Dù di căn vẫn có thể cứu chữa được, giáo sư đầu ngành đưa ra lời khuyên phòng tránh bệnh

Thảo Nguyên |

Ung thư tuyến giáp là căn bệnh ung thư có tiên lượng tốt nhất, tỷ lệ sống trên 10 năm đạt 80 -90%. Thậm chí có trường hợp di căn hạch cổ vẫn có khả năng cứu chữa.

Tuy còn trẻ tuổi nhưng nhiều người đã bị ung thư tuyến giáp

Bệnh nhân Nguyễn Hoàng Ph. quê tại Phú Thọ từng phẫu thuật điều trị ung thư tuyến giáp tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Ph. 21 tuổi, vừa học xong trung cấp.

Nhìn nét mặt của cô gái xinh xắn nhưng không ai biết rằng cô đang mang trong mình căn bệnh ung thư.

Ph. kể cô bị bướu cổ khi vừa vào học trung cấp mầm non. Thấy một chiếc bướu nhỏ ở cổ, gia đình cô chủ quan cho rằng bướu lành nên chỉ uống thuốc bắc để tự tiêu.

Một phần nguyên nhân nữa là gia đình của Ph. sợ con gái chưa chồng mổ xẻ nhiều sau này khó có con.

Hơn nữa, bản thân mẹ Ph. từng bị bướu cổ và có một vết sẹo dài ở cổ. Chỉ nhìn thấy vết sẹo đó, Ph. đã không đủ tự tin. Cô nấn ná việc đi phẫu thuật vì hi vọng uống thuốc bướu sẽ tự tan.

Tuy nhiên, gần đây Ph. thấy mệt mỏi, bướu cổ không to ra, không đau đớn nhưng cảm thấy bị chèn vào thực quản. Chờ thi tốt nghiệp xong, gia đình mới đưa Ph. xuống Hà Nội khám.

Khi xuống Hà Nội kiểm tra, bác sĩ làm sinh thiết u ở cổ và 1 tuần sau có kết quả. Cả gia đình Ph. và bản thân cô sốc với chẩn đoán dương tính với tế bào ác tính, theo dõi ung thư tuyến giáp.

Bác sĩ làm siêu âm tuyến giáp kết quả là u ở dạng gai, tế bào ung thư đang phát triển rất nhanh nên chỉ định phẫu thuật.

Dù di căn vẫn có thể cứu chữa được, giáo sư đầu ngành đưa ra lời khuyên phòng tránh bệnh - Ảnh 1.

Đại đa số ung thư tuyến giáp đều tiến triển âm thầm, chậm và kéo dài nên bệnh nhân thường không nhận thấy được ngay những thay đổi của toàn thân, vẫn lao động và sinh hoạt bình thường.

Cho đến khi xuất hiện những rối loạn tại chỗ do bị u chèn ép, xâm ấn (gây khó thở và không ăn uống được), khối u hoại tử, bội nhiễm và loét thì tình trạng toàn thân mới sa sút nặng.

Với trường hợp của Ph, PGS Trần Ngọc Lương – Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết đây không phải là trường hợp hiếm gặp.

Tâm lý của các bệnh nhân bị bướu cổ là cứ nghĩ đây không không phải bệnh cấp tính nên thường chủ quan không đi khám, thậm chí những bệnh nhân sợ mổ sẽ để lại sẹo cũng rất nhiều. Họ tìm các phương pháp chữa khác nhau để không phải lên bàn phẫu thuật.

PGS Lương cho biết, quan niệm này là sai lầm, cần loại bỏ bởi bệnh bướu cổ có nhiều thể khác nhau.

Khi có dấu hiệu u tuyến giáp bệnh nhân cần đến khám bác sĩ để có những chẩn đoán và biện pháp điều trị thích hợp nhất đối với từng bệnh trạng, từng bệnh nhân.

Dù di căn vẫn có thể cứu chữa được, giáo sư đầu ngành đưa ra lời khuyên phòng tránh bệnh - Ảnh 2.

Căn bệnh ung thư có tiên lượng tốt

Triệu chứng của ung thư tuyến giáp là có khối u vùng trước cổ lấn ra phía trước, ra sau, lên hai cực trên sát hai góc hàm và xuống dưới vào trong trung thất. Có khi khối u xâm chiếm và loét sùi qua da vùng cổ, gây chảy máu và bội nhiễm tại chỗ.

Đáng quan tâm là những dấu hiệu của ung thư tuyến giáp thường xuất hiện muộn.

Thứ hai, khàn tiếng, khó thở, khó nuốt, nuốt nghẹn…. ở các mức độ khác nhau do khối u phát triển xâm lấn và chèn ép các cơ quan xung quanh. Các triệu chứng này gặp với tỉ lệ cao và sớm, nhất là ở ung thư thể không phân biệt hóa.

Ngoài ra, bệnh nhân còn có cảm giác vướng tức, bó chặt ở vùng cổ, cảm giác đau tức tại u lan lên góc hàm, mang tai cùng bên do u chèn ép và kích thích đám rối thần kinh cổ.

Theo GS Nguyễn Bá Đức- Nguyên Giám đốc Bệnh viện K Hà Nội, ung thư tuyến giáp là căn bệnh ung thư có tiên lượng tốt nhất, tỷ lệ sống trên 10 năm đạt 80 -90%. Thậm chí có trường hợp di căn hạch cổ thì vẫn có khả năng cứu chữa.

Dù di căn vẫn có thể cứu chữa được, giáo sư đầu ngành đưa ra lời khuyên phòng tránh bệnh - Ảnh 3.

GS Nguyễn Bá Đức- Nguyên Giám đốc Bệnh viện K Hà Nội.

Ung thư tuyến giáp xảy ra ở phụ nữ cao hơn đàn ông gấp 3 lần. Theo nghiên cứu của Hội ung thư Hà Nội, ung thư tuyến giáp đứng thứ 6 trong 10 bệnh ung thư phổ biến ở nước ta.

GS Đức cho biết ung thư tuyến giáp xảy ra ở bất kỳ ở lứa tuổi nào nhưng phụ nữ hay bị ở tuổi 45- 49, nam giới hay xảy ra ở 65 – 69.

Giống các bệnh ung thư, ung thư tuyến giáp chưa rõ nguyên nhân nhưng nó có các yếu tố nguy cơ như chế độ ăn thiếu I ốt.

Theo GS Đức, ung thư tuyến giáp thể nang thường gặp ở những nơi người dân ăn thiếu i-ốt.

Ung thư tuyến giáp thể nhú ở những trường hợp tiếp xúc với các chất phóng xạ. Nguồn xạ này có thể do điều trị y tế, bức xạ bị rò rỉ từ các sự cố nhà máy nguyên tử hoặc vũ khí hạt nhân.

Các chuyên gia cũng chỉ ra ở trẻ em nếu xạ trị vùng đầu cổ khi còn nhỏ, nguy cơ ung thư tuyến giáp càng cao.

Một số bệnh ung thư tuyến giáp cũng liên quan đến yếu tố di truyền.

Để chẩn đoán ung thư tuyến giáp thì sinh thiết khối u vùng giáp cho kết quả chính xác tới 90%.

Để phòng ung thư tuyến giáp, theo GS Đức cách tốt nhất là chế độ ăn có đủ i-ốt và tránh tiếp xúc các tia xạ, liều điều trị xạ từ nhỏ, nguồn xạ từ bom nguyên tử…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại