Dưa hành muối thì ăn quanh năm nhưng đây là món ngon ngày Tết rất được yêu thích. Thiếu đi món dưa hành dường như vị Tết chưa được trọn vẹn. Chẳng thế mà món ăn này trong câu đối xưa thể hiện được sự đủ đầy của dịp đón xuân mới.
"Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh"
Bao năm tháng qua đi, dù cuộc sống hiện đại có đổi thay và sơn hào hải vị phong phú đến mấy thì món ăn bình dị đậm chất truyền thống này vẫn được các cô, các bà, các mẹ xắn tay muối vài hũ để ăn dần vào ngày Tết.
Những thạp sành, hũ sứ được dùng để muối hành. Hành muối sao cho vừa đủ độ ngấu, trong veo, tép hành sáng bóng không nổi váng thì cũng cần đến nhiều bí quyết lắm. Người ta cứ bảo phải có “tay muối” hành thì hành mới giòn ngon và không bị ọp khú. Đấy là khi chị em chưa biết những mẹo nhỏ này mà thôi.
Trước kia, hành muối hay sử dụng hành ta củ trắng. Những tép hành căng mọng, trắng phau, cắn giòn ngon, chua đủ độ khiến bao người cảm thấy “nhức răng”. Độ chua ngọt, giòn ngon vừa phải giúp chống ngán siêu tốt mà cũng kích thích vị giác để ai nấy đều ăn ngon miệng hơn.
Giờ đây, nhiều người lại ưa muối hành tím, màu vừa đẹp, hương vị lại thơm ngon. Bởi vậy, ngoài những hũ dưa hành trắng truyền thống, chị em hãy thử muối hành tím để thưởng thức và bày cỗ thêm đẹp nhé.
Gợi ý cách muối dưa hành tím chua ngọt giòn ngon
Nguyên liệu cần thiết
Hành tím khô - 2kg (chọn củ già chắc)
Dấm táo Hàn Quốc - 800ml (dấm táo Hàn thơm và ngấu nhanh, hương vị cũng đặc biệt, tuy nhiên chị em có thể dùng bất cứ loại dấm nào mình thích)
Đường - 500g
Muối - 80g
Ớt tươi - 50g
Cách thực hiện
Hành tím nên chọn mua hành tím Lý Sơn, chất hành vừa thơm lại không bị hăng. Các loại hành lai mặc dù củ to đẹp nhưng muối lên ăn lại không thơm giòn như mong đợi. Ngoài ra, dùng hành tươi muối cũng được, chỉ là công đoạn có chút khác biệt mà thôi.
Cắt bỏ rễ hành, không cắt sâu vào lõi, nếu ngấm nước chúng sẽ bị ọp và không giòn. Lột vỏ lụa bên ngoài của hành. Rửa sạch với nước. Ớt rửa sạch.
Nhiều người khi muối hành thường ngâm hành với nước vo gạo để không bị hăng, nhất là với loại hành trắng. Nếu không chuẩn bị được nước vo gạo, chị em có thể dùng nước muối loãng ngâm hành khoảng 20-30 phút rồi vớt ra để ráo.
Phần nước muối dưa hành: Hoà tan dấm táo, đường và muối. Ở các công thức khác, nhiều người đun sôi hoặc dùng nước nóng rồi để nguội. Nhưng khuyên bạn không nên đun lên vì dấm táo đun lên sẽ bay mùi, không còn thơm nữa.
Xếp hành, ớt quả vào hũ sành, hũ thuỷ tinh, thạp gốm. Đổ phần nước muối dưa hành vào. Nhớ dùng vỉ tre để chèn hành không bị nổi lên. Không có vỉ, bạn có thể dùng các que xiên, gài thành hình chữ thập là giữ được hành cố định.
Đậy nắp kín và bảo quản ở nhiệt độ phòng. Sau ba ngày là có thể sử dụng được, cho vào tủ lạnh để dùng dần. Cách làm này có thể dùng muối dưa nhanh, những ngày cận Tết làm cũng được. Trước kia, lượng dấm ít hoặc muối thông thường, hành phải tầm 2 tuần mới ăn được vì còn hăng và cay. Muối dưa hành truyền thống, nhiều người muối cả vỏ ngoài, đến khi ăn mới bắt đầu lột vỏ.
Nhưng với lượng dấm táo đậm đặc hơn thì thời gian muối dưa hành được giảm xuống. Trong vòng 1 tuần là có thể thưởng thức được dưa hành muối giòn thơm rồi.
Thành phẩm dưa hành sau khi muối ăn giòn căng, tươi mùi hành nhưng không bị hăng, dậy nhẹ mùi dấm táo. Miếng hành chua ngọt vừa vặn, ăn kèm với bánh chưng rán, thịt đông hay bún thì ngon lắm.
Chúc chị em thành công với cách muối dưa hành tím chua ngọt này nhé!