Du lịch trong dịp nghỉ lễ: "Tư duy cổ lỗ sĩ"

Dũng Phan |

Nhân dịp nghỉ lễ dài ngày nên đi du lịch hay không luôn là vấn đề gây nhiều tranh luận trên các diễn đàn, mạng xã hội.

Những con số biết nói trong kỳ nghỉ lễ

Số liệu thống kê về tình hình trật tự an toàn giao thông sau 4 ngày nghỉ lễ (từ ngày 29/4 đến mùng 2/5): 125 vụ tai nạn giao thông, 98 người chết, 90 người bị thương.

Các bãi biển Sầm Sơn, Nha Trang, Bãi Cháy ... đồng loạt quá tải, người đông như kiến chen chúc nhau.

Các con đường đèo đi lên những khu nghĩ dưỡng có khí hậu ôn đới như Tam Đảo, Đà Lạt, ... tắc nghẽn. Đêm 28/4, cả khu vực Đèo Cả (thuộc Khánh Hòa) kẹt xe 10km, đến đêm 29 vẫn chưa giải quyết được lưu thông.

Các hàng quán hét giá trên trời. Giống như thể "mài dao" suốt 365 ngày để đợi một ngày "cứa cổ" từng thực khách.

Sau cuộc thi bắn pháo hoa tại Đà Nẵng, rác ngập tất cả các tuyến đường. Điều tương tự xảy ra tại các bãi biển khi người dân thập phương rút về làm việc.

Chiều 28/4, tình trạng kẹt xe bắt đầu có dấu hiệu manh nha, và lên tới đỉnh điểm vào chiều 29/4. Hình ảnh những hành khách phải nhảy xuống xe và ôm hành lý chạy bộ đến sân bay Tân Sơn Nhất cho kịp thủ tục, có lẽ là độc nhất vô nhị tại Việt Nam.

Đến chiều ngày 2/5, tình trạng kẹt xe lại trở lại, lần này là ở chiều cửa ngõ đi vào các trung tâm thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM).

Du lịch trong dịp nghỉ lễ: Tư duy cổ lỗ sĩ - Ảnh 1.

Tình trạng kẹt xe ở các thành phố lớn trong dịp nghỉ lễ. (Ảnh: Internet)

Đấy là 5 điểm tiêu biểu của nghĩ lễ tại Việt Nam (kẹt xe, chen chúc, rác thải, chặt chém và tai nạn giao thông). Và người viết sẽ không bất ngờ nếu ngày này vào năm sau, 5 điểm trên lại xuất hiện một lần nữa.

Tại sao? Bởi năm sau, người Việt vẫn sẽ tiếp tục đổ dồn đi chơi lễ.

Tư duy của phần đông người Việt Nam luôn xác định đi chơi là phải ở dịp lễ. Thể hiện ngay qua câu thăm hỏi nhau của bạn bè, người thân khi dịp lễ đến: "Lễ này có đi chơi đâu không?". Nghe quen chẳng khác gì "Khi nào cưới vợ, cưới chồng", "Dạo này khỏe không?".

Và đấy là một tư duy ... cổ lỗ sĩ.

Tư duy cũ nằm ở suy nghĩ: "Tiền lương xin nghỉ làm mấy ngày cũng bằng số tiền bị đội lên ở dịp lễ rồi".

Sai chỗ nào? Thứ nhất, tiền lương nghỉ phép mấy ngày chắc chắn không nhiều bằng tiền vé máy bay, tiền dịch vụ, tiền khách sạn đội giá và chặt chém trong dịp lễ. 

Chẳng hạn lương của bạn 500 ngàn/ngày, bạn xin nghỉ 2 ngày đi chơi. Bạn mất 1 triệu. Nhưng vé máy bay của bạn chỉ mất có 2 triệu (vì là ngày thường). Tổng phí của bạn là 3 triệu. Ngược lại, nếu bạn đi chơi dịp lễ, bạn không mất 1 triệu lương, nhưng tiền vé máy bay của bạn sẽ là 4 triệu. Vậy là bạn lỗ 1 triệu.

Thứ hai, nhiều người hiểu lầm về tiền, thực ra còn có một giá trị nữa, gọi là hao mòn tài sản. Giá trị này không hiện ra rõ rệt như tiền, nhưng các hao mòn về máy móc, con người được tính dần trong các hoạt động. 

Chẳng hạn: bạn chạy xe ôm, một ngày đi 100km, tiền kiếm được là 200 ngàn. Trừ các chi phí xăng xe, bạn lời 100 ngàn. Nhưng chú ý, còn một giá trị nữa bạn bị lỗ nhưng không trừ được. Đấy là hao mòn động cơ, máy móc. 

Khi tích tụ dần, đến một ngày bạn mất 1 triệu tiền sửa xe. Điều tương tự, có ai quy ra đồng tiền những ức chế, bức bối các bạn phải chịu khi hưởng dịch vụ trong dịp lễ không? Có ai quy ra đồng tiền cho những rác thải, hại môi trường khi hàng ngàn người đổ dồn vào một điểm du lịch?

Liệu có ai đã đặt câu hỏi về việc họ góp phần làm "hao mòn" các điểm du lịch, vì sự "đổ dồn" của họ vào đó trong ngày lễ?

Du lịch trong dịp nghỉ lễ: Tư duy cổ lỗ sĩ - Ảnh 2.

Các bãi biển đông kín người đi du lịch trong dịp nghỉ lễ. (Ảnh: Zing.vn)

Một suy nghĩ khác mang tên "Thời gian", các gia đình thường cho rằng ngày thường bận đi làm, chồng việc này, vợ việc kia nên dịp lễ mới có thời gian cho cả gia đình con cái đi chơi.

Điều ngày nghe qua thì có lý, nhưng lại phản ánh suy nghĩ làm việc theo lối cũ của người Việt. Vấn đề cho hiệu quả công việc của một quốc gia là nằm ở năng suất lao động, không phải ở việc "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về". 

Người sếp tốt và hiện đại chỉ quản lý công việc, không quản lý thời gian. Còn nhân viên luôn cần "bảo dưỡng". Việc "bảo dưỡng" này diễn ra sau khi bạn căng mình cho một dự án, không phải đã "hết pin" mà còn gắng gượng làm.

Bởi vậy mà những ai biết cách làm, biết cách nghỉ ngơi, nạp năng lượng bằng một kỳ nghỉ tự thân cho phép, thường làm việc tốt hơn người quần quật. 

Còn ta? Đợi đến lễ hẵng đi.

Khi mãi đắm chìm trong tư duy cũ, với những cảnh quan quen thuộc và thói quen "lễ đi Nha Trang, đi Sầm Sơn ..." người ta sẽ không bao giờ tận hưởng được hết vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước. Cũng như không bao giờ được nghĩ dưỡng như chính mình muốn nghĩ dưỡng.

Có bao giờ những người làm du lịch ở Hà Giang, Tây Bắc, ở Quảng Bình, Phú Yên ... nói lời cảm ơn dành cho những người trẻ với tư duy "xách balo lên và đi" không?

Chính họ, những "phượt thủ" với tư duy tân tiến của người trẻ đã đưa những cảnh đẹp hùng vĩ ở Tây Bắc, những cảnh hoang sơ ở Phú Yên, Quảng Bình đến với cộng đồng.

Đấy là kết quả đẹp đẽ của tư duy mới không đi chơi dịp lễ, không đi đến lối mòn. Du lịch Việt Nam cần điều này hơn, cần quảng bá hơn là cần những chi phí tăng cao ngày lễ, và đìu hiu ngày thường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại