Laurie Graham là một nữ nhà văn người Anh. Bà từng là một cây viết của tờ báo The Daily Telegraph và Sunday Telegraph cùng một vài tờ tạp chí khác.
Trái với nhiều người, sau khi nghỉ hưu bà không muốn để lại gia tài cho con cái. Bà đã chia sẻ lý do đằng sau ý định đó của bà trong một bài báo vừa được đăng tải trên Daily Mail.
Khi người chồng đầu tiên của bà, ông David, qua đời 2 năm trước, ông ấy không để lại gì nhiều ngoài những kỉ niệm vui vẻ. Có thể nói rằng, ông ấy là người khá lập dị. Con cái của ông bà có vẻ không bận tâm về điều đó.
Vì vậy, bà hơi bất ngờ khi một trong những đứa con gái của chúng bà cho rằng, anh trai nó đáng lẽ phải được thừa kế chiếc đồng hồ đeo tay.
Cô bé nói rằng, "đó là truyền thống". Có lẽ là như thế, nhưng đấy đâu phải chiếc đồng hồ Patek Phillippe trị giá 50.000 bảng hay là chiếc đồng hồ bỏ túi cổ gia truyền. Nó chỉ là một chiếc đồng hồ cũ bình thường và người vợ sau đó của David muốn có nó.
Bà Laurie Graham tin rằng sẽ tốt nhất nếu như không để lại cho con cái tài sản gì cả
Sau đó, bà đã nhận ra lý do đằng sau vì sao cô bé lại tranh giành quyền sở hữu chiếc đồng hồ. Cô bé cảm thấy bố của cô đã bị cướp đi mất, chứ không phải là chiếc đồng hồ 20 bảng mà anh cô bé không thực sự muốn lắm.
Chuyện thừa kế là thứ có thể gây tranh cãi lớn. Và điều đó còn tệ hơn nếu bạn tự làm bản thân thất vọng khi đã mơ mộng về khối tài sản thừa kế kếch xù được để lại.
Vì vậy, bà nghĩ rằng, điều tốt nhất bạn có thể làm cho con cái bạn là không để lại cho chúng gì cả và khiến chúng nhận ra điều đó trước khi bạn ra đi. Bà nghĩ như vậy cũng vì bà chẳng có gì nhiều để cho con cái. Những đứa con của bà đã trưởng thành và chúng chấp nhận điều đó.
Theo nữ nhà văn, bà cảm thấy sự sống chết của bố mẹ dường như là thứ khá rắc rối đối với những gia đình giàu có mà con cái trông chờ vào tài sản thừa kế. Vụ lùm xùm ở Port Eliot, địa phận của Bá tước vùng Saint Germans, tuần trước là một ví dụ điển hình.
Bá tước Peregrine, 75 tuổi, qua đời năm ngoái và để lại cho cháu ngoại Albert 12 tuổi cả khu đất lẫn địa vị.
Người vợ thứ hai, bà Cathy, được để lại một phần ít hơn. Tất nhiên, bà nghĩ, ở tuổi 12, cậu bé Albert không có mong đợi gì nhiều. Nhưng có vẻ như, mẹ và bà ngoại của cậu bé - người vợ đầu của Bá tước, bà Jacquetta - đã mong đợi thừa kế khối tài sản lớn đó thay mặt cậu.
Khi bà Cathy mang tài sản cá nhân ra khỏi tòa nhà 123 phòng đó, họ thông báo rằng, họ nghi ngờ bà cũng đã lấy đi một số di vật gia đình.
Bà Jacquetta nói thẳng thừng rằng: "Tôi không muốn tài sản thừa kế bị cắt xẻ. Tôi nghĩ rằng, việc Cathy nhận được một phần thừa kế là không đúng - cô ta không có con."
Đấy là rắc rối của chuyện thừa kế. Luôn có ai đó nghĩ rằng, họ hiểu mọi thứ cần được phân chia ra sao - nhưng khi tài sản qua tay người khác thì đó là việc không của bất kì ai cả ngoại trừ người được nhận.
Theo bà, mỗi chúng ta rồi sẽ có lúc phải viết di chúc và ghi rõ mong ước của chúng ta khi còn minh mẫn. Và chúng ta nên làm như thế để tránh gây mâu thuẫn khi chúng ta ra đi hoặc quá yếu để có thể lên tiếng.
Bà Laurie nói rằng "cuộc sống là để tận hưởng chứ không phải để tích lũy tiền bạc", vì vậy bà sẽ không vì việc để lại tài sản mà không tận hưởng cuộc sống
Những mong đợi là con dao 2 lưỡi. Tại sao bạn phải làm việc nếu bạn có thể sống dựa vào tiền của người khác chỉ trong vài ba năm?
Những cậu con trai được thừa kế có thể trở nên mù quáng và đố kị. Nếu như người bố mất, chúng sẽ không muốn mẹ cưới người khác, vì lúc đó ai sẽ nhận được ngôi biệt thự ở Eastbourne?
Chúng sẽ cãi nhau với anh em và nghi ngờ lẫn nhau. Khi bà còn bé, anh em bà biết sự việc có hai người chị đã cãi nhau chỉ vì cái kính sherry của mẹ dù họ không hề nói với nhau điều gì hàng năm trời. Thật là một lối sống tệ hại.
Khi bà nói là bà sẽ không để lại cho con cái thứ gì, ý của bà là tài sản vật chất.
Người chồng đầu tiên và bà đã sống cùng nhau 20 năm cũng có chung suy nghĩ đó: thứ giá trị nhất mà bạn có thể cho con cái bắt nguồn từ những giá trị tinh thần. Và rồi khi chúng lớn lên, bạn cho chúng đôi cánh và lời chúc để chúng bay ra thế giới bên ngoài.
