Đây cũng là món ăn ngon, độc, lạ, được khách du lịch mua về nhiều để thưởng thức nên dù giá bán gần 300.000 đồng/kg nhưng vẫn luôn cháy hàng.
Anh Lại Huy Thỏa, một khách du lịch đến từ Thái Bình cho biết, được nghe những người bạn ở Hòa Bình kể về món cua đá rất ngon nên cuối tháng 7, anh đã tổ chức cho gia đình đến du lịch, tắm ở suối khoáng Kim Bôi. Tại đây, đặc sản cua đá được bán rất nhiều, với giá từ 170.000- 280.000 đồng/kg, tùy trọng lượng.
“Vì được nhiều người bạn quảng cáo cua đá nấu canh ăn rất ngọt và mát nên tôi mua 6 con, gần 1,2kg với giá 320.000 đồng. Sau khi ăn xong, tôi nghĩ giá như vậy không hề đắt, vì cua ăn ngon và có vị rất đặc trưng”, anh Thỏa nói.
Chị Cao Thị Út, (Hà Đông, Hà Nội) cũng tiết lộ, chị đã từng được thưởng thức món canh cua đá sau vài lần đến Hòa Bình. Theo chị Út, cua đá xay, giã lọc nước nấu canh, làm lẩu riêu cua rất ngon, thậm chí nếu cua to thì có thể gỡ thịt để xào, không khác gì cua biển.
Cua đá thường sống trong các hốc, khe ở suối.
Dọc quốc lộ 21A từ đường Hồ Chí Minh đến khu du lịch Suối khoáng Kim Bôi, rất nhiều điểm bày bán cua đá, phục vụ khách du lịch. Vừa đưa tay lựa chọn từng con cua có màu xanh lục, thân rắn chắc, chị Bùi Thị Minh ở thị trấn Kim Bôi, huyện Kim Bôi cho biết, khác với những loại cua sống ở biển, ở đầm hay đồng ruộng, cua đá ở vùng cao thường sống trong các hốc đá trên suối. Loại cua đá này có hình dáng bên ngoài giống cua đồng nhưng kích cỡ của chúng thì lớn hơn nhiều. Có những con lớn bằng nắm tay hoặc cái chén với hai càng to khỏe.
“Cua đá thường sống nép mình dưới các hốc đá, hang đá để tránh ánh nắng mặt trời. Khi trời mưa, loại cua này mới bò ra để đến bờ suối tìm kiếm thức ăn. Vì thế, muốn bắt được loại cua này phải đi bắt vào những ngày mưa”, chị Minh giải thích.
Khi phát hiện có ánh đèn, cua đá sẽ nhanh chân chui vào các hốc đá. (Ảnh minh họa)
“Cua đá nhà mình cũng có mấy loại, tùy theo kích cỡ to nhỏ khác nhau mà có giá bán khác nhau. Loại cua 5 con/kg có giá 280.000 đồng/kg, loại 6 con/kg giá 250.000 đồng/kg. Các loại cua nhỏ hơn có giá từ 160.000 - 180.000 đồng/kg. Do cua đá sống trên núi nên chạy nhanh, bò khỏe, thức ăn hàng ngày là các loại côn trùng, lá rừng nên thịt cua đá rất chắc, ngọt, thơm và bán rất được giá.”, chị Minh nói thêm.
Tuy vậy, theo anh Bùi Văn Don - thợ chuyên săn cua đá - việc bắt cua đá không hề dễ vì chỉ cần có tiếng động nhỏ là chúng bỏ chạy ngay vào các hốc đá ẩn nấp. Con nào "cắn mồi" một lần mà bị thợ "vồ" trượt là không bao giờ bắt được nữa. Vì thế muốn bắt cua thì phải đi vào ban đêm.
“Ban đêm những chú cua đá bò ra tìm kiếm thức ăn. Người bắt chỉ cần rọi đèn pin là chộp cua bỏ vào giỏ. Song, cần thật nhanh tay để tránh bị cua cắp vì chúng có chiếc càng chắc khỏe, gây sát thương rất lớn. Đã có người đứt ngón tay vì cua đá rồi, càng nó như gọng kìm cắp là đứt tay như chơi”, anh Don nói.
Ở Hoà Bình, những người bắt cua đá được gọi là thợ, phải có kỹ thuật nhử nó ra ngoài, muốn như thế thì phải có kinh nghiệm. Bây giờ cua đá ít hơn trước, bắt cũng khó hơn nên giá cả phải cao hơn. Những năm gần đây, do nhu cầu của thực khách tăng cao nên loại cua này ngày một khan hiếm.
“Khách ăn cua đá quen miệng nên thường tìm đến đây mua về hoặc đặt hàng về ăn. Cua đá bày bán ở đây chưa bao giờ ế hàng, vào mùa hè, khách du lịch phải đặt trước mới có", anh Don khẳng định.