Theo một số website và trang Facebook về nông sản, giá dưa chuột (loại ngon, giòn, thơm mát) tại thị trường Hà Nội vào ngày 11/1/2019 khoảng 35.000 đồng/kg.
Trên thế giới cũng vậy, dưa chuột là loại rau củ không quá đắt đỏ, giá dưới 3 USD/kg (khoảng 70.000 đồng).
Tuy nhiên, có một loại dưa chuột khác đắt như điên, lên tới 3000 USD/kg (suýt 70 triệu đồng) - chỉ khác ở chỗ, nó không phải rau củ, cũng không thể gieo hạt xuống đất chờ ngày thu hoạch. Đó chính là dưa chuột biển (sea cucumber), ở Việt Nam thường được gọi là hải sâm.
Cùng là "dưa chuột" tại sao giá cả lại chênh nhau đến 100 lần?
Hải sâm, loại "dưa chuột" siêu đắt giá đến từ đại dương
Phàm là những thứ sản vật có giá trị, người ta sẽ liều mạng vì nó và hải sâm đã khiến không ít thợ lặn phải trả giá đắt dù chỉ bắt được 1 - 2 con.
Hải sâm là một trong những loài vật kỳ lạ nhất hành tinh. Chúng không có chi, không có mắt, chỉ có miệng và hậu môn cùng một loạt cơ quan bên trong cơ thể tròn ung ủng y hệt quả dưa chuột.
Một bữa tiệc đám cưới xa xỉ toàn hải sâm ở Trung Quốc
Tuy cùng một kết cấu cơ thể, hải sâm có con nhẵn, có con lại xù xì gai góc đến đáng sợ. Tuy vậy, loài vật lạ đời này đã trở thành đặc sản ở châu Á trong nhiều thế kỷ, chuyên xuất hiện trên bàn tiệc của tầng lớp thượng lưu, nơi hải sâm sẽ đi liền với bào ngư.
Mãi đến những năm 1980, nhu cầu về hải sâm trên toàn thế giới mới bùng nổ. Chúng thường được săn bắt, làm sạch sau đó sấy khô rồi đóng gói trong bao bì sang trọng dùng làm quà biếu.
Điều khá hài hước về giá bán của hải sâm chính là: Loại nào càng gai góc, giá càng cao!
Trên thế giới có khoảng 1250 loài hải sâm khác nhau, hải sâm Nhật Bản được cho là có phẩm chất cao nhất.
Với giá bán lên tới 3000 - 3500 USD/kg, thực khách thưởng thức hải sâm tại các nhà hàng sang trọng sẽ phải chi khoảng 170 USD/đĩa (khoảng 4 triệu đồng). Vị của hải sâm không quá đặc biệt, dù dai nhưng vẫn giòn.
Lý do chính khiến hải sâm trở nên đắt giá vì chứa hàm lượng glycosaminoglycan rất cao, chất này giúp điều trị các vấn đề về viêm khớp trong nhiều thế kỷ qua. Còn mới đây, các nhà khoa học đã dùng chiết xuất từ hải sâm để triều trị một số bệnh ung thư và giảm cục máu đông.
Với sự quan tâm của các công ty dược phẩm, nhiều quốc gia đã tham gia vào cuộc chiến hải sâm. Từ Morocco, Mỹ cho đến Papua New Guinea đều muốn thống lĩnh thị trường hải sâm thế giới.
Từ năm 1996 đến năm 2011, số quốc gia xuất khẩu hải sâm tăng đột biến từ 35 lên 83. Đáng buồn thay, đây là họa lớn đối với hải sâm.
Ở Mexico, các thợ lặn đã bó tay khi sản lượng hải sâm thu hoạch được tụt 95% chỉ trong 2 năm (2012 - 2014). Do đó, hải sâm càng hiếm, chúng càng đắt đỏ - các thợ lặn lại phải xuống những vực nước sâu hơn và rõ ràng sẽ nguy hiểm hơn nhiều. Một số tộc người chuyên lặn biển để săn bắt hải sâm hầu như đều bị điếc hoặc bại liệt vì áp lực nước và thiếu oxi.
Có thể bạn đang thắc mắc, vì sao không gây giống rồi nuôi công nghiệp hải sâm? Nhiều nước đã thử nghiệm mô hình chăn nuôi hải sâm nhưng hầu hết đều thất bại, chủ yếu vì ấu trùng hải sâm rất yếu ớt, những con sống sót đến khi đủ trưởng thành cần từ 2 - 6 năm. Qúa lâu và quá nhiều rủi ro.