Chúng ta cũng cho con cái nhiều thứ khác nữa: giúp chúng làm bài về nhà, giúp chúng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, có những kí ức đẹp cùng con cái và cả tình yêu dành cho chúng nữa.
Nếu lúc đó chúng chưa hiểu được những khó khăn về tiền bạc khi nuôi sống một gia đình thì bấy giờ chúng sẽ hiểu hơn khi tự chúng phải trả tiền nhà, tiền xe và tiền nuôi con.
Có lẽ vì anh em bà ở trong một gia đình đông con nên bốn anh em bà đã sớm hiểu rằng, mình sẽ chẳng nhận được gì nhiều từ bố mẹ.
Khi còn là thiếu niên, con cái bà đều làm thêm vào cuối tuần để có tiền tiêu vặt, rồi khi lớn lên chúng đều đi làm sau khi tan học.
Trải nghiệm thừa kế duy nhất mà chúng có được là khi bà ngoại chúng qua đời. Mỗi đứa được cho một món thừa kế nhỏ. Mẹ của bà đã làm việc cả đời, bà chẳng có gì nhiều để cho con cháu cả.
Bà chia sẻ rằng, mặc dù bà đã cho con cái biết là chúng sẽ không nhận được gì, bà vẫn có vài món đồ có giá trị như bông tai kim cương.
Những đứa trẻ chưa bán bất kì thứ gì được bà ngoại tặng. Bà ngoại thực sự là một người bà tuyệt vời nhất mà nữ nhà văn Laurie từng biết, luôn dành thời gian và thương yêu con cháu. Chúng không đòi hỏi gì thêm cả.
Ngoài một ít tiền thừa kế từ mẹ bà, thứ duy nhất mà bà Laurie từng thừa kế là chiếc xe đẩy hàng từ một người bạn đã qua đời. Bà Judy từng thấy, bà đi một cách khó khăn khi phải xách những túi hàng về nhà.
Khi bà Judy biết mình sắp qua đời, bà đã giao chiếc xe đẩy này lại cho bà Laurie. Và đương nhiên, bà Laurie rất coi trọng nó và cảm thấy như thể bà Judy đang đi siêu thị cùng mình.
Tất cả con cái bà đều hiểu rằng, cuộc sống của một nhà văn không mấy sung túc. Không ai có thể biết được, mình sẽ hết tiền lúc nào. Chúng sẽ thích một người mẹ làm những gì mình muốn hơn là một người mẹ cứ phải lo lắng xem sẽ để lại bao nhiêu tiền cho chúng.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là con cái bà không gặp khó khăn. Cũng như những cặp bố mẹ trẻ khác, chúng đều vật lộn với cuộc sống, và nếu bà có thể giúp được chúng thì bà luôn sẵn sàng. Nhưng trên hết, chúng không mong đợi sự giúp đỡ của bà.
Vài năm trước đó, những người cùng thời bà đưa ra nhiều ý kiến khác nhau về việc có nên để tiền thừa kế cho con cái hay không.
Những ông bố bà mẹ tiêu tiền vào những thứ như xe cộ hay du lịch à bà thấy điều đó thực sự thú vị. Cuộc sống là để tận hưởng, không phải để tích lũy tiền bạc.
Tiền trong ngân hàng chỉ đơn giản là tiền trong ngân hàng. Rồi sau họ sẽ lấy khoản tiền đó để trả cho ngôi nhà của bạn. Bà không tiêu tiền thừa kế của con cái, nhưng bà cũng không ngăn cản bản thân mình tận hưởng cuộc sống.
Một người bạn rất giàu của bà nói rằng, thái độ của bà quá kiêu ngạo và không tự nhiên. Ông ấy định sẽ để lại càng nhiều tiền càng tốt cho những đứa trẻ hư hỏng của ông ta. Theo quen điểm của bà, rõ ràng là ông ta đang dẫn lối con cái tới địa ngục với ý tốt của ông ta.
Cậu con trai hơn 30 tuổi của ông ta dường như vẫn bám víu lấy sự học mà chưa hề làm việc nghiêm túc một ngày nào. Một thời gian sau, bà đã phát hiện ra lý do đằng sau ý định đó của ông ta: khi bố ông qua đời, cụ đã để lại toàn bộ tài sản cho người vợ mới của cụ.
Bà cũng biết nhiều gia đình đã mất ăn mất ngủ vì chuyện phân chia tài sản, hay nếu ai đó để lại tài sản cho một nơi vớ vẩn nào đó thì sao. Vì vậy, bà rất biết ơn rằng, con cái của bà không ảo tưởng.
Một trong vài thứ mà bà cân nhắc sẽ để lại cho ai đó là đôi khuyên tai kim cương - món đồ trang sức kim cương duy nhất bà có - mà con cái của bà đã mua tặng nhân kỉ niệm ngày sinh nhật thứ 60 của bà.
Chỉ có một đôi khuyên tai mà bà lại có bà ba đứa con gái và bốn đứa cháu ngoại. Bà không cần phải là nhà toán học cũng biết là bà không thể chia đều cho cả 7 người được.
Có lẽ, bà sẽ tung đồng xu để chọn, cũng có lẽ sẽ chẳng đứa nào thực sự muốn nó. Bà cảm thấy thoải mái vì biết rằng, con cái bà sẽ chẳng tranh giành nhau. Bà và con cái là một gia đình sống không cần những mong đợi dù lớn hay nhỏ.
Nguồn: Daily Mail