Dự thảo TCVN về nước giải khát: Đục thêm lỗ khóa trên một cánh cửa hẹp?

Hương Nguyễn |

Phiên bản trở lại của môt tiêu chuẩn đã được gỡ bỏ hơn 25 năm do thiếu phù hợp với thực tiễn có thể đánh mất động lực đầu tư của các công ty nước giải khát, đồng thời gây chồng chéo trong quản lý điều hành.

Một cánh cửa, nhiều ổ khóa

Sau hội thảo đầu tiên lấy ý kiến của các chuyên gia, cá nhân, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan tại TP. Hồ Chí Minh, Dự thảo ‘tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về nước giải khát’ cho thấy có khá nhiều dấu hỏi trong việc cần thiết hay không phải ban hành một tiêu chuẩn mới, khi các văn bản hiện hành đang chứng minh hiệu quả tốt trong cả mặt quản lý và thực hiện.

Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất là định nghĩa và việc khoanh vùng đối tượng điều chỉnh của tiêu chuẩn này. Cụ thể, Thạc sỹ Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết đồ uống không cồn nói chung và nước giải khát nói riêng là nhóm đối tượng phải tuân thủ các quy định chung về an toàn thực phẩm.

Theo đó, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm này bắt buộc phải tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 6-2:2010/BYT (ban hành theo Thông tư số 35/2010/TT-BYT ngày 2/6/2010 của Bộ Y tế quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống không cồn) và xem xét tuân thủ TCVN 7041:2009 (Đồ uống không cồn – quy định kỹ thuật).

Dự thảo TCVN về nước giải khát: Đục thêm lỗ khóa trên một cánh cửa hẹp? - Ảnh 1.

Nước giải khát có đường trở thành đối tượng điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật hiện hành.

Cùng quan điểm trên, công văn góp ý dự thảo TCVN về Nước giải khát của Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam phân tích thêm rằng, một nhóm sản phẩm như trên đang tồn tại 2 tên gọi khác nhau, với quy định hiện hành định danh là "đồ uống không cồn", trong khi dự thảo đưa tên gọi mới là "nước giải khát". Nếu dự thảo được ban hành, nhóm sản phẩm này sẽ cùng lúc chịu sự điều tiết của 3 quy định, nhưng dưới các tên gọi không thống nhất.

Không dừng lại ở đó, đối tượng điều chỉnh của dự thảo này nếu dẫn chiếu đến Bộ tiêu chuẩn Codex Stan 192-1995 của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế, thì việc sử dụng các thuật ngữ cũng như cách giải thích và định nghĩa thuật ngữ lại cho thấy tính thiếu thống nhất, thậm chí nằm ngoài tiêu chuẩn chung. Sự thiếu phù hợp, tương thích với quy định và thông lệ quốc tế của dự thảo cũng gây ra lo ngại gây khó cho các doanh nghiệp.

Từ bối rối thực thi đến gia tăng chi phí

Trong suốt nhiều năm qua, Chính phủ và các bộ ngành đã có nhiều biện pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí, thủ tục đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam gia nhập nhiều hiệp định tự do thương mại và độ mở của nền kinh tế ngày càng cao. Tuy nhiên, đâu đó, vẫn còn những quy định gây ra sự trùng lặp đáng tiếc, thể hiện sự bối rối của chính các cơ quan xây dựng chính sách, kéo theo nỗi lo cho các doanh nghiệp trong ngành.

Với một đối tượng, sản phẩm, nhưng có nhiều quy định pháp luật điều tiết cho thấy sự chồng chéo về quản lý nhà nước; không thể hiện được ý nghĩa và hiệu quả quản lý, thậm chí đi ngược lại với thông lệ quốc tế. Về phía các đơn vị quản lý khi thực hiện thanh kiểm tra và doanh nghiệp khi sản xuất, các văn bản luật chồng chéo này gây khó cho công tác áp dụng; trong khi xét trên lợi ích xã hội, chi phí cũng sẽ tăng lên rất cao.

