Bất ngờ vì dịch bệnh bùng phát ngay ở "thành phố y tế" của Hàn Quốc
Trước thời điểm dịch bùng phát một tuần, tức tuần thứ hai của tháng 2, Daegu vẫn mới chỉ có một ca nhiễm (18/2), cả nước Hàn Quốc cũng mới có 31 ca nhiễm. Khi ấy, cũng giống như mọi người, tôi không nghĩ đến khả năng Hàn Quốc và là Daegu trở thành một điểm nóng, vì đây vốn là thành phố đặc biệt về y tế (tên tiếng Anh là Medi-city: Thành phố y tế).
Nhưng sau khi bệnh nhân số 31 - còn gọi là bệnh nhân siêu lây nhiễm tạo ra sự lan tỏa dịch bệnh theo một cách khá bất ngờ, tình hình trở nên có phần căng thẳng.
Chỉ một tuần sau, đến 24/2, số ca nhiễm đã lên tới 833, số ca tử vong là 8, số người đang được test phản ứng là trên 11.000 trong khi con số bệnh nhân hồi phục không tăng mấy (12 người của ngày 18/2, đến 24/2 mới chỉ có 22 người hồi phục). Trong những ngày qua thì cứ mỗi ngày check tin lại thấy số lượng ca nhiễm tăng hơn 100 ca/ngày. Cảm giác của tôi là hơi bất ngờ, không nghĩ đến tình huống số ca bệnh tăng nhanh như vậy.
Với tốc độ tăng khá nhanh số ca bệnh, cũng như số người có tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm virus COVID-19, sự lo lắng của cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc ngày càng thấy rõ. Ngay cả những người lạc quan nhất cũng cảm thấy bồn chồn.
Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, tôi vẫn lên phòng nghiên cứu của khoa để làm việc và chuẩn bị luận văn tốt nghiệp. Nhưng đến giờ, tâm lý là ở yên một chỗ, không ra đường, hạn chế mọi thứ.
Trước đó, tôi cho rằng, cuối tuần này, số ca nhiễm sẽ có thể lên đến khoảng 2.000 ca. Nhưng thực tế, con số này đến 29/2 đã là 3.150 ca. Số ca test là 96.000 - con số không có nước nào bằng.
Bây giờ chỉ lo Daegu không đủ giường bệnh.
Thành phố Daegu và thành phố Gyeongsan (tỉnh Gyeongbuk) đang có lệnh hạn chế đi lại, khuyến cáo không nên sử dụng hệ thống giao thông công cộng (xe bus và tàu điện ngầm). Ga tàu điện ngầm và xe bus rất vắng khách.
Trước khi dịch bùng phát, người dân địa phương đa số khá thờ ơ, không có nhiều người đeo khẩu trang. Tuy nhiên, sau khi Daegu-Gyeongbuk trở thành tâm dịch, gần như trên 90% người dân đeo khẩu trang, nhiều cửa hàng tạm đóng cửa, và nhiều cửa hàng khác yêu cầu khách hàng đeo khẩu trang khi tiếp xúc với nhân viên.
Tuyến xe vắng hẳn khách, có chuyến gần như không có khách nào. Ảnh: NVCC.
Khuôn viên trường tôi học là Đại học Yeungnam - có diện tích lớn thứ hai ở Hàn Quốc (chỉ sau Đại học quốc gia Seoul), rất ít người đi lại mặc dù đã đến ngày bắt đầu học kỳ mới theo thông lệ, ngày 1/3 hàng năm.
Ở các địa điểm công cộng, các vật phẩm cần thiết như khẩu trang, nước rửa tay sát trùng được phát miễn phí. Hiện tại do dịch bệnh tiến triển nhanh, nhu cầu sử dụng tăng cao đột ngột nên có một số nơi xảy ra tình trạng khan hiếm khẩu trang. Tuy nhiên, nước sát trùng thì vẫn rất đầy đủ, và việc vệ sinh ở các cơ quan, các tòa nhà diễn ra thường xuyên hơn.
Trong trường bố trí nhiều bàn để đồ khử trùng cho tay và quần áo (hoàn toàn miễn phí), được khuyến cáo sử dụng khi bước vào hoặc bước ra khỏi tòa nhà. Ảnh: NVCC.
Máy khử trùng cho tay được bố trí ở nhiều địa điểm công cộng. Trong các tòa nhà trong trường giờ bố trí nhiều bàn để đồ khử trùng tay và quần áo dùng chung, hoàn toàn miễn phí, mọi người được khuyến cáo sử dụng khi bước vào hoặc bước ra khỏi tòa nhà.
Về vấn đề thực phẩm, mọi người thường nghĩ rằng sau khi dịch bệnh bùng phát, thì giá cả sinh hoạt sẽ leo thang và thực phẩm sẽ khan hiếm. Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc và chính quyền địa phương đã làm rất tốt công tác ổn định thị trường, cho nên giá cả sinh hoạt không tăng, và cũng không xảy ra hiện tượng thiếu lương thực thực phẩm, vẫn có đủ hàng hóa cho mọi người mua mặc dù nhu cầu mua sắm đã tăng rõ rệt trong tuần vừa qua. Chỉ có một điều là, trước kia thường khoảng 9h tối trở đi sẽ có hạ giá thì hiện nay do mọi người mua hàng nhiều quá, hàng bán hết sạch, không còn đồ hạ giá.
Con phố mua sắm sầm uất ở khu trung tâm Daegu (Banwoldang) nay vắng hẳn khách đi lại. Ảnh: NVCC.
Việc xếp hàng để mua lương thực chưa thấy nhưng xếp hàng để mua khẩu trang thì đã có rồi. Do đây là sản phẩm ai cũng muốn sở hữu trong thời gian dịch bệnh hoành hành, nên việc khan hiếm khẩu trang là chuyện có thể dự đoán trước được. Giá khẩu trang cũng đã bị tăng lên, nhiều nơi báo cháy hàng và dù đã đặt online trước bạn vẫn có thể bị hủy giao dịch không rõ lý do. Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc đã có những hoạt động mạnh tay trong việc truy quét các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh có biểu hiện găm hàng đẩy giá (còn hàng nhưng vẫn báo hết để đợi giá cao). Siêu thị Emart cũng đã phối hợp với doanh nghiệp để bán số lượng lớn khẩu trang với giá rẻ (820W = 16,400VND/cái) mặc dù giá thị trường đắt hơn, mỗi người được mua tối đa 30 cái.
Quầy thực phẩm tại nơi tác giả sinh sống. Ảnh: NVCC.
Việc giao tiếp rất hạn chế, mọi người chủ yếu giao lưu qua facebook hoặc gọi điện hỏi thăm nhau là chính.
Daegu là một thành phố có nổi tiếng về y học cổ truyền (Hàn y), và là thành phố có cơ sở hạ tầng y tế vào loại tiên tiến nhất Hàn Quốc cũng như khu vực. Bản thân tôi khi đi dịch cho các đoàn tham quan của Việt Nam qua làm việc với thành phố Daegu cũng đã được tận mắt chứng kiến cơ sở hạ tầng hiện đại của Daegu nên tôi vẫn giữ quan điểm là dịch bệnh sẽ nhanh chóng được đẩy lùi.
Hồ Quang Anh, Nghiên cứu sinh tiến sỹ tại Đại học Yeungnam, thuộc tỉnh Bắc Gyeongsang.
Băn khoăn đi hay ở?
Thời gian này, tôi không lo lắng lắm về mặt sức khỏe mà lo nhiều hơn về vấn đề học tập. Nếu số ca nhiễm ở Hàn Quốc tăng quá cao thì tôi vẫn bỏ ngỏ khả năng về nước. Nhưng do việc về nước tạm thời có thể kéo theo việc khó khăn khi xin visa quay lại Hàn Quốc để tiếp tục học nên tôi và nhiều bạn khác cũng rất đắn đo.
Trong trường, tâm trạng chung là có một chút xáo trộn, do đang phải chờ đợi quyết định từ phía nhà trường và cao hơn nữa là từ Bộ giáo dục Hàn Quốc về cách thức gia hạn visa, bảo lưu kết quả học tập, v.v… Đây cũng là một trong những chủ đề hot trên trang cộng đồng mà chúng tôi đang xây dựng với mục đích hỗ trợ anh chị em du học sinh nói riêng và cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc nói chung.
Mặt khác, do đã sinh sống và học tập tại Hàn Quốc khá lâu (10 năm) nên cũng như nhiều anh chị có kinh nghiệm khác, tôi nghĩ mình nên ở lại giúp đỡ động viên mọi người, chứ không nên vội về nước, dù gia đình cũng có ý khuyên tôi nên về. Hiện tại, tôi đang cùng với nhiều anh chị thân thiết khác tổ chức một trang cộng đồng có tên là Trung tâm hỗ trợ du học sinh Hàn Quốc cập nhật thông tin dịch bệnh và các vấn đề liên quan đến du học sinh (vấn đề visa, thủ tục bảo lưu kết quả học tập và quay lại).
Thường thì có học sinh học tiếng (visa D 4-1) khó bảo lưu, về rồi khó quay lại. Đối tượng thứ hai là sinh viên đại học (visa D-2), bạn nào đang gia hạn visa 1 năm 1 lần hoặc đổi từ visa D4 sang D2 (học tiếng 1 năm rồi phải lên đại học), thì cũng sẽ phải đổi.
Khuôn viên trường đại học Yeungnam – có diện tích lớn thứ 2 ở Hàn Quốc, rất ít người đi lại mặc dù chỉ còn vài ngày nữa là bắt đầu học kỳ mới. Ảnh: NVCC.
Ngoài ra, do dịch bệnh COVID-19, nên các hoạt động tập thể bị hạn chế, những bạn nào tốt nghiệp học kỳ này (lễ tốt nghiệp đáng ra được tổ chức vào ngày 22-28/2) sẽ bị hủy.
Ở Hàn Quốc có 2 học kỳ chính là học kỳ mùa xuân từ tháng 3 đến cuối tháng 6, và học kỳ mùa thu từ tháng 9 đến tháng 12, thì lịch khai giảng của học kỳ mùa xuân đáng ra là ngày 1/3. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã quyết định hoãn lịch khai giảng đến ngày 16/3. Do tình hình dịch bệnh ngày càng căng thẳng nên vẫn có ý kiến cho rằng nên lùi thời gian thêm nữa.
Do lịch bị lùi lại mà vẫn phải duy trì nội dung học và hoạt động tương tự các học kỳ khác, nên học kỳ mới này sẽ được tiến hành với tốc độ nhanh, sợ rằng sẽ gây khó khăn cho nhiều sinh viên mới, hay những người đang ở giai đoạn chuẩn bị tốt nghiệp ra trường.
Do diễn biến của dịch bệnh quá nhanh, nên tâm lý của mọi người nói chung là vẫn bất ngờ. Trong cộng đồng du học sinh cũng chia thành hai luồng ý kiến, gọi chung là bên ở và bên về. Bên ở thì đang tự động viên bản thân mình và cố gắng tuân thủ tối đa mọi biện pháp để chống dịch. Bên về thì lo làm thủ tục bảo lưu kết quả, lo giấy tờ, thu gọn đồ đạc...
Một số người khi quyết định về cũng lo lắng về việc có bị cách ly hay không, sau khi dịch bệnh được dập tắt thì có thể quay lại Hàn Quốc một cách thuận lợi hay không.
Trong bối cảnh đó, chúng tôi đã nhận được những sự hỗ trợ hữu ích từ nhiều phía. Khi dịch bệnh bất ngờ bùng phát vào đầu tuần trước, ngay lập tức các kênh liên lạc của cộng đồng người Việt từ Đại sứ quán, Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, chi hội các trường đều gần như có phản ứng ngay lập tức, thông tin được cung cấp và trao đổi liên tục đã giúp mọi người nhìn nhận vấn đề dịch bệnh một cách nghiêm túc. Đại sứ quán cũng đã có đường dây nóng để hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc.