Giáo sư khoa nha chu và nha khoa tại Đại học New York, Mỹ nói rằng: “Trong miệng của chúng ta có chứa hơn 700 loại vi khuẩn khác nhau. Không phải tất cả vi khuẩn đều có hại. Nhưng nếu một phần tử vi khuẩn có hại sinh sôi trên tia lưỡi hoặc trên vết nứt ở bề mặt lưỡi thì đó sẽ là một chuyện cực kì nghiêm trọng”.
Barbara L. McClatchie, Bác sĩ nha khoa, đồng thời là thành viên sáng lập Học viện Nha khoa y tế Mỹ và chủ sở hữu Phòng khám nha khoa tại Colombus, Ohio, Mỹ cho biết, lưỡi của bạn giống như một miếng bọt biển chứa đầy vi khuẩn, chúng có thể lây lan ra khắp miệng và gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng đến răng miệng.
Chính vì vậy, nếu vệ sinh răng mà quên mất vệ sinh lưỡi, bạn sẽ gặp phải 5 hậu quả sau đây:
1. Chứng hôi miệng
Bác sĩ nha khoa Steve Bad, chủ sở hữu phòng khám Austin City Dental ở Austin, Texas cho biết: “Hôi miệng là một trong những dấu hiệu cảnh báo việc vệ sinh răng miệng của bạn có vấn đề. Vì lúc ấy, vi khuẩn sẽ phát triển ở môi trường lưỡi, nhất là ở phía sau lưỡi, tạo nên hơi thở mùi hôi thối khó chịu.
Việc bạn cần làm ở đây chính là hãy chú trọng và vệ sinh thật kĩ vùng mặt sau lưỡi của bạn để loại bỏ vi khuẩn gây mùi cho hơi thở của bạn.
2. Mất khả năng cảm nhận vị
Bà McClatchie cho biết, nếu bạn không đánh lưỡi, một lớp vi khuẩn cùng cặn thực phẩm sẽ phủ đầy lên chồi vị giác, khiến cho lưỡi bạn cảm nhận được mùi vị chậm hơn. Khi chải lưỡi, lớp vi khuẩn và cặn bẩn sẽ được đánh bật và chồi vị giác của bạn sẽ có cảm giác nhạy trở lại.
3. Lưỡi mọc lông
Đây là hiện tượng khi chồi vị giác trên lưỡi của bạn bị nhuốm màu từ thức ăn hoặc do đồ uống như cà phê, để lại các cặn bẩn dính trên lưỡi.
Sau lâu ngày không chải lưỡi, vi khuẩn sẽ phát triển và bao phủ lên mặt lưỡi một lớp đen giống như tóc. Nó vô hại, nhưng đừng vì thế mà chủ quan, hãy mau chóng vệ sinh ngay vùng mặt lưỡi, tức khắc chúng sẽ biến mất.
4. Nấm miệng
Nấm miệng xảy ra khi bạn không vệ sinh răng miệng cẩn thận, nhất là không vệ sinh lưỡi, khiến cho vi khuẩn nấm men phát triển nhanh chóng.
Biểu hiện của triệu chứng này là xuất hiện các mảng trắng trên lưỡi. Vì thế, các chuyên gia khuyên bạn nên dùng thuốc kháng nấm, kết hợp với việc đánh lưỡi thường xuyên để ngăn không cho nấm men quay trở lại.
5. Viêm quanh vùng răng miệng
Vi khuẩn tích tụ trên vùng lưỡi có thể lây lan sang răng, gây viêm lợi hoặc viêm nướu. Nếu không tích cực điều trị, chứng viêm có thể tiến triển thành bệnh nha chu. Bà McClatchie cảnh báo rằng bạn có thể bị rụng răng, và đáng sợ hơn là viêm nha chu có thể gây ra nguy cơ đau tim, đột quỵ, sảy thai.
Phương pháp cải thiện
Ngay từ bây giờ, hãy cài đặt cho mình thói quen đánh lưỡi hàng ngày. Cách chải lưỡi đúng nhất mà các chuyên gia khuyên bạn là: Bắt đầu chải từ phía sau lưỡi, nhẹ nhàng chải lên mặt trước, sau đó chải sang hai mặt bên lưỡi.
Bên cạnh đó, bác sĩ McClatchie còn khuyên rằng: “Chải lưỡi không cần dùng đến kem đánh răng, nhưng nếu có thì sẽ tốt hơn. Vì không chỉ đem lại cảm giác thoải mái hơn cho bạn, kem đánh răng còn giúp làm sạch lưỡi hiệu quả hơn nhờ tính mài mòn của nó.
Thực hiện chải lưỡi mỗi ngày một lần, hoặc lý tưởng nhất là 2 lần/ngày”.
*Theo Women’s Health