Dự luật cho người chuyển giới: 3 năm vẫn tiếp tục... chờ

Yến Nhi |

Bộ luật Dân sự sửa đổi năm 2015 đã đặt mốc quan trọng đối với của người chuyển giới bằng việc thừa nhận quyền của người chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, sau 3 năm, dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính vẫn chưa được trình lên Quốc hội, người chuyển giới vẫn mòn mỏi chờ đợi và trì hoãn việc được hưởng các quyền công dân căn bản của mình.

Tại Hội thảo báo chí về Luật cho người chuyển giới được tổ chức sáng 2/11 tại TPHCM, khi được hỏi về số liệu thống kê cụ thể về người chuyển giới tại nước ta, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết tính đến thời điểm hiện tại, rất khó để có thể thống kê được chính xác được số người chuyển giới.

“Người chuyển giới cứ như những người vô hình, không dám công bố hay cho mọi người biết mình trải qua quá trình chuyển giới.

Kể cả tại Mỹ, một quốc gia phát triển, nhưng vẫn không thể thống kê con số chính xác, chỉ ước tính khoảng 0,3% dân số của họ.

Riêng đối với Việt Nam, có thể ước tính khoảng từ 290.000- 480.000 người chuyển giới. Một con số không hề nhỏ”, ThS Đinh Thị Thu Thủy, Chuyên viên Pháp chế Bộ Y tế thông tin.

Theo bà Thủy, tính đến nay, Bộ Y tế cũng đã hoàn thiện đầy đủ các hồ sơ thủ tục theo quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đưa dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính trình Quốc hội.

Tuy nhiên, cùng một thời điểm này, Bộ cũng đang trình lên Quốc hội 4 dự luật khác, nên Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính vẫn còn đang trong giai đoạn “xếp hàng”.

Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính có một số điểm quan trọng còn nhiều ý kiến trao đổi chưa nhận được sự đồng thuận của cộng đồng người chuyển giới.

Cụ thể, tại điểm 5 điều 2 dự thảo quy định: “Can thiệp y học để chuyển đổi giới tính là một hoặc toàn bộ quá trình từ điều trị nội tiết tố sinh dục đến phẫu thuật ngực, phẫu thuật bộ phận sinh dục để thay đổi giới tính khác với giới tính sinh học hoàn thiện”.

Như vậy theo dự thảo, các cá nhân muốn được thừa nhận là người chuyển giới bắt buộc phải điều trị nội tiết tố sinh dục và phẫu thuật ngực hoặc bộ phận sinh dục.

Thực tế, quy định trên sẽ dẫn đến việc nhiều người chuyển giới tại Việt Nam có nguy cơ không được thụ hưởng quyền lợi từ dự thảo này vì không đủ điều kiện kinh tế để bắt buộc phải điều trị nội tiết tố sinh dục... như quy định; một số người không đáp ứng với hormone, bị sốc khi tiêm hormone dẫn đến tử vong; Việt Nam vẫn chưa kiểm soát được việc bán hormone trên thị trường, do đó đa phần những người có nhu cầu chuyển giới vẫn phải sử dụng nguồn hormone trôi nổi, thậm chí họ phải tự tiêm cho mình…

Ngoài việc không được xã hội tôn trọng, bị kỳ thị, dè bỉu, người chuyển giới vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận việc làm cũng như các dịch vụ y tế.

“Chúng tôi mong muốn được thay đổi thông tin trên giấy tờ pháp lý, được hỗ trợ trong các vấn đề y tế cũng như nhận được sự bảo hộ của pháp luật trước những sự kỳ thị, phân biệt đối xử.

Bên cạnh đó, tôi mong muốn mình được công nhận là người chuyển giới mà không cần trải qua phẫu thuật chuyển đổi giới tính”, một người chuyển giới nữ cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại