Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi cho biết, Việt Nam là một trong những nước nhập khẩu bò Úc nhiều nhất, đứng sau Indonesia và Trung Quốc.
Năm 2015, tổng đàn bò Úc nhập khẩu về Việt Nam trên 300.000 con. Trong 4 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã nhập 71.000 con bò về vỗ béo, giết thịt.
Mục tiêu đến năm 2020, tỉ lệ thịt bò trong khẩu phần ăn của người dân Việt Nam chiếm khoảng 20% nên nhu cầu và tiềm năng phát triển bò thịt ở Việt Nam là rất lớn.
Ông Chinh cho biết, do nhập bò loại thải, trọng lượng lớn về để giết thịt thường rủi ro về dịch bệnh và môi trường nên Việt Nam chủ yếu là nhập bò tơ về vỗ béo 100 ngày.
Đây cũng là xu hướng của các nước trên thế giới. Việc nhập khẩu bò sống về để vỗ béo là nhu cầu cấp thiết vì nhu cầu tiêu dùng của người Việt ngày càng cao.
Mặc dù nhập khẩu bao giờ cũng gắn liền với nhiều rủi ro nhưng chăn nuôi bò ở Việt Nam không có nhiều điều kiện thuận lợi như Úc.
Ông Vũ Chí Cương, Phó Viện trưởng Viện chăn nuôi cũng cho rằng, việc nhập khẩu bò Úc là điều tất yếu vì hiện nay chúng ta chỉ có hơn 5 triệu con bò, không thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.
Tuy nhiên doanh nghiệp hiện nay mới chỉ lo đến thương mại, nhập về để vỗ béo bán mà chưa tính chuyện lâu dài.
Tại sao doanh nghiệp chỉ chăm nhập bò về vỗ béo? ông Cương tự đặt câu hỏi và trả lời: “Vì đây là khâu lợi nhuận nhất.
Một doanh nghiệp ở Long An mà tôi biết, họ nhập 3 tàu bò từ ÚC về Việt Nam, nuôi 3 tháng là bán. Trung bình mỗi con bò có giá từ 15- 16 triệu đồng”.
Ông Cương cho rằng doanh nghiệp phải chủ động nguồn nhập khẩu, chọn giống vì hiện nay Trung Quốc chưa thỏa thuận được với Úc về tiêu chuẩn giết mổ bò của Úc, nếu đạt được thỏa thuận này, Trung Quốc sẽ tăng lượng nhập khẩu và lúc đó Việt Nam sẽ hết nguồn.
“Nếu phụ thuộc vào nhập khẩu thì khi giá lên buộc phải tăng giá. Mà hiện nay giá thịt bò hơi ở Việt Nam cũng đang đắt nhất Đông Nam Á rồi, rẻ nhất ở Indonesia, Thái Lan, Lào”, ông Cương lo ngại.
Ông Vương Xuân Hiển, công ty Sao Đỏ cho biết công ty ông vừa nhập khẩu bò thịt về vỗ béo và vừa nuôi sinh sản và vỗ béo.
Tổng cộng 2 đợt nhập về hơn 3.000 con. Trung bình mỗi kg bò hơi khoảng 3USD.
Tuy nhiên hiện nay thị trường có nhiều biến động, nguồn bò từ Myanmal, Campuchia, Lào qua đường tiểu ngạch vào Việt Nam khá nhiều đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu.
Theo Phó cục trưởng Cục chăn nuôi, về lâu dài các doanh nghiệp phải chủ động nhập giống tốt từ Úc, Mỹ, Cannada…từng bước chủ động tạo nhân giống để giảm dần phụ thuộc.
Điều này cần phụ thuộc vào nhưng doanh nghiệp lớn như Bình An, An Phú, Hoàng Anh Gia Lai…
“Hiện nay chúng ta mới chủ yếu nhập giống từ Úc về, còn nguồn từ Thái Lan, Myanmal, Ấn Độ, Lào tương đối cạn kiệt, việc kiểm soát dịch bệnh cũng khó.
Bộ NN&PTNT cũng đang tìm hiểu thêm những thị trường tiềm năng khác như Brazil, Ác-hen-ti-na…với tổng đàn bò trên 220 triệu con mà chúng ta có thể nhập về để vỗ béo. Phải có nhiều nguồn nhập khẩu để cạnh tranh hơn, giá thành tốt hơn.
Tuy nhiên doanh nghiệp phải có bài toán kinh tế rõ ràng, với những khoảng cách xa hơn Úc thì chi phí ra sao”, ông Chinh khuyến cáo.