Dự đoán thời điểm Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 7

Hùng Cường |

Việc Triều Tiên liên tục phóng tên lửa thời gian gần đây đã làm dấy lên lo ngại về khả năng nước này có thể sớm thử nghiệm một thiết bị hạt nhân – lần đầu tiên kể từ năm 2017.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thị sát một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: KCNA.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thị sát một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: KCNA.

Theo đánh giá của các quan chức Hàn Quốc, Triều Tiên đã chuẩn bị kỹ thuật cho một vụ thử mới trong các đường hầm dưới lòng đất tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri – địa điểm vốn đã bị đóng cửa kể từ năm 2018. Câu trả lời về thời điểm tiến hành vụ thử hiện đang nằm ở phía nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Dưới đây là những gì các quan chức nước ngoài và các chuyên gia phân tích nhận định về thời điểm và nguyên nhân thúc đẩy Triều Tiên có thể tiếp tục thử hạt nhân, bất chấp phản ứng từ phía cộng đồng quốc tế.

Khi nào Triều Tiên sẽ thử hạt nhân lần thứ 7?

Câu trả lời chỉ có Triều Tiên mới biết. Giới quan sát cho rằng, ngay cả ở Triều Tiên thì cũng chỉ có ông Kim Jong Un hoặc một số rất ít người thân cận với ông có thể biết được chính xác về thông tin này.

Triều Tiên vẫn luôn là một mục tiêu “khó nhằn” đối với điệp viên của Mỹ và các nước khác – những người dường như đã không thể đánh giá đúng những bước tiến của Bình Nhưỡng, bao gồm cả vụ thử bom khinh khí và phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có tầm bắn vươn đến lãnh thổ Mỹ hồi năm 2017.

“Chúng tôi thường có một cái nhìn khá toàn diện về năng lực của họ thông qua những gì có thể phát hiện được từ vệ tinh hoặc các thông tin tình báo khác, nhưng có quá nhiều điều liên quan đến suy nghĩ của ông Kim Jong Un mà chúng tôi thực sự không biết”, một quan chức quân sự phương Tây giấu tên thừa nhận.

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy, trong năm nay, Triều Tiên đã và đang nỗ lực khôi phục lại một số đường hầm tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Bãi thử này bị đóng cửa vào năm 2018 khi Bình Nhưỡng tuyên bố tạm dừng các vụ thử vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ông Kim cho biết, ông cảm thấy không còn bị ràng buộc bởi lệnh tạm dừng đó, trong bối cảnh các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa bị đình trệ kể từ năm 2019.

Tháng trước, các nhà lập pháp Hàn Quốc đánh giá khả năng Triều Tiên có thể thử hạt nhân trong khoảng thời gian từ Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ngày 16/10) đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ (ngày 7/11). Một số nhà phân tích thì cho rằng, có những yếu tố khác có thể tác động đến suy nghĩ của ông Kim Jong Un, chẳng hạn như tình hình dịch Covid-19 ở trong nước, cuộc chiến ở Ukraine, các ngày lễ lớn của đất nước…

Tại sao Triều Tiên thử hạt nhân và sẽ thử nghiệm gì?

Theo các chuyên gia, nếu Triều Tiên tiếp tục thử hạt nhân, điều đó có thể bao gồm việc phát triển các đầu đạn nhỏ hơn dành cho chiến trường – không dùng để tấn công các thành phố - và được thiết kế để phù hợp với các tên lửa tầm ngắn như loại được nước này phóng thử hồi cuối tuần trước.

Các vụ thử tên lửa gần đây nhất liên quan các đơn vị vận hành vũ khí hạt nhân chiến thuật, Reuters dẫn lại thông tin từ truyền thông Triều Tiên.

Dự đoán thời điểm Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 7 - Ảnh 1.

Thu nhỏ được kích thước cũng có thể cho phép Triều Tiên lắp được nhiều đầu đạn trên một ICBM, qua đó cho phép một tên lửa có thể tấn công cùng lúc nhiều mục tiêu và gây khó khăn cho hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.

Triều Tiên cũng tuyên bố muốn triển khai vũ khí hạt nhân lớn hơn nhiều, nên các nhà phân tích cho rằng nhiều hoạt động liên quan có thể đang được thực hiện.

Ông Vann Van Diepen, cựu chuyên gia về Triều Tiên của chính phủ Mỹ, hiện làm việc cho dự án 38 North đánh giá, Bình Nhưỡng có thể sử dụng một vụ thử hạt nhân để gia tăng sức ép lên Washington, trong lúc Mỹ đang bận rộn với cuộc xung đột ở Ukraine và những cuộc khủng hoảng khác.

Phản ứng sẽ là gì?

Mỹ và các đồng minh ở châu Á cảnh báo rằng việc Triều Tiên nối lại thử hạt nhân sẽ hứng chịu phản ứng “mạnh mẽ và kiên quyết” nhưng không nêu chi tiết phản ứng đó là gì. Triều Tiên đã phải hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt sau các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân. Mỹ cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản thời gian qua cũng nối lại các hoạt động tập trận trong khu vực để gửi thông điệp cứng rắn đến Bình Nhưỡng.

Giới quan sát đánh giá, cả Moscow và Bắc Kinh có thể đều không hoan nghênh việc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân nhưng cả hai nước này vẫn sẽ không ủng hộ bất kỳ hình thức trừng phạt mới nào nhằm vào Bình Nhưỡng.

“Họ [Nga và Trung Quốc – ND] có thể vẫn sẽ không quan tâm đến trừng phạt Triều Tiên. Tôi nghĩ vấn đề này hiện tại thậm chí còn nhận được ít sự quan tâm của họ hơn so với 5-10 năm trước vì bản chất mối quan hệ giữa Nga-Trung với Mỹ hiện xấu đi rất nhiều”, ông Van Diepen nói./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại