Dự án Team Tempest: "Cơn bão táp chết chóc" dành cho Su-57, F-35 và J-20 đến từ nước Anh?

Bảo Lam |

Người Anh đã biết cách phải làm gì để giành thắng lợi trước các "ông lớn" không quân Nga, Mỹ và Trung Quốc?

Team Tempest - Dự án đầy tham vọng của người Anh

Tạp chí chuyên ngành của Mỹ, Aviation Week & Space Technology (AW&ST) đưa tin rằng, chương trình tiêm kích tương lai của Anh "Team Tempest" (Bão táp) bất ngờ nhận được sự chú ý của một loạt công ty "máu mặt" sẵn sàng đầu tư tiền cho chiếc máy bay chiến đấu này.

Mới chỉ hơn 9 tháng kể từ khi bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson công bố quan điểm của London đối với việc phát triển Các lực lượng không quân Hoàng gia trên cơ sở Tempest nhưng dự kiến sẽ phải được đưa vào khai thác trong cuối thập niên 30 của thế kỷ này.

Trong bản tin từ AW&ST có 3 điểm cần lý giải. Thứ nhất, tại sao Tempest lại được trình làng trước giới truyền thông như một cỗ máy thế hệ thứ 6, mặc dù chính những người Anh lại viết về nó như chiếc tiêm kích thế hệ tiếp theo.

Ở đây, người tiền nhiệm của nó được coi là chiếc máy bay đa nhiệm Eurofighter Typhoon thế hệ thứ 4. Cho nên, không có chuyện siêu đột phá nào đó về công nghệ trong dự án này.

Sự rối rắm trên có vẻ như là nhằm mục đích không làm cho người ta nghi ngờ về khả năng chiến đấu của F-35 Lightning II. Được biết, London có kế hoạch mua tổng cộng 138 chiếc F-35 và đến năm 2021 dự kiến sẽ chi tới hơn 12 tỷ bảng Anh cho mục đích này.

Tuy nhiên, số lượng có thể được xem xét lại, bởi vì sự khởi đầu của chương trình Tempest lại trùng lặp một cách đáng ngờ với thời gian bắt đầu khai thác các máy bay F-35 đầu tiên của Lực lượng không quân Hoàng gia Anh.

Dự án Team Tempest: Cơn bão táp chết chóc dành cho Su-57, F-35 và J-20 đến từ nước Anh? - Ảnh 1.

Tiêm kích tàng hình siêu thanh F-35 Lightning mới được kỳ vọng sẽ gia tăng thêm các khả năng phòng thủ cho Không quân Hoàng gia Anh. Ảnh: PA

Một câu hỏi thú vị được đặt ra - đó là tại sao Luân Đôn lại bỏ tiền để nghiên cứu chế tạo chiếc siêu tiêm kích của mình, trong khi đã mua cỗ máy, mà như các nước châu Âu hết lời ca tụng, là không có đối thủ trên thế giới.

Lời giải thích duy nhất chỉ có một: Lightning II không đáp ứng những tiêu chuẩn của người Anh về chiếc tiêm kích có khả năng chiếm lĩnh ưu thế thực sự trên không.

Điểm thứ hai của bài viết trên AW&ST có liên quan tới số tiền mà chính phủ Anh chi cho công tác nghiên cứu chế tạo Tempest. Số tiền 2 tỷ bảng Anh như cam kết, có vẻ không nghiêm túc lắm khi người Mỹ bỏ ra tới 350 tỷ USD cho việc chế tạo chiếc F-35 của mình.

Thực tế, theo AW&ST, còn các khoản đầu tư khác đã đổ vào dự án. Có nghĩa là các nhà đầu tư phương Tây có lý do để bỏ tiền của mình vào dự án này, bất chấp sự cạnh tranh từ phía Lightning II.

Đến giờ là lúc đưa ra lời giải thích về nguồn tin cung cấp những thông tin này - đó là AW&ST. Có thể tin vào lý do của hãng thông tin này đưa ra về việc chương trình Tempest của Anh đang nhận được những khoản đầu tư tư nhân. Để hiểu rõ ai và thông tin nào được đưa lên các trang của Aviation Week, xin viện dẫn một vài thông tin.

Ngày 20/3/1978 – 10 năm sau chuyến bay đầu tiên và cuối cùng của chiếc tàu "Buran" (Liên Xô) – trên Aviation Week đã đăng tải bài viết về chương trình tàu vũ trụ sử dụng nhiều lần của Liên Xô. Theo lời biên tập viên Craig Kovo, thông tin mật này được Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân vào thời điểm đó, tướng David Jones cung cấp.

Ngày 01/11/2013, Aviation Week hé lộ chi tiết về chiếc UAV siêu thanh SR-72 với vận tốc đạt tới Mach 6. Sự quan tâm đến bài viết này lớn tới mức nó đã khiến các server của AW&ST bị sập.

Ngày 09/11/2013, AW&ST hé lộ chi tiết về chiếc UAV RQ-180 do công ty Northrop Grumman nghiên cứu chế tạo và được đưa vào vận hành trong năm 2015. Thông tin đăng tải này được coi là tuyệt mật của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Dự án Team Tempest: Cơn bão táp chết chóc dành cho Su-57, F-35 và J-20 đến từ nước Anh? - Ảnh 2.

Tiêm kích tàng hình F-35A. Ảnh: US Air Force

Đòn đánh trực diện vào các dự án máy bay thế hệ 5 của cả Nga, Mỹ và Trung Quốc?

Quay trở lại Tempest, chương trình nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn từ phương Tây. Căn cứ vào mọi thứ, người Anh quyết định quay lại dự án BAE Systems Replica nghiên cứu chế tạo chiếc tiêm kích thế hệ thứ 5 của mình vốn đã bị đóng băng dưới áp lực của Washington vào cuối thập niên 90.

Người Mỹ khi đó đã "thuyết phục" người Anh rằng, sẽ đúng đắn hơn nếu hợp tác với tập đoàn Lockheed Martin trong chương trình American Joint Strike Fighter – nghiên cứu chế tạo F-35 Lightning II.

Tóm lại, như người Anh đưa tin hiện nay, họ cảm ơn vì sự hợp tác, bởi vì họ đã tuyên bố sẽ sử dụng kinh nghiệm làm việc trong chương trình F-35 vào dự án Tempest của mình. Mặt khác, BAE Systems Replica ngay từ đầu không phải là dự án mới lạ hoặc siêu đắt đỏ, giống như chiếc tiêm kích tàng hình tấn công F-117 hoặc máy bay ném bom B-2 Spirit.

Từ thập niên 1990, người Anh đã cho rằng, việc chế tạo toàn bộ máy bay tàng hình là không phù hợp, bởi vì điều quan trọng nhất là sự cân bằng giữa khả năng khó bị phát hiện và những tính năng truyền thống của các máy bay tiêm kích.

Đúng thế, trong chương trình BAE Systems Replica, mức độ tín hiệu hồng ngoại, âm thanh hay hình ảnh được giảm đi, nhưng không hề có sự hoang đường của người Mỹ.

Cũng được biết vào năm 2014, nguyên mẫu Replica đã được đưa ra khỏi nhà kho, nơi nó đã được bảo quản gần 15 năm và đưa quay trở lại phòng thí nghiệm của BAE Systems. Ở đó, theo các tin đồn, nó đã được cải tiến trên cơ sở những thành tựu mới của công nghệ tàng hình và được thử nghiệm lại.

Sau đó, công tác nghiên cứu một cách không vội vàng chương trình Tempest bắt đầu triển khai nhưng lại được tăng tốc ngay sau khi Anh tiếp nhận những tiêm kích Lightning II đầu tiên.

Nếu như chương trình được triển khai đến cùng thì Không quân Anh đến năm 2017 có lẽ đã được thay thế toàn bộ các máy bay Eurofighter Typhoon của mình bằng những tiêm kích mới. Ít ra, đó là những suy nghĩ của các chuyên gia Anh không hài lòng với việc chương trình BAE Systems Replica bị đóng lại.

Đáng ra, Không quân Anh đã có thể tiếp nhận một chiếc máy bay hiện đại hơn. Công bằng mà nói, công tác nghiên cứu chế tạo chiếc tiêm kích Eurofighter hiện thời cũng đã vấp phải những khó khăn lớn. London thừa nhận rằng nếu không có sự tham gia của người Đức thì dự án đó đã không thể được triển khai.

Bởi vậy, những câu chuyện về các tham vọng không được triển khai của người Anh trông giống như điều không thể thành hiện thực. Một điều có thể thấy rõ: người Anh đang cố gắng nhảy lên toa tàu cuối cùng của đoàn tàu đã rời ga. Bất chấp việc chiếc tiêm kích tương lai Tempest của Không quân Anh được xướng danh như sự bổ sung cho F-35, nhưng London vẫn hi vọng làm ra một cỗ máy mà có thể vượt trội hơn Lightning II.

Ngược lại, nó sẽ không đáng đồng tiền bát gạo bỏ ra. Mà điều đó, theo logic của các chiến lược gia Anh, có nghĩa là ưu thế không phải tranh cãi trước những máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 khác – J-20 của Trung Quốc và Su-57 của Nga.

Tuy nhiên, ông Warren East, Tổng GĐ Rolls-Royce, người tham gia vào buổi lễ ra mắt Tempest, bất ngờ tuyên bố về những vấn đề nghiêm trọng: "Khả năng của Anh trong lĩnh vực không quân và động cơ đang ở mức đáng báo động. Về dài hạn, Chính phủ phải có trách nhiệm trong việc cho phép chúng tôi bảo vệ kiến thức và kỹ năng cốt lõi để duy trì năng lực chủ quyền".

Bản chất của vấn đề là người Mỹ đã quyết định loại bỏ khỏi thị trường không quân thế giới các bạn hữu đáng tin cậy của mình – người Anh cũng đã từng làm điều tương tự với người bạn Israel.

Trong khi đó, chiếc tiêm kích F-35 do tập đoàn Lockheed Martin chế tạo không được các đồng minh yêu thích, bất chấp những lời khen ngợi từ phía các quốc gia đang vận hành nó. Mặt khác, thông tin của AW&ST là một dấu hiệu và nói lên rằng, ngày càng nhiều nước tập trung nghiên cứu chế tạo các máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5.

Bởi vậy, cả Nga cũng cần phải nỗ lực nhằm giảm thiểu giá thành của Su-57 và đưa nó vào sản xuất hàng loạt.

F-35 - Tiêm kích tàng hình đắt nhất, tối tân nhất trong lịch sử Quân đội Mỹ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại