Chưa nắm được cụ thể
Đầu tháng 3, trên cánh đồng thôn Xuân Dục, xã Tân Minh (Sóc Sơn, Hà Nội), nhiều người dân vẫn chăm sóc lúa trên cánh đồng được quy hoạch xây dựng trường đua ngựa quy mô 125ha. Cánh đồng lúa vừa cấy xong đang lên lá non.
Thấy phóng viên hỏi về dự án trường đua ngựa, nhiều người lắc đầu bảo không nắm được thông tin cụ thể, chỉ nghe loáng thoáng qua câu chuyện ngoài đường, ngoài chợ.
“Ruộng nhà tôi cũng ở cánh đồng, nhưng chưa thấy ai nói gì. Cũng có thông tin bảo là lấy cách mặt đường mấy chục mét”, một người dân đang làm cỏ cho thửa ruộng trồng rau ven đường nói. Trong khi đó, một người đàn ông có nhà nhìn thẳng ra khu cánh đồng dự kiến xây dựng trường đua ngựa cho biết, cánh đồng đã được xác định ranh giới của dự án.
“Họ lấy khu đất tránh xa khu vực nghĩa trang để tránh phải đền bù nhiều”, người này nhận định. Cũng theo ông này, thời gian gần đây, nhiều người ở các nơi khác về dò hỏi, mua đất trong thôn. “Vừa rồi có một nhà bán đất rồi, hiện họ đã quây tôn để đấy.
Giá hình như 1,5 - 2 triệu/mét vuông”, ông này nói, đồng thời cho biết, cũng nhiều người hỏi mua đất nhà ông, tuy nhiên ông không bán.
Đang đi bón phân đạm cho lúa, bà Nguyễn Thị Việc, người dân thôn Xuân Dục cho biết, cũng nghe loáng thoáng thông tin gần như toàn bộ cánh đồng của thôn sẽ được xây dựng trở thành trường đua ngựa.
Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chỉ là thông tin truyền tai nhau chứ chính quyền chưa tổ chức họp dân, chưa nghe thông tin chính thức và cũng chưa rõ phương án đền bù thế nào.
“Cánh đồng này gần như có ruộng của toàn bộ người dân thôn Xuân Dục. Nếu lấy hết thì người dân cũng gặp khó khăn vì ruộng của dân còn rất ít”, bà Việc nói.
Bà Việc cũng cho biết thêm, hiện nay, nhiều người tìm về thôn hỏi mua đất. Nhà bà có những ngày tiếp vài ba người hỏi mua đất. Nếu là đất nông nghiệp họ hỏi mua với giá 2 - 3 triệu đồng/mét.
Tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Đàm Khắc Trường, Chủ tịch UBND xã Tân Minh cho biết, dự án trường đua ngựa vừa được phê duyệt quy hoạch gần như sử dụng hết cánh đồng của thôn Xuân Dục và một phần đất của xã Phù Linh.
Do là đất nông nghiệp nên cũng không gặp quá nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Hiện nay, các đơn vị chức năng đã xác định ranh giới của khu vực dự án, tuy nhiên chưa cắm mốc phân chia.
“Dự án trường đua ngựa này đã có trong quy hoạch từ lâu, nhưng chưa triển khai được.
Lần này có vẻ dự án sẽ làm thành công”, ông Trường nói, đồng thời cho biết, đã có nhiều cuộc họp về dự án này, thậm chí, phía đối tác bên Hàn Quốc cũng đã có đề nghị thành phố, huyện và chính quyền xã khẩn trương hoàn thành các thủ tục cần thiết để khởi công.
Chia sẻ thêm, ông Trường cho biết, cánh đồng thôn Xuân Dục, nơi quy hoạch xây dựng tổ hợp trường đua ngựa có khoảng 3 - 4 nghìn hộ dân canh tác. Tuy nhiên, đất đai nhiều cát sỏi, có thời điểm thiếu nước, nên về cơ bản chuyển đổi sang mục đích khác được bà con đồng tình, ủng hộ. Do dự án chưa triển khai nên hiện tại bà con vẫn tiếp tục canh tác.
“Có người còn nói, bao nhiêu năm còn không triển khai được, để chờ xem đợt tới triển khai thế nào”, ông Trường nói.
Cũng theo lãnh đạo xã Tân Minh, dự án trường đua ngựa được xây dựng sẽ thay đổi đáng kể bộ mặt của thôn Xuân Dục, xã và cả khu vực này khi đường giao thông được mở rộng, kết nối với Bắc Giang, Thái Nguyên, tạo việc làm cho hàng nghìn người dân địa phương...
Bộ KH&ĐT vừa có tờ trình gửi Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trường đua ngựa tại Sóc Sơn, Hà Nội.
Quy mô sử dụng đất của dự án dự kiến lên tới 125ha, trong đó sẽ làm trường đua ngựa - sân vận động phục vụ đua ngựa sức chứa 30.000 khán giả rộng 99,5ha, hồ điều hòa 22,5ha, khách sạn 3 sao 1,5ha, trung tâm hội nghị, hội thảo 0,5ha và khu biệt thự nghỉ dưỡng 1ha.
Hà Nội dự kiến sẽ đưa vào vận hành hạng mục trường đua từ năm 2021. Vốn đầu tư dự án khoảng 420 triệu USD, riêng hạng mục trường đua ngựa có vốn đầu tư gần 350 triệu USD. Hai nhà đầu tư là Tổng Cty Du lịch Hà Nội và Global Consultant Network Co., Ltd (Hàn Quốc) được chọn thực hiện dự án.
Dự kiến, dự án tạo thu nhập cho khoảng 5.000 lao động trực tiếp, trong khi các hoạt động phụ trợ (khách sạn, biệt thự, khu nghỉ dưỡng, trung tâm mua sắm và công viên phục vụ cho văn hóa giải trí) dự tính thu hút khoảng 20.000- 25.000 lao động.