Hai mẹ con cùng mắc bệnh
BSCKII Cao Thị Ánh Tuyết, Phòng Tâm thần Nhi và thanh thiếu niên – Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, mới đây bác sĩ đã tiếp nhận điều trị cho một nam sinh đang học lớp 8 (sống tại Hà Nội) đi khám do có nhiều vấn đề lo lắng. Nam sinh có tính cách trầm, sống hướng nội.
Bệnh nhân thường hay lo lắng về vấn đề học tập, sợ các mối nguy hại xảy đến với bản thân mỗi khi ra đường, sợ đến lớp… Nam sinh đã xuất hiện các triệu chứng lo âu từ đợt dịch Covid-19 nhưng vẫn chưa đi khám.
Bệnh nhân có những hành động lạ, lặp đi lặp lại như: đóng cửa nhiều lần mới ra ngoài, cầm đồ vật lên rồi đặt xuống nhiều lần mới dám lấy hoặc sử dụng…
Ngoài ra, nam sinh xuất hiện thêm các triệu chứng khác trên cơ thể như: hồi hộp, run tay chân… Nam sinh đã được gia đình đưa đi khám và được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu.
Qua thăm khám và khác thác lâm sàng, nam sinh được chẩn đoán rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn nghi thức. Bệnh nhân được chỉ định sử dụng thuốc chống trầm cảm, tư vấn tâm lý. Hiện tại, tình trạng của bệnh nhân đã ổn định.
Bác sĩ Tuyết cho biết thêm, khi khai thác bệnh sử từ người mẹ, bác sĩ còn phát hiện ra chính bản thân mẹ cũng đang bị rối loạn lo âu. Mẹ của nam sinh có những căng thẳng lo âu quá mức liên quan tới con. Mẹ nam sinh cũng có một số triệu chứng cơ thể như: đau đầu, run tay chân, hồi hộp, đánh trống ngực... Mẹ bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn lo âu lan tỏa và cũng được tư vấn dùng thuốc.
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hường, Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), lo âu là cảm xúc bình thường của con người nhưng lo âu quá mức sẽ trở thành bệnh lý.
Khi con cái mắc rối loạn lo âu, ngoài việc điều trị cho con thì gia đình cũng cần phối hợp thay đổi. Nguyên nhân là do sự lo âu từ bố mẹ cũng có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề lo âu của con trẻ. Trẻ sinh ra và lớn lên trong môi trường bố mẹ có tính cách lo âu, kỳ vọng cao cũng sẽ bị ảnh hưởng. Kỳ vọng từ bố mẹ có thể khiến trẻ bị căng thẳng và dẫn tới rối loạn lo âu.
Rối loạn lo âu gia tăng ở trẻ
Theo BSCKII Nguyễn Hoàng Yến, Phòng Tâm thần Nhi và thanh thiếu niên – Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), rối loạn lo âu là tình trạng lo lắng, sợ hãi quá mức không tương xứng với mối đe dọa trong thực tế.
Thống kê của CDC về sức khỏe tâm thần trẻ em ở Hoa Kỳ năm 2016 – 2019 cho thấy, các vấn đề rối loạn lo âu, hành vi và trầm cảm là những chẩn đoán phổ biến nhất ở trẻ em. Trong đó, 9,4% trẻ mắc rối loạn lo âu và trẻ em từ 12 - 17 tuổi là nhóm có tỷ lệ mắc rối loạn lo âu cao nhất.
Bác sĩ Hoàng Yến cho hay, rối loạn lo âu có liên quan tới rất nhiều yếu tố như: Các yếu tố sinh học thần kinh; Yếu tố di truyền; Các yếu tố xã hội và môi trường (bố mẹ thường xuyên lo âu, có hành vi ngược đãi, hành vi lạm dụng...).
Triệu chứng rối loạn lo âu
Trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên mắc rối loạn lo âu thường có triệu chứng né tránh các hoạt động học tập và xã hội. Trẻ có thể tìm kiếm sự trấn an quá mức về những điều tồi tệ đã xảy ra.
Khi mắc rối loạn lo âu, trẻ có thể bị mất tập trung trong lớp hoặc gặp khó khăn trong việc hoàn thành các bài kiểm tra trong thời gian quy định, dẫn đến kết quả học tập kém.
Trẻ mắc rối loạn lo âu cũng có thể gặp một số triệu chứng như: đau đầu, chóng mặt, khó nuốt, lo lắng về việc mắc nghẹn, nôn hoặc buồn nôn, đau ngực, khó thở, đau dạ dày, tê và ngứa ran ở ngón tay hoặc ngón chân do thở gấp hoặc biểu hiện đau kịch tính.
Theo bác sĩ Yến, trẻ mắc rối loạn lo âu có những hành vi thay đổi như chống đối, rối loạn ăn uống, gặp các vấn đề về giấc ngủ.
Trẻ mắc rối loạn lo âu tiến triển nặng có thể xuất hiện ý tưởng hoặc hành vi tự sát.
Một số trường hợp trẻ mắc rối loạn lo âu nhưng tỏ ra rất bình thường. Đây là trường hợp trẻ che giấu chứng rối loạn lo âu.
Để điều trị rối loạn lo âu cho trẻ em và thanh thiếu niên, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng thuốc và tư vấn tâm lý. Ngoài ra, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị thêm các rối loạn mắc kèm theo rối loạn lo âu (nếu có).