Đơn cử, về mặt phân loại, dưới góc phân tích của Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam, dự thảo chia nước giải khát thành 6 loại, trong khi Bộ tiêu chuẩn quy chuẩn phân loại đồ uống không cồn chỉ nhắc tới 3 loại. "Những mâu thuẫn chồng chéo như vậy sẽ khiến doanh nghiệp không biết thực thi thế nào cho phù hợp. Họ nên gọi, phân loại, dán nhãn sản phẩm như thế nào, dùng thuật ngữ Nước giải khát hay Đồ uống không cồn để chỉ sản phẩm của mình?", Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam đặt câu hỏi.

Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam và các doanh nghiệp trong ngành này cho rằng Dự thảo ‘tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về nước giải khát’ mâu thuẫn với Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm ("Nghị định 15"): Tại Phụ lục IV, Nghị định 15, Nước giải khát được phân thành 3 nhóm (Đồ uống đóng hộp, bao gồm nước ép rau, quả; Nước giải khát cần pha loãng trước khi dùng; và Nước giải khát dùng ngay). Cách phân loại trong Dự thảo (chia thành 6 nhóm) hoàn toàn mâu thuẫn với Nghị định của Chính phủ, khiến cho phạm vi điều chỉnh rất khác nhau.

"Trong bối cảnh các bộ, ngành rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục thì việc ban hành thêm văn bản như vậy đi ngược với xu hướng cải cách, tạo thêm rào cản bất hợp lý, gây tổn thất thêm chi phí của doanh nghiệp".

Thạc sỹ Nguyễn Minh Thảo, CIEM.

Từ đây, việc thanh kiểm tra dựa trên nhiều văn bản pháp luật sẽ kéo dài thời gian của các cơ quan quản lý, thêm chi phí trong quá trình giám sát thực thi. Còn với doanh nghiệp, các chi phí tuân thủ sẽ được tính thêm vào giá thành sản phẩm, làm gia tăng thêm giá bán, khiến hàng hóa khó cạnh tranh và người tiêu dùng cuối cùng sẽ là đối tượng chịu thiệt hại nhiều nhất.

Vì vậy, Thạc sỹ Nguyễn Minh Thảo cho rằng trong bối cảnh Chính phủ đang rà soát, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí, gánh nặng quy định và thủ tục đối với doanh nghiệp…, việc ban hành thêm một văn bản trùng lắp như dự thảo TCVN có nguy cơ gây khó cho doanh nghiệp và tăng chi phí xã hội như vậy rõ ràng là không phù hợp.

Thực tế cũng đã chứng minh, sự chồng chéo trong các tiêu chuẩn thiếu tính thực tiễn đã khiến không ít văn bản được ban hành nhưng không được áp dụng trong thực tế. Năm 1994, TCVN 5042:1994 (TCVN về nước giải khát), một tiêu chuẩn gần giống với dự thảo này, đã bị loại bỏ vì không phù hợp với quá trình vận động, phát triển và thông lệ quốc tế của ngành đồ uống không cồn.

Trong các ngành khác, tình trạng tương tự cũng từng xảy ra, như TCVN 5756:2001 về Mũ bảo vệ cho người đi mô tô và xe máy, TCVN 6979:2001 về Mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông trên mô tô và xe máy, … cũng đã bị hủy bỏ vì không phù hợp với thực tế vận hành ở Việt Nam. Tình trạng này xảy ra sẽ dẫn đến việc hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật của quốc gia không được đánh giá cao, khó thực thi quản lý chất lượng sản phẩm.

Hiện nay, các doanh nghiệp trong và ngoài nước vẫn mong đợi hội thảo ghi nhận ý kiến tiếp theo cho Dự thảo TCVN về nước giải khát được tổ chức tại Hà Nội để tiếp tục có ý kiến và hi vọng ý kiến của doanh nghiệp sẽ được cơ quan soạn thảo tiếp thu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại