Đó là nội dung trọng tâm mà Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Quốc phòng, nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với chúng tôi.
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng.
Phóng viên (PV): Dự trữ nguồn lực sẵn sàng đáp ứng các tình huống xảy ra là việc rất cần thiết với mọi quốc gia. Thời gian qua, chúng ta đã triển khai công tác này như thế nào, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Muốn xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại thì phải xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng, tinh nhuệ, với yêu cầu được huấn luyện thành thục các kỹ năng về vũ khí trang bị (VKTB).
VKTB kỹ thuật của Quân đội ta hiện nay chủ yếu là từ thời Liên Xô (trước đây) và các nước XHCN cũ. Vì vậy, việc duy trì, bảo quản, tăng hạn để giữ "sức sống" cho hệ thống vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật là vô cùng quan trọng.
Tình hình đó đòi hỏi phải bảo đảm dự trữ quốc gia để dự phòng cho các tình huống xảy ra. Có nhiều trường hợp dù có tiền cũng không thể muốn mua là có ngay, nhất là các loại vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật quân sự.
Cụ thể, muốn đặt mua một mặt hàng nào đó để thay thế thì phải thực hiện rất nhiều thủ tục đầu tư theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng. Từ khi triển khai các bước thủ tục cho đến lúc hàng hóa thiết bị về tới Việt Nam mất hàng năm trời.
Như vậy, nếu không có sẵn trong trang bị được dự trữ sẽ không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ SSCĐ của quân đội.
PV: Trong điều kiện khó khăn về ngân sách, vấn đề huy động nguồn lực để bảo đảm tốt nhất và kịp thời nhất cho các tình huống đã được ngành dự trữ quốc gia trong quân đội giải quyết thế nào?
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Từ trước đến nay, quan điểm của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng là dự trữ chủ yếu từ các cơ quan chiến lược, nhất là các tổng cục, các quân chủng, binh chủng.
Các cơ quan chiến lược dự trữ một lượng VKTB, khí tài trên cơ sở nắm bắt tình hình hoạt động của toàn quân, để lựa chọn chủng loại cần thiết phải mua sắm, dự trữ. Vừa qua, Cục Kế hoạch và Đầu tư-Bộ Quốc phòng đã chủ động đề xuất thêm các trang thiết bị đáp ứng cho những lực lượng và yêu cầu nhiệm vụ mới, như lực lượng Cảnh sát biển.
Qua thực tiễn hoạt động và để bảo đảm tính liên tục khi thực thi pháp luật trên biển thì không thể không có dự trữ thiết bị. Công tác dự trữ quốc gia trong quân đội luôn nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của các bộ, ngành, nhất là Bộ Tài chính mà trực tiếp là Tổng cục Dự trữ nhà nước.
Tuy vậy, do ngân sách còn khó khăn, nên nguồn lực bảo đảm vẫn còn thấp nhiều so với nhu cầu thực tế. Vì vậy, các quân chủng, binh chủng cũng phải huy động thêm các nguồn khác nữa để đáp ứng tốt nhất cho yêu cầu, nhiệm vụ.
Kiểm tra chất lượng hàng dự trữ cho quốc phòng, bảo đảm sẵn sàng cung cấp khi có tình huống xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh do đơn vị cung cấp.
PV: Nghĩa là cần phải có sự tính toán rất chặt chẽ, khoa học trong việc lựa chọn loại vũ khí, trang bị vật tư, kỹ thuật để ưu tiên dự trữ, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Nguồn kinh phí bảo đảm cho công tác dự trữ còn hạn hẹp, trong khi yêu cầu nhiệm vụ rất lớn, vì vậy, theo chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Thủ trưởng Bộ Quốc phòng là căn cứ tình hình hoạt động của toàn quân, phải rà soát rất chặt chẽ, tính toán, chọn lọc xác định mặt hàng nào là quan trọng nhất, bức thiết nhất để báo cáo Nhà nước theo thứ tự ưu tiên.
Quy trình tổ chức mua sắm của các tổng cục, quân chủng, binh chủng bảo đảm nguyên tắc chặt chẽ, minh bạch, công khai theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng.
PV: Vậy quy trình xây dựng kế hoạch mua sắm hàng dự trữ quốc gia cho quốc phòng được thực hiện như thế nào?
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao bảo đảm cho toàn quân, các đơn vị đầu mối được giao nhiệm vụ dự trữ lập kế hoạch đề xuất danh mục hàng dự trữ quốc gia.
Cục Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng để xem xét về thứ tự ưu tiên, chủng loại, số lượng hàng hóa, VKTB, vật tư kỹ thuật báo cáo Thủ trưởng Bộ Quốc phòng để báo cáo Nhà nước trong năm kế hoạch.
PV: Ngành dự trữ quốc gia trong quân đội làm thế nào để bảo đảm được các mặt hàng dự trữ đều có thể sẵn sàng sử dụng tốt ngay khi có tình huống xảy ra?
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Ngoài việc phân bổ hàng dự trữ trên các vùng, miền, khu vực hợp lý để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra, ngành dự trữ quốc gia trong quân đội còn thường xuyên theo dõi, chỉ đạo thực hiện việc luân phiên đổi hàng, bảo quản, bảo trì, bảo dưỡng, chống xuống cấp, bảo đảm các mặt hàng, VKTB trong kho dự trữ lúc nào cũng trong tình trạng sẵn sàng sử dụng được ngay.
Để công tác dự trữ bảo đảm tốt được yêu cầu đặt ra trong thời gian tới, Cục Kế hoạch và Đầu tư sẽ thực hiện tốt chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tiếp tục tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng để lựa chọn tốt nhất các mặt hàng dự trữ quốc gia cho thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng trên cơ sở kế hoạch, chỉ tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Quốc phòng phê duyệt.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!