Trung tâm Giám sát và điều khiển giao thông thông minh TP HCM đi vận hành từ đầu năm 2019 và là trung tâm đầu tiên trong cả nước đáp ứng 4 chức năng: giám sát giao thông, điều khiển đèn tín hiệu, cung cấp thông tin giao thông và hỗ trợ xử lý vi phạm trong khu vực nội đô.
Hiện thành phố có 775 camera giám sát giao thông và hệ thống đo đếm lưu lượng tại 118 vị trí, để thu thập, tính toán mật độ phương tiện và tự động đưa ra cảnh báo.
Ngoài ra, TP HCM cũng vận hành một loạt ứng dụng phần mềm theo hướng tăng cường tương tác với người dân thành phố, đường dây nóng 028.3915.3915 tiếp nhận thông tin hoạt động 24/24...
Tuy nhiên, do mật độ phương tiện rất đông nên TP HCM vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong xử lý phương tiện vi phạm. Hệ thống camera có thể ghi nhận hình ảnh, nhưng nếu người vi phạm không hợp tác thì việc lập hồ sơ xử lý vẫn rất khó khăn.
Do vậy, tại Hội nghị ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố do UBND TPHCM tổ chức ngày 26/10, các đại biểu tập trung thảo luận các biện pháp tăng cường công tác xử lý vi phạm trên cơ sở ứng dụng công nghệ.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, Công an TP HCM kiến nghị Bộ xem xét, chỉnh sửa một số nội dung trong Nghị định 46, có chế tài xử lý chủ phương tiện mạnh tay nếu không xác định được người gây tai nạn thay vì chỉ “yêu cầu hợp tác” như hiện nay.
Sở Giao thông vận tải cũng kiến nghị Bộ cho triển khai thí điểm việc xử phạt qua hình ảnh theo 6 bước. Trong đó, bước 5 là mời người vi phạm đến làm việc, xác lập hồ sơ xử lý theo quy định đóng vai trò quan trọng nhất.
Để buộc người vi phạm hoặc chủ phương tiện chấp hành việc xử lý vi phạm qua hình ảnh thì có thể treo cảnh báo từ chối đăng kiểm, không giải quyết thủ tục sang tên, di chuyển với phương tiện vi phạm.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, những kiến nghị này của TP HCM rất phù hợp với định hướng phát triển, tuy nhiên, cần xem xét kỹ để đảm bảo mang lại hiệu quả trên thực tế.
"Một thành phố thông minh là phải ứng dụng tốt công nghệ trong tất cả các ngành, trong đó có giao thông vận tải. TP HCM đã đề xuất 6 bước thì cơ quan trực thuộc Bộ xem đã chặt chẽ chưa, phần nào cần bổ sung. Tiếp thu để sửa Nghị định 46 chặt chẽ và khái quát cả nước.
Vì việc này ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội của thành phố nên chúng ta cần làm thận trọng", ông Thể nói./.