Theo những thông tin trên truyền thông chính thống của Trung Quốc thì vào rạng sáng ngày 2/9, một người đàn ông họ Tăng đưa cha mẹ tới Thụy Điển du lịch.
Do nhầm về thời gian nên họ đã đến một khách sạn (đã đặt trước) tại Stockholm vào sáng sớm thay vì 12 giờ trưa ngày hôm sau. Họ đề nghị xin nghỉ tạm ở phòng lễ tân, nhưng phía khách sạn không đồng ý và gọi cảnh sát đến lôi 3 người lên xe chở ra vứt ngoài nghĩa địa cách đó mấy chục cây số…
Thông tin này cùng hình ảnh Tăng chụp cảnh cảnh sát khiêng cha ông ra khỏi khách sạn đã gây nên làn sóng bất bình và trào lưu chống Thụy Điển trên khắp các phương tiện truyền thông Trung Quốc. Báo chí Trung Quốc cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc, 3 du khách Trung Quốc (gồm ông Tăng và cha mẹ đều đã gần 70 tuổi) lập tức ra sân bay quay về nước.
Phát biểu với báo chí, Tăng nói: "Ở đất nước quê hương của Nobel, nơi mà nhân quyền luôn là câu cửa miệng thì đây là điều nực cười nhất".
Ông cho biết, hành vi đối xử của cảnh sát Thụy Điển với những người già là cha mẹ ông là "điều không tưởng tượng nổi ở bất cứ một quốc gia hiện đại nào, là sự miệt thị nhân quyền khiến người ta buồn nôn". Ông yêu cầu phía Thụy Điển phải đưa ra lời giải thích, xin lỗi và bồi thường.
Tổng biên tập "Thời báo Hoàn cầu" Hồ Tích Tiến có những phát biểu chỉ trích gay gắt phía Thụy Điển
Tờ "Thời báo Hoàn cầu" nổi tiếng về khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa đã đăng bài kịch liệt phê phán phía Thụy Điển, chỉ trích họ "là một trong những quốc gia khắt khe nhất về nhân quyền, từ năm ngoái đến nay không ngừng công kích Trung Quốc xâm phạm nhân quyền trong việc xử lý ông chủ hãng xuất bản sách Hongkong Quế Mẫn Hải, khiến quan hệ hai nước căng thẳng.
Thì ra cảnh sát nước họ máu lạnh, tàn nhẫn và tố chất kém như thế. Chính phủ Thụy Điển dựa vào đâu mà giáo huấn nước khác? Lẽ nào họ không thanh lọc được những hành vi thô bạo chà đạp tinh thần nhân đạo của nhân viên công vụ nước họ hay sao?".
Bài báo nặng lời: "Những cảnh sát Thụy Điển đó không chỉ là những kẻ vô loài trong cảnh sát toàn thế giới mà còn là cặn bã của loài người", cho rằng "đây là những hành vi xấu xa, đồng thời có xu hướng phân biệt chủng tộc" và yêu cầu "xã hội và chính phủ Thụy Điển hãy suy nghĩ về những hành vi của nhân viên công vụ nước họ".
Ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập báo này cũng có những phát biểu được cho là kích động tình cảm chống Thụy Điển.
Đại sứ Trung Quốc Quế Tùng Hữu tiếp các nhà báo Thụy Điển, phản đối cảnh sát nước này "đối xử thô bạo, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của công dân Trung Quốc".
Về phía chính phủ, cả Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển Quế Tùng Hữu đều "nghiêm khắc giao thiệp" với phía Thụy Điển, phản đối cảnh sát nước này "đối xử thô bạo, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của công dân Trung Quốc".
Đại sứ quán Trung Quốc tại Thụy Điển thậm chí ra văn bản cảnh báo công dân Trung Quốc về vấn đề an ninh, tác động xấu đến hứng thú của công dân Trung Quốc tới đây du lịch.
Nhưng ông Patric Nilsson, người phát ngôn báo chí của Bộ Ngoại giao Thụy Điển tuyên bố: "Nếu có ai báo án, cơ quan quản lý chấp pháp của Thụy Điển đều tiến hành điều tra nghiêm túc. Hiện chúng tôi chưa thể xác nhận hay phủ nhận bất cứ giả thuyết nào nên đang tiến hành điều tra".
Đến ngày 17/9, cảnh sát Stockholm đã phủ nhận vụ việc đang được điều tra, khi các phóng viên hỏi đều nhận được câu trả lời qua e-mail: "Chúng tôi xác nhận hôm 2/9 đã nhận tin báo, nhưng vụ việc đã kết thúc, chúng tôi không tiến hành bất cứ điều tra gì nữa. Đó là toàn bộ thông tin chúng tôi có thể trả lời quý vị!".
Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi khi ngày 15/9, trang mạng của báo "Buổi chiều" (Aftonbladet) của Thụy Điển đưa những thông tin và hình ảnh từ camera giám sát của khách sạn cho thấy: 3 du khách Trung Quốc do nhầm lẫn về thời gian đã tới khách sạn vào sáng sớm ngày 2/9 khi tất cả các phòng đã kín chỗ, trong khi sau trưa ngày 3/9 họ mới có thể nhận phòng như đã đặt.
3 người khách đề nghị được ngủ trên ghế ở phòng chờ, nhưng nhân viên khách sạn không đồng ý, yêu cầu họ rời đi nơi khác. Nhưng 3 người khách đã không đồng ý và lớn tiếng chửi bới; sau đó khách sạn phải báo cảnh sát tới giải quyết.
Những ý kiến của các nhân chứng và hình ảnh camera cho thấy, thái độ của cảnh sát rất ôn hòa, muốn dàn xếp cho ổn thỏa.
Họ nói năng nhẹ nhàng, rất lịch sự, cẩn trọng; trái lại các du khách Trung Quốc thì lớn tiếng gào thét, chửi bới, đặc biệt trong khi người nữ không hề va chạm vào người thì người đàn ông trẻ (Tăng) đã tự ngã lăn ra đất gào khóc, hô hoán cảnh sát "giết người" bằng tiếng Thụy Điển.
Hình ảnh trích video cho thấy người phụ nữ khóc lóc chửi bới trước sự ngỡ ngàng của các nhân viên cảnh sát Thụy Điển
Để tránh gây huyên náo ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi của những khách nghỉ trong khách sạn, theo tập quán, cảnh sát dùng xe của mình đưa những người này tới một nhà thờ ở cạnh ga xe lửa và trạm xe bus – nơi mở cửa 24/24 giờ để họ vào tạm trú.
Nhà thờ này cách khách sạn 8 phút xe chạy, bên cạnh đó có một nghĩa trang. Đó là sự thật mà phía Thụy Điển công bố, không có chuyện chở 3 người ra nghĩa trang rồi đẩy xuống như lời ông Tăng thuật lại.
Sau khi những thông tin cùng hình ảnh về vụ việc được phía Thụy Điển đưa lên mạng; nhiều người sử dụng internet Trung Quốc đã thay đổi thái độ, quay lại chỉ trích cách hành xử không đúng mực của 3 du khách này và các du khách Trung Quốc nói chung khi ra nước ngoài đã làm "mất mặt Trung Quốc".
Một trang web tiếng Trung thử trưng cầu ý kiến bạn đọc về ai đúng ai sai trong vụ việc này. Kết quả có tới 85% cho rằng "du khách Trung Quốc sai, cảnh sát Thụy Điển làm đúng quy định", chỉ có 4% cho rằng "cảnh sát Thụy Điển sai, du khách là những người bất hạnh", 4% cho rằng "cả 2 bên đều sai, nhưng chủ yếu do du khách", 6% cho rằng "cả hai đều sai, nhưng phía Thụy Điển sai nhiều hơn".