Đưa loa phường vào tận nhà

Nguyễn Hưởng |

Hà Nội đang lắp thí điểm hơn 200 thiết bị điện tử thông minh nhằm thay thế cho loa phường nhưng thiết bị mới không được người dân đón nhận.

Ông Nguyễn Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội, cho biết TP đang lắp đặt thí điểm các thiết bị thay thế loa truyền thanh tại 4 phường trên địa bàn 3 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Cầu Giấy.

Việc thí điểm này nằm trong quá trình thực hiện đề án "Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP".

Thiết bị truyền thông thông minh

Theo đề án này, hệ thống truyền thanh loa phường sẽ ở 4 quận nội thành là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng và chỉ phát nội dung thông báo các trường hợp khẩn cấp (phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng chống dịch bệnh...) hoặc theo yêu cầu của trung ương và TP.

Ông Khánh cho biết hiện đã lắp xong thiết bị tuyên truyền tại phường Thành Công (quận Ba Đình) và đang bắt đầu lắp đặt tại phường Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm).

Thiết bị mới có tên M-GATEWAY do hai đơn vị là Viettel và MobiFone lắp đặt.

Về kinh phí, theo ông Khánh, trước mắt sẽ do các doanh nghiệp tư nhân cung cấp thiết bị tự bỏ ra để lắp đặt. Sau đó, kinh phí đầu tư và lắp đặt sẽ được huy động từ ngân sách TP và xã hội hóa.

"Sau khi thử nghiệm xong và đánh giá các thiết bị thử nghiệm đến đầu năm 2018 mới biết được dự trù kinh phí để lắp đặt trong toàn TP" - ông Khánh nói.

Theo ông Khánh, các thiết bị sẽ được lắp đặt tận nhà dân, trong giai đoạn đầu thí điểm danh sách các hộ này sẽ do địa phương khảo sát và người dân tự nguyện đăng ký. Thiết bị sẽ phát đi các thông tin, chính sách của TP, quận, phường.

Thời gian phát được chia làm các khung giờ cố định trong ngày. Ngoài chức năng phát thông tin, thiết bị này còn giúp người dân đăng ký sử dụng và trả phí trực tuyến tại nhà đối với các dịch vụ điện, nước...

Bên cạnh đó, người dân có thể gửi các ý kiến phản ánh, kiến nghị lên chính quyền thông qua thiết bị này.

Theo một cán bộ phường Thành Công (quận Ba Đình), đến nay phường đã thử nghiệm lắp thiết bị thông minh cho 50 hộ gia đình. Qua thử nghiệm thiết bị, bước đầu đã thu được tín hiệu tốt từ người dân.

"Thông tin theo hình thức này tạo thuận lợi cho người dân trong việc tiếp nhận thông tin cơ sở và tích hợp được nhiều hình thức trao đổi 2 chiều. Đặc biệt, không gây tiếng ồn như loa phường trước kia" - vị cán bộ này nói.

Thiếu tính cộng đồng

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, cũng có một số hộ không hài lòng với thiết bị này và cho rằng nó không hiệu quả bằng loa truyền thanh.

Thậm chí, ông Ch. cho rằng thiết bị này không bằng loa truyền thanh phường. Từ ngày phường bỏ loa truyền thanh, người dân khu phố không còn nắm bắt được các thông tin về nơi mình đang ở.

"Thiết bị này chỉ phục vụ những người già có thời gian rảnh rỗi không biết sử dụng internet hoặc những cán bộ dân phố như chúng tôi nghe xem có thông tin gì không để phổ biến lại.

Còn người dân họ sẽ không sử dụng bởi thông tin ít người quan tâm đến. Theo tôi, lắp thiết bị này gây lãng phí ngân sách" - ông Ch. nhận định.

Cùng quan điểm, ông Tô Văn Bốn (65 tuổi, Phó Bí thư Chi bộ khu phố 7, phường Thành Công) cho rằng thiết bị mới không mang tính phổ cập và cộng đồng cao. "Nhiều khi thiết bị mới phóng thanh ầm ầm, ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình.

Ngoài ra, thiết bị này có buổi phát buổi không, có khi mấy ngày mới phát một lần. Do vậy, nếu tắt đi lại không thể biết được khi nào phát mà vặn nhỏ thì rất khó nghe" - ông Bốn phàn nàn.

Cũng theo ông Bốn, gia đình ông cũng chưa thể thanh toán tiền điện, nước qua thiết bị mới. "Các ứng dụng vẫn chưa thể sử dụng bởi nó rắc rối. Thậm chí, nhiều gia đình người ta không thích còn cho tháo ra" - ông Bốn nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại