Người dân Trung Quốc tại một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh - Ảnh: REUTERS
Cụ thể, trong báo cáo công bố ngày 18-1, IEA dự đoán nhu cầu dầu mỏ trên thế giới có thể tăng thêm 1,9 triệu thùng/ngày, đạt mốc kỷ lục 101,7 triệu thùng/ngày, với tác động kinh tế từ việc Trung Quốc mở cửa.
Trung Quốc ảnh hưởng lên một nửa nhu cầu
Từ tháng 12-2022, Trung Quốc dần nới lỏng quy định phòng dịch COVID-19. Việc này mở đường cho các hoạt động kinh tế, du lịch cũng như thương mại trong nước phục hồi.
Sự hồi phục của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khiến các nhà kinh tế kỳ vọng tăng trưởng trong quý đầu của năm 2023 và khả quan hơn trong phần còn lại.
Tuy nhiên, cũng có một số lo ngại về việc kinh tế khôi phục đồng nghĩa sức ép lạm phát cũng lớn theo. Nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc cũng có khả năng tác động tới thị trường dầu.
"Trung Quốc sẽ thúc đẩy gần một nửa tăng trưởng trong nhu cầu toàn cầu, kể cả khi tốc độ và cách thức mở cửa nền kinh tế của họ vẫn còn chưa rõ ràng", IEA viết.
Cơ quan này cho biết xuất khẩu dầu mỏ từ Nga đã giảm trung bình 200.000 thùng/ngày trong tháng 12 qua so với tháng trước đó, sau khi Liên minh châu Âu cấm nhập khẩu dầu thô Nga, đồng thời các nước G7 cũng áp giá trần trong các giao dịch năng lượng với Nga.
Giá dầu thô Brent giảm năm ngoái sau khi đạt mốc 139 USD/thùng, mức cao nhất trong 14 năm. Kể từ tháng 12, giá dầu đã hồi phục và chạm mốc 87 USD/thùng, tính tới ngày 18-1.
Lạc quan nhờ Trung Quốc
Báo cáo của IEA được đưa ra khi các lãnh đạo doanh nghiệp bày tỏ sự lạc quan thận trọng rằng thế giới có thể không suy thoái trong năm 2023. Trước đó, các dự báo kinh tế cho năm nay đa phần ảm đạm.
Theo Đài CNN, tâm lý lạc quan phần lớn nhờ vào việc Trung Quốc mở cửa. Giới quan sát kỳ vọng Trung Quốc sẽ tạo ra một làn sóng chi tiêu có thể bù đắp cho các nền kinh tế khác như Mỹ và châu Âu.
Đầu tháng này, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng khoảng 1/3 các nền kinh tế thế giới có khả năng rơi vào suy thoái trong năm nay, tức phải chứng kiến hai quý liên tiếp trở lên có tăng trưởng giảm.
Tháng 11 năm ngoái, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đối tác cũng bắt đầu giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày. Đây là chính sách có thể được duy trì trong năm 2023 do dự báo nhu cầu yếu.