Dự báo thời điểm cơn "sốt đất" có thể quay trở lại thị trường địa ốc?

Hải Nam |

Tính theo chu kỳ, cơn sốt đất có thể xuất hiện giai đoạn 2025-2026. Tuy nhiên, theo chuyên gia, điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đến nay, thị trường vẫn trầm lắng và dự kiến 2024 mới có thể hồi phục nhẹ.

Dự báo thời điểm cơn sốt đất có thể quay trở lại thị trường địa ốc? - Ảnh 1.

Trong báo cáo mới đây, VNDirect đưa ra dự báo thị trường bất động sản sẽ vẫn trầm lắng trong năm 2024, sự hồi phục sẽ rõ ràng hơn từ nửa cuối 2024 khi chính sách tiền tệ được nới lỏng hơn.

Theo đơn vị này, có một sự khác biệt lớn giữa thời điểm hiện tại và giai đoạn 2011-2012. Ở giai đoạn trước, thị trường trong trạng thái dư cung và lạm phát ở mức rất cao, trong khi hiện tại nguồn cung dự án rất hạn chế và nguồn cầu vẫn chực chờ ở mức cao.

Dựa trên dòng nghiên cứu kéo dài chu kỳ lặp lại, đơn vị này cũng dự báo, cơn sốt đất có thể quay lại vào giai đoạn 2025-2026.

Trong khi đó, ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc Mảng dịch vụ Tư vấn & Phát triển Dự án DKRA Group nhận định: “Thị trường bất động sản Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn, dự báo sẽ còn kéo dài đến hết năm 2023, sang đầu 2024 sẽ dần nhìn thấy các tín hiệu phục hồi. Tuy nhiên, không thể kỳ vọng về một hình mẫu hồi phục “chữ V” ở thời điểm này, mà thị trường sẽ dần dần có những bước đi lên vững chắc, tạo đà cho sự phát triển bền vững trong tương lai”.

Ông Thắng cho rằng, thời điểm hiện tại cho đến nửa đầu năm 2024 có thể xem như bước khởi đầu của một chu kỳ phục hồi và tăng trưởng tiếp theo của thị trường bất động sản. Thời điểm sốt đất khó đưa ra dự báo mà hiện tại thị trường cần sự hồi phục.

Theo ông Thắng, khi chính sách điều hành được thẩm thấu, tỷ lệ giải ngân đầu tư công tăng, tình hình lãi suất cho vay/lãi suất tiền gửi duy trì xu hướng giảm, niềm tin vào thị trường hồi phục trở lại... bức tranh thị trường sẽ dần trở nên tươi sáng hơn.

Để thị trường bất động sản 2024 hồi phục mạnh mẽ cần phải củng cố niềm tin cho giới đầu tư. Để làm được điều này, theo ông Thắng cần phải giải quyết 3 vấn đề.

Thứ nhất, việc giải tỏa tâm lý “bi quan” khi nhắc đến thị trường bất động sản là hết sức cần thiết. Thời gian qua, những thông tin kém tích cực về viễn cảnh chung của nền kinh tế và thị trường bất động sản vô hình trung đã gây sức ép tâm lý lên người mua/nhà đầu tư. Việc cần làm lúc này là lấy lại niềm tin thị trường thông qua những nỗ lực tăng trưởng kinh tế, ban hành các chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nguồn cung cho thị trường...

Thứ hai, cần giải quyết sớm các vướng mắc về pháp lý dựa án điển hình là dự án có vướng đất công, đất xen cài.

Thứ ba, cần khơi thông nguồn vốn tín dụng và minh bạch thị trường trái phiếu bất động sản.

Theo ông Thắng, duy lãi suất thời gian qua đã liên tục điều chỉnh giảm trước chỉ đạo trực tiếp từ Ngân hàng Nhà nước tuy nhiên điều kiện cho vay vẫn còn tương đối khắc khe, ngăn cản việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp bất động sản.

Mặc dù Thông tư 10/2023/TT- NHNN được ban hành nhưng chỉ tạm hoãn chứ không bãi bỏ một số quy định cấm cho vay tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN, cái khó vẫn còn chờ đợi các doanh nghiệp ở phía trước. Do đó, cần song hành giảm lãi suất với việc nới lỏng điều kiện cho vay để chỉ đạo trên phát huy tối đa hiệu quả, trở thành bệ đỡ quan trọng cho đà hồi phục thị trường.

Ông Thắng phân tích, về thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, sau thời gian ngưng trệ vì hàng loạt vấn đề, đến nay mặc dù dư nợ đã giảm đáng kể từ khi Nghị định 65/2022/ NĐ-CP được áp dụng nhưng vẫn còn ở mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Vừa qua, Nghị định 08/2023/NĐ-CP đưa ra cho doanh nghiệp hướng xử lý đối với dư nợ trái phiếu trên nhưng cũng chỉ mang tính chất “trì hoãn”, kéo dài thời hạn trả nợ, doanh nghiệp vẫn cần phải lên kế hoạch thu xếp dòng tiền để xử lý một cách triệt để khi thời gian ân hạn kết thúc.

Đây là nguồn vốn quan trọng cho thị trường bất động sản bởi vậy cần sớm lành mạnh hóa hoạt động của thị trường này nhằm giúp các doanh nghiệp có thể huy động vốn tốt phục vụ cho hoạt động kinh doanh, đồng thời để các nhà đầu tư yên tâm khi tham gia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại