Trong một tuyên bố, ông Aboul-Gheit nhấn mạnh động thái trên của Mỹ sẽ không thay đổi tình trạng pháp lý của Cao nguyên Golan là một vùng lãnh thổ Syria bị chiếm đóng. Tổng thư ký Liên đoàn Arab cũng cho rằng "hợp pháp hóa sự chiếm đóng là cách tiếp cận mới trong chính sách đối ngoại của Mỹ". Ông nêu rõ Liên đoàn Arab phản đối cách tiếp cận này và ủng hộ quyền của Syria lấy lại các vùng đất bị chiếm đóng.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan. Văn bản được ký tại Nhà Trắng với sự chứng kiến của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Israel chiếm đóng Cao nguyên Golan trong thời gian xảy ra chiến tranh Trung Đông 1967 và sau đó sáp nhập vào lãnh thổ của mình năm 1981, động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận. Thủ tướng Israel Netanyahu đã hối thúc Mỹ công nhận chủ quyền của Israel đối với vùng lãnh thổ này và đã đề cập vấn đề này trong cuộc gặp đầu tiên với ông Trump tại Nhà Trắng hồi tháng 2/2017.
Chỉ trích động thái trên của Tổng thống Mỹ, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cùng ngày 25/3 cho rằng đó "gần như là một món quà bầu cử" của ông Trump dành cho ông Netanyahu trước thềm cuộc bầu cử tại Israel dự kiến vào tháng 4 tới.
Trong bài phát biểu tại tỉnh Antalya được phát sóng trên truyền hình, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh những nỗ lực của Mỹ hậu thuẫn ông Netanyahu là "vô ích".
Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định nước này sẽ "làm bất cứ điều gì cần thiết cho đến cùng", cũng như phối hợp với cộng đồng quốc tế chống lại "những quyết định một chiều" và coi thường luật pháp quốc tế.
Liban cũng lên tiếng chỉ trích việc Mỹ công nhận Cao nguyên Golan thuộc chủ quyền Israel là hành động "vi phạm tất cả các quy định của luật pháp quốc tế" và "hủy hoại mọi nỗ lực nhằm đạt được hòa bình".
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Liban nêu rõ: "Cao nguyên Golan là vùng đất của Syria, không quyết định nào có thể thay đổi được điều này, không nước nào có thể sửa lại lịch sử bằng việc chuyển quyền sở hữu vùng đất này từ của một nước này sang cho nước khác".
Chung quan điểm trên, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi tuyên bố nước này bác bỏ bất kỳ quyết định nào công nhận Cao nguyên Golan là vùng lãnh thổ của Israel.
Trong tuyên bố, Ngoại trưởng Safadi khẳng định Cao nguyên Golan là vùng lãnh thổ Syria bị chiếm đóng, như đã nêu rõ trong các nghị quyết quốc tế. Ông nhấn mạnh việc đạt được hòa bình ở Trung Đông đòi hỏi chấm dứt hoạt động chiếm đóng các vùng lãnh thổ Arab trong đó có Cao nguyên Golan.
Saudi Arabia ngày 26/3 ra tuyên bố lên án việc Mỹ công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan là sự vi phạm rõ rệt Hiến chương của LHQ và luật pháp quốc tế.
Tuyên bố do hãng thông tấn chính thức Saudi Press đưa ra khẳng định Cao nguyên Golan "là vùng đất Arab Syria bị chiếm đóng" như đã nêu trong các nghị quyết quốc tế liên quan. Tuyên bố nhấn mạnh động thái trên của Mỹ "sẽ có những tác động tiêu cực đáng kể đối với tiến trình hòa bình ở Trung Đông cũng như an ninh và ổn định trong khu vực".
Canada cũng ra tuyên bố khẳng định nước này không công nhận sự kiểm soát lâu dài của Israel đối với Cao nguyên Golan.
Tuyên bố của Bộ Các vấn đề quốc tế của Canada (GAC) nêu rõ luật pháp quốc tế cấm dùng vũ lực sáp nhập một vùng lãnh thổ, bất cứ tuyên bố nào đơn phương thay đổi biên giới đều đi ngược lại nền tảng của trật tự quốc tế vốn được xây dựng trên cơ sở luật định. Canada đồng thời bày tỏ ủng hộ quyền của Israel được sống trong hòa bình và an ninh với các láng giềng.