Dự án thép Hoa Sen Cà Ná: Sẽ ngừng ngay nếu không an toàn

Nguyễn Dũng |

Đó là lời cam kết của Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) Lê Phước Vũ ngày 7/9 khi nói với các phóng viên về dự án thép Hoa Sen Cà Ná (tỉnh Ninh Thận) đang gây tranh cãi.

"Đi trong tâm bão"

Sự hoài nghi và lo ngại về dự án thép Hoa Sen Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen có nguyên nhân quan trọng từ sự cố môi trường Formosa gây ra. Ông Vũ cũng khẳng định: "Thời điểm này làm thép là chính tôi đang đi trong tâm "bão", tự đặt mình vào thế khó. Nhưng đây là cơ hội nên không thể bỏ lỡ.

Và cơ hội này không phải chỉ cho bản thân tôi, cho HSG mà còn cho cả đất nước Việt Nam".

Ông Vũ cho biết, dự án thép Hoa Sen Cà Ná đã được ông và HĐQT xác định là mũi nhọn ở nhiều năm về trước.

"Trước khi lựa chọn Cà Ná- Ninh Thuận là nơi đầu tư xây dựng khu liên hợp dự án thép, chúng tôi đã tính tới một số địa điểm như ở Dung Quất (Quảng Ngãi) hay Đông Hồi (Nghệ An)…

Tuy nhiên, chỉ có Cà Ná là phù hợp về mặt vị trí địa lý, môi trường, kinh phí…", ông Vũ nói.

Dự tính chi phí đầu tư cảng Cà Ná vào khoảng 12.000 tỷ đồng, nhưng hiện tỉnh Ninh Thuận đang đề nghị Chính phủ đầu tư theo hình thức PPP.

Theo đó, Nhà nước sẽ làm phần đê chắn sóng nên dự kiến vốn đầu tư Hoa Sen bỏ ra vào khoảng 7.000 - 8.000 tỷ. Do không có sóng nên cảng sẽ không bị bồi lắng và không tốn chi phí nạo vét.

Về nguồn vốn đầu tư dự án, theo ông Vũ, Ngân hàng Vietinbank đã cam kết đầu tư 500 triệu USD cho dự án nên Tập đoàn Hoa Sen không có ý định phát hành thêm cổ phiếu hoặc trái phiếu để thu hút vốn.

Như vậy, trong vòng 10 năm tới, dự kiến vốn điều lệ của Hoa Sen sẽ tăng lên 10.000 tỷ đồng.

Dự án được tiến hành theo 5 giai đoạn (từ 2017-2031), chia làm nhiều phân kỳ, công suất dự kiến đạt 16 triệu tấn/năm.

Trong đó, phân kỳ 1 thuộc giai đoạn I của dự án được thực hiện trong năm 2017-2018 trên nền đất 240 ha, công suất dự kiến 1,5 triệu tấn/năm và sẽ chính thức hoạt động trong năm 2019.

Để dự án được triển khai đồng bộ, linh hoạt và hiệu quả, HSG sẽ triển khai ba dự án bao gồm: Dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná; Dự án đầu tư Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná và Dự án đầu tư Cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen Cà Ná.

"Giải một bài toán khó"

Đánh giá về dự án thép Hoa Sen Cà Ná, ông Lê Phước Vũ cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay với ông là sự đồng thuận bởi tâm lý của chúng ta đang lo ngại dự án thép sau sự cố của Formosa.

"Theo tôi, sự cố của Formosa là do sử dụng công nghệ luyện cốc thu hồi hóa chất. Tôi cam kết không sử dụng công nghệ như Formosa nên sẽ không xảy ra sự cố môi trường. Công nghệ luyện cốc của Hoa Sen là luyện cốc khô.

Trong giai đoạn đầu với công suất 1,5 triệu tấn, chúng tôi cũng sẽ nhập khẩu chứ chưa đầu tư luyện cốc. Khi các công đoạn khác đã hoạt động tốt mới đầu tư luyện cốc và sẽ mời chuyên gia từ Mỹ, châu Âu giám sát", ông Vũ nói.

Riêng về việc sử dụng nước biển để luyện thép, ông Vũ tự tin khi cho rằng, nhiều nhà máy thép trên thế giới đã sử dụng nước lọc từ nước biển để sản xuất.

Tại Việt Nam đã có dự án của tập đoàn Doosan Hàn Quốc ở Dung Quất chuyên sản xuất các thiết bị lọc nước biển xuất khẩu sang Trung Đông. Tỉnh Ninh Thuận cũng cam kết cung cấp nước sạch cho dự án.

Về công nghệ và nhà thầu sẽ thi công dự án, ông Vũ cho biết, song song với quá trình hoàn tất các thủ tục giấy phép, tập đoàn cũng đã gửi giấy mời đấu thầu đến các đơn vị có tiếng trên thế giới.

"Tâm lý của chúng ta là luôn hoài nghi những gì liên quan đến Trung Quốc, chúng tôi chưa thể khẳng định đối tác nào, là châu Âu hay Trung Quốc vì còn phụ thuộc kết quả đấu thầu, nhưng dù là ai thì ít nhiều công nghệ, thiết bị của họ cũng có một phần sẽ xuất xứ từ Trung Quốc.

Bởi hầu hết các công ty lớn trên thế giới đều đặt nhà máy ở nước này", ông Vũ nói.

Theo ông Vũ, trong các dự án lớn như thế này, vấn đề môi trường luôn được đặt lên hàng đầu nhưng không phải vì mối lo về môi trường mà không phát triển kinh tế. "Dự án này hoàn toàn khác với Formosa.

Chúng tôi cam kết sẽ không để xảy ra sự cố môi trường như vậy.

Nếu trong quá tình làm dự án cảm thấy không an toàn, chúng tôi sẽ dừng ngay", ông Vũ khẳng định và cho biết, trong quá trình làm dự án, tất cả mọi thứ đều được công khai, minh bạch để tạo lòng tin, tránh để người dân hoài nghi.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) Lê Phước Vũ cho biết: Để đánh giá tác động môi trường, ông đã mời 5 viện chuyên về khoa học môi trường của Việt Nam tham gia cùng với nhiều chuyên gia nước ngoài. Hiện một chuyên gia có tiếng đang cố vấn môi trường cho dự án với mức lương từ 1.000-1.200 USD/ngày.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại