Do còn gặp nhiều vướng mắc, chậm trễ trong triển khai thi công, dẫn tới 9/10 gói thầu của dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội phải kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng, phát sinh thêm chi phí.
Được biết, MRB vừa có văn bản đề xuất UBND TP.Hà Nội lùi thời gian thực hiện dự án hoàn thành năm 2022 sang hoàn thành năm 2029. Cụ thể, tiến độ hoàn thành và vận hành thương mại đoạn trên cao trong năm 2022, vận hành toàn tuyến vào năm 2027 (thay vì cuối năm 2023 như tiến độ điều chỉnh cuối năm 2021); hoàn thành bảo hành và quyết toán năm 2029.
MRB cũng kiến nghị tăng tổng mức đầu tư thêm khoảng 202 triệu Euro (tăng thêm hơn 4.905 tỷ đồng).
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Nhổn - ga Hà Nội được phê duyệt năm 2009, Tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu 783 triệu Euro, sau đó điều chỉnh tăng lên hơn 1,176 tỷ Euro (tăng hơn 66%).
Nếu đề xuất tăng vốn mới nhất của MRB được thông qua, dự án này sẽ tăng tổng mức đầu tư lên hơn 1,37 tỷ Euro.
Từ tháng 6/2021 tới nay, do vướng mặt bằng, liên danh nhà thầu Hyundai (Hàn Quốc) - Ghella (Ý) thi công đoạn hầm và các ga ngầm đã dừng thi công và yêu cầu chủ đầu tư bồi thường hơn 114 triệu USD do kéo dài thời gian thi công so với hợp đồng.
Trước đó, cũng vì kéo dài thời gian thực hiện so với hợp đồng, Tư vấn Systra (Pháp) cũng yêu cầu chủ đầu tư bổ sung thêm 6,5 triệu Euro chi phí so với hợp đồng.
Tàu đường sắt Nhổn - ga Hà Nội chạy thử đoạn trên cao. Ảnh MRB.
Trong báo cáo cập nhật tiến độ mới nhất gửi UBND TP.Hà Nội về dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, MRB cho hay, đến nay, tiến độ tổng thể dự án trên đạt khoảng 74,6%, trong đó tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 95,2%; tiến độ đoạn ngầm đạt 33%.
Theo MRB, với đoạn trên cao, tới nay toàn bộ mặt bằng đã được bàn giao cho nhà thầu, không ảnh hưởng thi công, nhưng còn 177 hộ dân nhường nhất xây dựng khu Depot (khu kỹ thuật) và đường dẫn có khiếu nại liên quan tới chính sách hỗ trợ tái định cư.
Về thi công đoạn trên cao và khu Depot, hiện có 6/8 gói thầu đã hoàn thành, chỉ đợi thử nghiệm và tích hợp hệ thống. Tuy nhiên, gói thầu thi công khu Depot vẫn chậm tiến độ khoảng 5 tháng so với kế hoạch. Dự kiến gói thầu này phải kéo dài tới tháng 1/2023, ảnh hưởng trực tiếp tới việc bàn giao hệ thống đường ray và hệ thống vé cũng như mục tiêu vận hành thương mại đoạn trên cao vào tháng 12 tới. Dù chậm tiến độ, nhà thầu thi công khu Depot chỉ huy động chưa tới 100 công nhân làm việc (đáp ứng được 1/3 so với yêu cầu).
MRB đã yêu cầu nhà thầu, đơn vị tư vấn tăng cường nhân lực, trang thiết bị thi công để đảm bảo tiến độ; đồng thời kiến nghị UBND TP.Hà Nội xử lý nhà thầu thi công khu Depot chậm tiến độ so với hợp đồng.
Về điều chỉnh hợp đồng các gói thầu do dự án chậm tiến độ phải kéo dài thời gian thực hiện, với gói thầu đường sắt 1 (gói CP06), nhà thầu đã có bản đề nghị chủ đầu tư lập Ban giải quyết tranh chấp. MRB đã có văn bản đề xuất UBND TP. Hà Nội chấp thuận chủ trương điều chỉnh bổ sung chi phí hợp đồng cho gói thầu này.
Nhà thầu thi công đoạn hầm và các ga ngầm đang dừng thi công do vướng mặt bằng và yêu cầu chủ đầu tư bồi thường.
Với đoạn đi ngầm, theo MRB, hiện mặt bằng ga S9 còn 2 hộ chưa nhận tiền bồi thường và 50 hộ bị ảnh hưởng do thi công đoạn đi ngầm.
Với gói thầu thi công hầm và ga ngầm (gói CP03), MRB tiếp tục thương thảo với nhà thầu để thi công trở lại, nhưng có nhiều phát sinh. Do đó, nhà thầu vẫn tiếp tục dừng thi công, thông báo chấm dứt hợp đồng, khiếu nại chủ đầu tư chậm bàn giao mặt bằng ra Ban xử lý tranh chấp.
Nhà thầu cũng yêu cầu chủ đầu tư chấp thuận tạm thời 70 triệu USD chi phí khiếu nại tới khi có quyết định xử lý các khiếu nại của Ban xử lý tranh chấp; gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng tới tháng 8/2026. MRB đã có văn bản phản đối chấm dứt hợp đồng, tạm dừng thi công và yêu cầu nhà thầu ngay lập tức thi công trở lại và thương thảo phụ lục hợp đồng theo quy định hợp đồng.
Dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội chính thức khởi công tháng 9/2010, với mục tiêu hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại năm 2015. Sau khởi công, dự án lùi tiến độ nhiều lần, năm 2019, Hà Nội quyết định tách phần trên cao khai thác trước vào cuối năm 2021, đoạn đi ngầm hoàn thành cuối năm 2022. Tới nay, mốc hoàn thành tiếp tục lùi lần lượt tới cuối năm 2022 và cuối năm 2023. Toàn tuyến đường sắt này dài 12,5km với 12 ga, trong đó có 8,5km đi trên cao, 4km đi ngầm.