thuộc Đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn bị xem như khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ nhân dịp này mở rộng ảnh hưởng ra sát vùng biên giới.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi hôm 1-11 cảnh báo Baghdad sẽ đáp trả cứng rắn các hành động xâm phạm lãnh thổ quốc gia từ bất kỳ nước nào.
Ông Abadi tuyên bố Iraq không muốn chiến tranh hay đối đầu và sẵn sàng mở “cánh cửa ngoại giao”, nhưng nhấn mạnh rằng nếu Ankara dám tiến vào đất Iraq, họ sẽ phải trả giá đắt.
Phát biểu sau đó trên đài truyền hình NTV ngày 2-11, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng nhà lãnh đạo Iraq đã đi quá giới hạn của sự việc.
“Ông Abadi nên đưa ra những tuyên bố hạ nhiệt tình hình thì tốt hơn. Chúng tôi buộc phải có các biện pháp phòng vệ trước những đe dọa từ bên kia biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là sự phòng ngừa hơn là đe dọa”, ông Kurtulmus nhấn mạnh.
Tuyên bố của ông Kurtulmus có phần mâu thuẫn với những gì được Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Fikri Isik đưa ra ngày 1-11.
Ông Isik khi đó nhấn mạnh, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ “không có nghĩa vụ” phải đợi ở bên kia biên giới nếu các tay súng PKK chiếm được ưu thế tại thị trấn Sinjar của Iraq, cách Sipoli của Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 115km về phía nam.
Đây chính là nguồn cơn khiến chính quyền Baghdad lo ngại và dẫn tới việc Thủ tướng Iraq đưa ra những phát biểu cứng rắn đối với Thổ Nhĩ Kỳ, theo Reuters.