Du lịch Việt Nam: Nghĩ từ chuyện rửa lòng heo bằng… chân ở Hà Nội

Bùi Hải |

Khi bộ phim bom tấn Kong: Đảo đầu lâu đốt cháy các rạp Việt Nam, Lan Anh, một tín đồ của du lịch hoang dã, đã bắt đầu một mối lo mới.

Một đi, không trở lại

Cô bảo, chắc chắn du khách trong và ngoài nước sẽ có thêm động lực tìm đến thưởng ngoạn bối cảnh bộ phim. Nhưng chắc chắn, không ít trong số đó sẽ thở dài và gia nhập đội ngũ 70% du khách không muốn quay trở lại Việt Nam.

Một trong những thứ tưởng như rất nhỏ, nhưng lại gây mất thiện cảm lớn với du khách, đó là… rác.

Năm trước, chúng tôi tìm đến Nam Du, một hòn đảo xinh đẹp thuộc tỉnh Kiên Giang, chủ yếu vì hai chữ "hoang sơ".

Những trang du lịch rất biết cách "điểm huyệt" ngọt ngào vào cơn nghiện của những kẻ thích vùng vẫy giữa một vùng biển trong lành: Đảm bảo chuyến đi của bạn sẽ "chất lượng đến từng khoảnh khắc" và mang đến một sự quyến luyến nơi đảo Nam Du này. Bạn sẽ thèm được quay lại vào một thời điểm gần nhất.

Sau hai ngày ngắn ngủi ở Nam Du, những kẻ mê đảo chúng tôi không ai muốn quay trở lại. Chúng tôi sợ rác.

Bữa nhậu tối với một cây đàn guitare trên cầu tàu nhỏ của một nhà nghỉ, lẽ ra đã biến thành đại tiệc ngàn sao không thể quên, thì lại biến thành một nỗi xót xa.

Ông chủ nhà ngoài 30 tuổi, mặt bình thản cầm tất cả những gì còn sót lại của bữa nhậu (gồm cả chai thủy tinh đựng rượu, lon bia, giấy ăn, túi nilon, thức ăn thừa), quăng xuống "bãi rác" xanh thẳm đang ì oạp sóng vỗ.

Nhìn theo những con sóng đánh, thấy cả một bãi rác đang dập dềnh dưới chân những cột nhà san sát tựa lưng ra biển.

Du lịch Việt Nam: Nghĩ từ chuyện rửa lòng heo bằng… chân ở Hà Nội - Ảnh 1.

 Ở một hòn đảo hoang trên vịnh Vân Phong, tôi đã chứng kiến một đoàn khách Nga đã kiên quyết không xuống tắm, khi biết những bè nuôi cá xung quanh, xả rác trực tiếp xuống biển, kể cả thứ "rác" do bài tiết cặn bã của con người.

Về cảnh sắc, con đường trên biển đẹp nhất Việt Nam - Điệp Sơn - không thua gì thiên đường Maldives. 

Nhưng khi những tấm ảnh tự sướng về Điệp Sơn bắt đầu xuất hiện trên facebook, cũng là lúc làn da xanh đến thảng thốt của biển và trời xuất hiện những nốt ghẻ rác.

Tôi đã cố tìm một xác túi nilon tại nơi nhộn nhịp như bến tàu ở Maldives, nhưng gần như không tìm được. Trong khi đó, hình ảnh đập vào mắt du khách đầu tiên khi đến Lý Sơn, Bình Ba, Nam Du, Cô Tô, Quan Lạn... luôn là rác.

Rất dễ hiểu, khi ngày càng có nhiều tấm ảnh tự sướng của cư dân mạng hiện lên trên một địa danh không thuộc dải đất tuyệt đẹp hình chữ S. Ngoại tệ đang chảy một cách tự nhiên ra nước ngoài theo những chuyến đi.

"Cuộc chiến rác" phải như cuộc chiến vỉa hè

Tôi không biết những khách nước ngoài bỏ ra 10 USD để mua tour vớt rác tại Hội An nghĩ gì trong đầu, nhưng tôi tin, dù có hài lòng vì được làm việc hữu ích, thì họ cũng đã bức bối đến mức phải hành động.

Trong 6 nỗi sợ của du khách khi đến Việt Nam, được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gọi tên, có một nỗi sợ liên quan đến rác:

"Ngay ở các khu du lịch trọng điểm, người ta xả rác ra đường, nơi công cộng rất thản thiên. Không hề có ý thức bảo vệ môi trường".

Rồi đây, chúng ta có thể có nhiều đại sứ du lịch hơn nữa (như đạo diễn phim Kong, như người đẹp lắm chiêu Lý Nhã Kỳ), có thể có nhiều phim bom tấn hơn nữa chọn bối cảnh Việt Nam, nhưng du lịch không thể cất cánh nếu "rác vật chất", "rác tinh thần" (chặt chém, ăn xin, ăn cắp), không được làm sạch.

Giống như chuyện một hàng lòng heo tại Hà Nội, có quảng cáo sạch, an toàn bao nhiêu đi chăng nữa, thì thực khách có trách nhiệm vẫn phải nói "say goodbye", sau khi clip rửa lòng bằng chân được phát tán.

Nếu ai đó đến Việt Nam chỉ vì khung cảnh huyền ảo trong phim Kong, thì cảm giác của họ khi thấy rác rưởi tràn ngập, đâu có khác người nghiện lòng heo bị thương tổn, khi đam mê thưởng thức của họ bị giày xéo dưới gót ủng.

Chỉ có thể thành công với cuộc chiến rác (trước hết là rác ở các điểm du lịch), nếu bộ máy ra quân quyết liệt, bài bản như "cuộc chiến vỉa hè" ở Hà Nội.

Vỉa hè và môi trường – hình ảnh đất nước, nếu phải so sánh, sẽ biết cái gì nặng ký hơn.

Trao danh hiệu đại sứ du lịch cho một người đang nổi như đạo diễn phim Kong, là một việc làm rất tốt, nhưng không quá khó. 

Trao danh hiệu cho chàng trai Tây vớt rác ở Hà Nội; chủ doanh nghiệp tổ chức tour vớt rác ở Hội An, cũng là việc cần làm, nhưng không quá khó.

Cái khó là làm sao để xã hội có hàng ngàn hàng vạn đại sứ như vậy.

Vớt rác bằng tay không khó. Vớt rác bằng… não mới mong thay đổi được cục diện. Ví như kêu gọi các doanh nghiệp, thay vì tặng xe 2- 3 tỉ cho chính quyền, thì tặng 15.000 vé mua tour cho khách tây đi vớt rác ta.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại