Nói về đặc sản Đồng Tháp, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến đặc sản bánh phồng tôm. Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở cửa ngõ sông Tiền nên đã mang đến cho Đồng Tháp lượng tôm, cua dồi dào. Từ đó, người dân đã sáng tạo ra món bánh phồng tôm nổi tiếng mà trong đó tôm là nguyên liệu không thể thiếu.
Trong nhiều thập kỷ qua, bánh phồng tôm đã trở thành món ăn yêu thích với người dân khắp cả nước, bất chấp sự xuất hiện của vô vàn loại snack. Tại quê hương của món ăn dân dã này hiện có hàng trăm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bánh phồng tôm nhưng nổi bật trong đó là CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang (Mã CK: SGC) và CTCP Thực phẩm Bích Chi.
Cùng thành lập từ những năm 60 của thế kỷ trước, Sa Giang và Bích Chi sau nhiều thăng trầm của lịch sử vẫn giữ vững được bản sắc vốn có của mình và hiện là hai tên tuổi lớn nhất sản xuất bánh phồng tôm tại Việt Nam với doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Hiện tại, cả Sa Giang và Bích Chi đều mở rộng sản xuất sang những sản phẩm từ gạo như hủ tiếu, phở, bún gạo lứt, bánh tráng…nhưng phồng tôm vẫn là sản phẩm chủ lực và đóng góp trên 90% doanh thu mỗi năm của công ty.
Mang phồng tôm ra thế giới, thu tiền tỷ mỗi ngày
Với đặc thù ngành không cần đầu tư quá lớn nên quy mô Sa Giang và Bích Chi nhìn chung khá nhỏ. Tính tới cuối năm 2018, tổng tài sản Sa Giang đạt 162 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 102 tỷ đồng; trong khi đó Bích Chi có phần vượt trội hơn với tổng tài sản cuối năm 2018 đạt 280 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 187 tỷ đồng.
Những năm qua, kết quả kinh doanh của Sa Giang và Bích Chi đạt được là rất tích cực với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng đều, bất chấp những giai đoạn kinh tế gặp khó khăn. Tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân (CAGR) giai đoạn 2010 – 2018 của Sa Giang lên tới 8%, còn với Bích Chi con số còn ấn tượng hơn với 13%.
Trong năm 2018 vừa qua, doanh thu Sa Giang đạt 288 tỷ đồng, Bích Chi đạt 490 tỷ đồng. Bình quân mỗi ngày Sa Giang thu về gần 800 triệu đồng, trong khi Bích Chi mỗi ngày thu về hơn 1,3 tỷ đồng. Về lợi nhuận ròng, Sa Giang đạt 23 tỷ đồng trong năm 2018, còn với Bích Chi là gần 39 tỷ đồng.
So với năm trước, lợi nhuận Sa Giang sụt giảm 23% và lợi nhuận Bích Chi giảm 6%. Việc lợi nhuận giảm của 2 "đại gia" ngành phồng tôm này giảm mạnh bởi xuất hiện thêm nhiều đối thủ cạnh tranh về giá, trong khi nguyên liệu đầu vào cũng như nhân công đều tăng giá mạnh trong năm qua.
Điều này dẫn tới tỷ suất lãi ròng của Sa Giang và Bích Chi trong năm 2018 chỉ còn ở mức 8%, trong khi những năm trước duy trì quanh mức 10%.
Một điểm đáng chú ý, sản phẩm phồng tôm của Bích Chi và Sa Giang đều được xuất khẩu và chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu doanh thu.
Với Sa Giang, doanh nghiệp này đã xuất khẩu sản phẩm tới hơn 40 quốc gia và tỷ trọng xuất khẩu hiện chiếm 55% cơ cấu doanh thu. Tại ĐHCĐ thường niên mới diễn ra, lãnh đạo Sa Giang cho biết sẽ chú trọng hơn thị trường trong nước bởi đây là thị trường có biên lợi nhuận tốt hơn.
Tương tự, hoạt động xuất khẩu cũng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu Bích Chi với 61% trong năm 2018.
Kế hoạch thâu tóm Sa Giang liệu có khả thi?
Sa Giang đã niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội từ năm 2009 với mã chứng khoán SGC và kể từ thời điểm đó tới nay, cổ phiếu doanh nghiệp tăng không ngừng nghỉ theo tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp. Không những vậy, Sa Giang còn là doanh nghiệp chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ cao và đều đặn.
Diễn biến cổ phiếu Sa Giang kể từ khi lên sàn chứng khoán tới nay
Trong khi đó, Bích Chi đã không ít lần đánh tiếng lên sàn chứng khoán, thậm chí doanh nghiệp này còn chờ "VN-Index lên 800 điểm" sẽ lên sàn nhưng đến khi VN-Index lên 1.200 điểm thì Bích Chi vẫn chưa cho thấy động thái sẵn sàng niêm yết.
Năm 2017, Bích Chi từng đánh tiếng mua cổ phần Sa Giang khi nhà nước thoái vốn. Sa Giang cũng là một trong mười doanh nghiệp SCIC đưa vào danh sách thoái vốn hồi năm 2015. SCIC đang nắm giữ gần 3,6 triệu cổ phiếu Sa Giang tương đương 49,89% vốn điều lệ của Sa Giang.
Tính theo mức giá hiện tại (104.700 đồng/cp) thì số tiền Bích Chi phải bỏ ra để thâu tóm Sa Giang vào khoảng 373 tỷ đồng, con số này lớn hơn nhiều so với tổng tài sản của Bích Chi.
Chưa rõ Bích Chi đã có kế hoạch cụ thể gì để thâu tóm Sa Giang hay chỉ "đánh tiếng" như việc lên sàn, nhưng trong năm 2018, ban lãnh đạo Sa Giang và người thân đã liên tục mua vào gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. Đây sẽ là thách thức không nhỏ cho tham vọng thâu tóm đối thủ cùng ngành của Bích Chi.