Hệ thống phòng thủ dày đặc
Trong khi Mỹ tự tin sẽ bắn hạ thành công bất kì tên lửa nào của Triều Tiên trong vùng biển Mỹ quanh đảo Guam, các chuyên gia lại tỏ ra khá lo lắng vì có thể hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ thất bại vì nhiều lí do.
Ngày thứ 5 (10/8) vừa qua, Bình Nhưỡng tiếp tục lên tiếng, khẳng định đã lên kế hoạch phóng "cùng lúc 4 tên lửa Hwasong-12" vào đảo Guam.
Trả lời CNN, Adam Mount, chuyên viên cấp cao tại Trung tâm Phát triển Mỹ (CAP), cho biết quân đội Mỹ có thể sử dụng hệ thống phòng thủ THAAD hoặc các tàu khu trục Aegis để đánh chặn tên lửa Triều Tiên.
THAAD, hoặc Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối, là một trong những trang bị chủ lực của Mỹ trong việc đánh chặn các mối đe dọa từ nước ngoài. Theo ông Mount, nhiều lớp phòng thủ tên lửa đã được trang bị quanh đảo Guam, và sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khu vực này.
Hệ thống Chiến đấu Aegis có thể đánh chặn tên lửa Triều Tiên từ xa. Ảnh: CNN
Tuy nhiên, Bruce Bennett, chuyên gia phân tích quốc phòng của Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Rand Corporation, lại cho rằng Tổng thống Donald Trump nên xem xét cẩn thận hệ thống phòng thủ bởi:
"Các hệ thống vẫn chỉ được thử nghiệm chứ chưa bao giờ được đem ra thực chiến – có thể nó sẽ đánh chặn được tên lửa Triều Tiên, có thể không, chẳng ai biết chắc cả. Hãy nhìn những nhà sản xuất điện thoại, họ thí nghiệm và kiểm tra sản phẩm nhiều hơn Mỹ thí nghiệm THAAD cả ngàn lần, nhưng thỉnh thoảng vẫn có vài chiếc phát nổ."
Ông Mount phân tích, việc Mỹ cố gắng đánh chặn tên lửa Triều Tiên chính là điều ông Kim Jong-un mong đợi, bởi chỉ cần để lọt 1 trong 4 quả thôi, danh dự quân đội Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Hệ thống THAAD mới được đưa vào sử dụng tại Hàn Quốc có thể sẽ không thể chặn được tên lửa tấn công Guam, nhưng có thể nhanh chóng phát hiện được nó bằng hệ thống radar tân tiến.
Chuyên gia Bennett bình luận:" Hệ thống THAAD trên đảo Guam được thiết kế để đánh chặn nhiều mục tiêu cùng lúc, nên có khả năng cao nó sẽ hoạt động hiệu quả."
Tuy nhiên, tỉ lệ thành công còn phụ thuộc vào khoảng cách giữa THAAD và tên lửa, vì tầm hoạt động của THAAD chỉ ở khoảng 200km. Tên lửa tiến tới càng gần, hệ thống càng gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, các tàu khu trục Mỹ được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis có thể bắn hạ tên lửa Triều Tiên ở khoảng cách xa hơn, trước khi tên lửa quay trở lại khí quyển Trái Đất.
Carl Schuster, giáo sư Đại học Hawaii Pacific và là cựu giám đốc tại Trung tâm Tình báo của Bộ Tư lệnh Mỹ khu vực Thái Bình Dương, cho biết một tàu khu trục Aegis có thể hạ được 2 quả tên lửa cùng lúc.
Mục đích thực sự của Triều Tiên
Để đáp lại các cuộc thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên, quân đội Mỹ đã thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa vào tháng 5 và thêm nhiều lần nữa vào tháng 7, và sau đó cũng thừa nhận có một lần thử nghiệm thất bại.
Việc Bình Nhưỡng đe dọa phóng nhiều tên lửa cùng lúc vào đảo Guam có thể là một hành động cố ý, thách thức khả năng thực sự của hệ thống phòng thủ Mỹ.
Theo ông Mount: "Không phải ngẫu nhiên mà Triều Tiên tuyên bố phóng 4 tên lửa vào Guam. Chính việc này đã làm Mỹ bối rối khi đưa ra các nước đi tiếp theo.
Nếu 1 tên lửa vượt được lớp phòng thủ Mỹ, Triều Tiên sẽ thắng lớn, và thông điệp ‘quân đội Mỹ yếu kém’ sẽ được ngầm gửi đến khắp các quốc gia trên thế giới. Bởi vậy, Mỹ bắt buộc phải đánh chặn thành công cả 4 quả tên lửa nếu không muốn chuyện này xảy ra."
Tuy nhiên, ông Bennett lại lạc quan cho rằng nếu phòng thủ thất bại thì cũng không đáng ngại, bởi đây mới chỉ là lần đầu thực chiến, còn nếu thành công 100% thì đây là tín hiệu rất đáng mừng cho quân đội Mỹ.