Trong hai ngày giữa tuần trước, hai viện Quốc hội Mỹ đã thông qua Dự luật dân chủ Hong Kong: Ngày 19/11, tại Thượng viện (100% phiếu) và 20/11, tại Hạ viện (417 phiếu thuận/1 phiếu chống).
Dự luật yêu cầu Chính phủ Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những cá nhân vi phạm dân chủ, nhân quyền ở Hong Kong và hàng năm phải xem xét lại qui chế thương mại đặc biệt dành cho thành phố này.
Câu hỏi đầu tiên đặt ra là liệu Tổng thống Trump có phê chuẩn và ký Dự luật này hay không.
Các cuộc biểu tình ở Hong Kong đã kéo dài 7 tháng. Trong quá trình đó, Tổng thống Trump đã từng nói tin tưởng Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có cách xử lý phù hợp. Ta hiểu, hàm ý của phát ngôn này là ông Trump sẽ không can thiệp vào vấn đề Hong Kong.
Nhưng bối cảnh hiện nay đã khác: Bạo lực gia tăng ở Hong Kong từ cả hai phía và đặc biệt là việc hai viện Quốc hội Mỹ thông qua với số phiếu gần như tuyệt đối - là một động thái hiếm, khi hai đảng Cộng hòa và Dân chủ phân hoá sâu sắc như hiện nay.
Chỉ đơn thuần số phiếu gần tuyệt đối trên cho thấy Quốc hội đủ đa số 2/3 để lật lại nếu Tổng thống định phủ quyết. Do vậy, dự kiến Tổng thống Trump sẽ ký Dự luật dân chủ Hong Kong thành Luật. Nhưng ngay cả việc ký khi nào, thực hiện ra sao, cũng sẽ là những tính toán chính trị.
Việc ký Dự luật thành Luật chắc chắn sẽ đặt ra nhiều câu hỏi đối với quan hệ Mỹ - Trung vốn đã rất phức tạp.
Dù thế nào, về nguyên tắc và thể diện, Trung Quốc không thể không phản ứng mạnh. Hong Kong là thử thách phức tạp với cả Trung Quốc và Chủ tịch Tập Cận Bình, vừa là vấn đề mô hình "một nước hai chế độ", lại vừa là vấn đề Trung Quốc coi là nội bộ.
Điều này làm cho Trung Quốc khó có thể ký kết hay thoả thuận gì với Mỹ vào lúc này, kể cả thỏa thuận thương mại giai đoạn một được cho là đang được hoàn tất. Đó là chưa kể, Trung Quốc có thể phải tính cả việc trả đũa, dù là hình thức, để chứng tỏ mình.
Chỉ vài tiếng sau khi Thượng viện Mỹ thông qua Dự luật về Hong Kong, ngày 20/11, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu tập ông William Klein, Quyền Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, trao công hàm phản đối và tuyên bố "Trung Quốc sẽ đưa ra các biện pháp phản đối mạnh mẽ nhất, và Mỹ phải gánh mọi hậu quả".
Đây là lần thứ hai Trung Quốc triệu tập đại sứ Mỹ và yêu cầu nước này "chấm dứt can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc".
Như vậy, chỉ bằng việc ký ban hành Luật này, thì điều này chắc chắn cũng ảnh hưởng quan hệ hai nước. Và, hệ lụy với quan hệ hai nước còn lâu dài, vì nó đã trở thành luật.
Cũng cần lưu ý, đầu tháng 10/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã từng ban hành sắc lệnh trừng phạt 28 tổ chức của Trung Quốc liên quan đến vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
Tuy nhiên, việc thực hiện Luật (với các nội dung nêu trên) còn tùy thuộc vào cách triển khai của chính quyền Trump, nhất là xem xét trừng phạt đối tượng nào của Trung Quốc.
Dự báo chung là Tổng thống Trump sẽ không để quan hệ hai nước bị gián đoạn hẳn vì việc này. Tổng thống Trump còn muốn chơi tiếp cuộc chơi của mình với Trung Quốc. Và còn đó câu chuyện luận tội và cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2020. Đó là tình thế hóc búa của Trump.
Do vậy, trong triển khai, Chính quyền Trump sẽ tính toán sao cho vừa trang trải được với Quốc hội Mỹ, vừa có thể dùng làm sức ép với Trung Quốc. Nhưng sẽ áp dụng một cách có giới hạn, để giữ cửa quan hệ và tiếp tục triển khai các chính sách hiện nay với Trung Quốc.
Không riêng Tổng thống Trump, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng phải xử lý với cái khó là: Không thể không phản ứng về Hong Kong, nhưng Trung Quốc cũng không muốn đẩy cuộc chiến thương mại căng thêm nữa, điều đang làm Trung Quốc bất lợi.
Tuy đứng trước vấn đề hóc búa, nhưng hai bên hôm nay cũng vẫn đưa ra tín hiệu tích cực về thương mại: Tổng thống Trump nói thỏa thuận thương mại giai đoạn một đang đến gần, còn Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc không muốn một cuộc chiến tranh thương mại.
Giữa lúc dự luận còn đang dự báo về khả năng liệu Tổng thống Trump ký hay không ký phê chuẩn Dự luật này, thì Trump bỗng có một phát biểu rất bất ngờ mà báo chí cho rằng Tổng thống thậm chí có thể phủ quyết Dự luật, vì nó có thể ảnh hưởng tới cuộc đàm phán về thương mại với Trung Quốc.
Thứ Sáu, ngày 22/11/2019, trên Kênh truyền hình Fox News, ông Trump đã phát biểu trong đó có đoạn đáng chú ý: "Tôi đứng cùng Hong Kong, đứng về phía tự do... Song chúng ta cũng đang trong giai đoạn có thể làm nên một thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử. Và nếu chúng ta có thể làm được thì đó sẽ là điều vĩ đại."
Nhà Trắng sau đó bắn tin rằng Tổng thống sẽ xem xét kỹ Dự luật và các khía cạnh trước khi quyết định. Chưa ai có thể đoán định được rõ ràng ý đồ của Tổng thống Trump, rằng ông sẽ phủ quyết thật hay đó chỉ là một "miếng đánh", "một cuộc chơi" của Trump, với cả Trung Quốc và nền chính trị Mỹ.
Từ những diễn biến này có mấy điểm cần lưu ý:
Thứ nhất, thỏa thuận thương mại mà Trump nói, thực ra lúc này mới chỉ là "giai đoạn một" và không hề "vĩ đại" gì để phải đánh đổi lớn như vậy.Liệu Trung Quốc có tin Trump toàn tâm toàn ý cho thỏa thuận thương mại với Trung Quốc? Chắc chắn không. Nhưng Trung Quốc sẽ khai thác tối đa phát biểu trên của Trump, dù cơ hội 50/50, vì sẽ rất không hay nếu Mỹ có một Đạo luật về Hong Kong như vậy.
Thứ hai, nếu Trump phủ quyết, về mặt lý thuyết, với số phiếu tuyệt đối vừa qua, Quốc hội hoàn toàn có thể đủ số phiếu 2/3 để lật lại quyết định của Tổng thống và áp đặt việc đưa Dự luật thành Luật có hiệu lực. Và Trump cũng biết điều đó.
Nhưng, chỉ bằng việc tuyên bố lửng lơ như vậy, cũng đã là đòn cân não nặng đối với nền chính trị Mỹ, với cả hai phía Dân chủ và Cộng hòa. Đã có những phản ứng của một số nhân vật từ hai đảng, nhưng cũng không phải là làn sóng mạnh như lẽ ra thường phải có. Có lẽ ngay các chính trị gia của nước Mỹ cũng phải chờ thêm, để hiểu về phát ngôn và hành động của Trump.
Đúng là, Trump rất khó đoán. Nhưng có thể nói rằng, Tổng thống Mỹ tuyên bố như trên là hoàn toàn có chủ ý. Và tuy cũng chưa phải gấp gáp nhưng Trump rồi cũng sẽ phải có quyết định. Vì vậy, còn thời gian, Trump sẽ dùng đòn cân não để rung các bên và lượng định cách đi nào là tốt nhất cho mình.
Có lẽ tình hình sẽ đúng như Trump đã nói: Vừa muốn đứng về Hong Kong, vừa muốn đứng với Tập và thúc đẩy thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Hay, đúng hơn là: Trump đang dọn chỗ để có thể ký Dự luật Hong Kong, mà không quá mếch lòng Trung Quốc, trong khi vẫn giữ được cuộc chơi lâu nay của mình với Trung Quốc.
Vậy, ở bối cảnh khó có thể phủ quyết dự luật, điều gì có thể làm đỡ mếch lòng Trung Quốc? Đó là: Với tư cách hành pháp, Trump có rất nhiều quyền trong triển khai Dự luật Hong Kong khi trở thành Luật, kể cả là "giơ cao đánh khẽ". Và, Trung Quốc biết điều này. Mặt khác, rõ ràng Trump đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc để có thể đạt được một thỏa thuận thương mại.
Nhưng phải nhìn nhận rằng, lâu lắm rồi, nước Mỹ mới có và dám đưa ra các quyết định và các biện pháp trừng phạt với Trung Quốc - nước đã và đang vươn lên mạnh mẽ, muốn viết lại luật lệ và chia sẻ quyền lực lãnh đạo thế giới.
Đây lại là câu chuyện giữa hai cường quốc số 1 và số 2, trong một thế giới đang hết sức biến động thì còn đáng quan tâm hơn nữa. Trừng phạt, lâu nay, vốn là biện pháp của kẻ mạnh, trên thế, trên phân. Thế nên, câu chuyện đặt ra là: Việc Mỹ dùng trừng phạt với Trung Quốc liệu có còn hiệu lực hay không? Đó mới thực sự là câu chuyện với nước Mỹ!
Nếu câu trả lời là không hoặc không rõ, thì chỉ điều đó thôi đã lại khẳng định thêm: Thế giới vẫn đang thay đổi và các cuộc chơi cũng đang thay đổi!
Nhưng vào lúc này, đó vẫn đang là cuộc chiến thương mại đan xen với cạnh tranh chiến lược. Một cuộc chơi mà xem ra Mỹ vẫn đang giữ quyền chủ động.